Báo Đồng Nai điện tử
En

Để nhân viên y tế an tâm làm việc

07:02, 27/02/2023

Khối lượng công việc nhiều, áp lực cao, thu nhập thấp là nguyên nhân chính dẫn đến "làn sóng" bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện, cơ sở y tế công lập nghỉ việc, bỏ việc trong thời gian qua.

Khối lượng công việc nhiều, áp lực cao, thu nhập thấp là nguyên nhân chính dẫn đến “làn sóng” bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện, cơ sở y tế công lập nghỉ việc, bỏ việc trong thời gian qua.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khám cho bệnh nhân. Ảnh:  H.DUNG
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khám cho bệnh nhân. Ảnh: H.DUNG

Bên cạnh việc khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế, việc cải thiện môi trường làm việc cũng như thay đổi các cơ chế liên quan đến hoạt động bệnh viện, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế… cũng rất cần được quan tâm.

Những khó khăn khó nói hết thành lời

Trong chương trình tọa đàm nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2023) do Báo Đồng Nai tổ chức mới đây, BS CKII Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, giai đoạn hậu Covid-19, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực vì nhiều nhân viên y tế nghỉ việc. Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện là những ca bệnh nặng, trong khi những nhân viên nghỉ việc hầu hết có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm.

Về vấn đề nhân lực, đặc biệt là những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, bác sĩ làm nhiệm vụ điều trị ở tuyến xã, huyện, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút, tuyển dụng, luân chuyển từ các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở được đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Tiếp tục triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh, bác sĩ tuyến trên hỗ trợ đào tạo, giúp các cơ sở tuyến dưới tiếp cận, ứng dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào khám, chữa bệnh…

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bệnh viện thường xuyên phải tuyển mới bác sĩ, điều dưỡng. Tuy nhiên, những người mới được tuyển dụng là các bác sĩ trẻ mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, cần một thời gian để đào tạo lại. Riêng điều dưỡng, việc tuyển dụng lại khó khăn hơn nhiều.

Ở khối dự phòng, theo TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngành Y tế nói chung và y tế dự phòng nói riêng đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay. Nếu như ở khối điều trị, bác sĩ, điều dưỡng tập trung chăm sóc, điều trị cho từng bệnh nhân cụ thể thì ở khối dự phòng, nhân viên y tế phải phòng bệnh cho cả cộng đồng. Cộng đồng này là những người chưa mắc bệnh nhưng có nguy cơ mắc bệnh.

“Giai đoạn đại dịch Covid-19, nhân viên y tế khối dự phòng làm việc không kể ngày đêm, dù nắng hay mưa, ngày thường hay ngày lễ. Với tinh thần làm việc thần tốc, nhân viên y tế khối dự phòng không quản hiểm nguy, sẵn sàng xông pha vào những điểm “nóng” nhất của dịch bệnh. Thậm chí, có những người khi đi làm nhiệm vụ không biết liệu có ngày trở về hay không” - BS Hòa nói.

Cũng như khối điều trị, hậu Covid-19, nhiều nhân viên y tế khối dự phòng đã phải xin nghỉ việc, bỏ việc, chuyển công tác do áp lực lớn, thu nhập thấp. Ở tuyến huyện, xã, tình hình nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Nói rõ hơn về điều này, BS CKII Lê Quang Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế chia sẻ, sau đại dịch, ngành Y tế bộc lộ nhiều bất cập. Phải kể đến là quy định về biên chế nhân sự của trạm y tế, có những xã, phường có 30 ngàn dân, thậm chí hơn 100 ngàn dân nhưng biên chế của trạm y tế chỉ được tối đa 10-12 người, không đủ để cáng đáng công việc. Dù là ngành đặc thù nhưng thu nhập của nhân viên y tế không khác gì các ngành nghề khác. Những quy định, chính sách cũ không khuyến khích được sự phát triển của các cơ sở y tế, dẫn đến nguồn thu giảm, thu nhập của nhân viên y tế cũng giảm theo. Bên cạnh đó phải kể đến việc cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc ở nhiều đơn vị đã xuống cấp nhưng chậm được đầu tư, mua sắm… Tất cả những bất cập trên phần nào khiến nhân viên y tế chán nản, không an tâm công tác.

Sớm hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế

Trước những khó khăn của ngành Y tế, Chính phủ và địa phương đã có những động thái nhằm khích lệ, động viên nhân viên y tế an tâm làm việc. Đó là chính sách tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế khối dự phòng và y tế cơ sở. Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi được Quốc hội thông qua mới đây cũng tạo điều kiện cho các cơ sở y tế phát triển tốt hơn.

Ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi
Ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: H.DUNG

Đặc biệt, Nghị quyết số 34 quy định chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025 được HĐND tỉnh thông qua hồi cuối năm 2022 được xem là kịp thời, đúng lúc. Qua đó, nhằm “xốc” lại tinh thần cho nhân viên y tế.

Lãnh đạo Sở Y tế cho hay, khả năng trong tháng 2-2023 các cơ quan chức năng sẽ hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan để hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế công lập trong tỉnh.

BS Nguyễn Thị Đại Na, Trưởng trạm y tế xã Thanh Sơn (H.Định Quán) bộc bạch, ông bà ta từng nói: “Có thực mới vực được đạo”, nhân viên y tế dù yêu nghề đến đâu, đam mê đến mấy với nghề nhưng thu nhập không đảm bảo trang trải cuộc sống, sinh hoạt gia đình cũng khó để gắn bó lâu dài với công việc. Do đó, nhân viên y tế trong trạm đang mong ngóng để nghị quyết sớm được triển khai, giúp nhân viên y tế có thêm nguồn thu nhập chính đáng”.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lên danh sách cụ thể những người đủ điều kiện hưởng hỗ trợ. Các đơn vị chỉ chờ có hướng dẫn cụ thể và quyết định sẽ lập tức chi hỗ trợ cho nhân viên.

Ngoài ra, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, để giải quyết tình trạng thiếu điều dưỡng, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, bệnh viện cũng đang nghiên cứu để tăng thêm mức bồi dưỡng cho những điều dưỡng tham gia trực vì trong đêm trực, công việc của điều dưỡng rất vất vả. Số tiền trực hiện nay theo quy định không tương xứng với công sức bỏ ra.

Để nhân viên y tế khối dự phòng và y tế tuyến cơ sở an tâm công tác, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, việc đầu tư thích đáng cho y tế dự phòng được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong năm nay và những năm tiếp theo. Bởi nếu làm tốt công tác dự phòng sẽ giảm được số người dân mắc bệnh, giảm gánh nặng cho khối điều trị. Thực tế từ đại dịch Covid-19 đã chứng minh điều đó.

Do vậy, tỉnh và ngành Y tế chủ trương sẽ đẩy mạnh đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở từ năm 2023. Cụ thể, sẽ đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, máy móc để các trạm y tế, trung tâm y tế đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế đề ra, đáp ứng nhu cầu người dân. Đồng thời, trang bị đầy đủ thuốc, hóa chất để phục vụ công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân tại tuyến trạm, trung tâm y tế. Giai đoạn 2025-2030 sẽ tập trung thay đổi một số cơ chế như cơ chế tự chủ, thí điểm xã hội hóa… để đổi mới mô hình hoạt động của ngành Y tế theo hướng tích cực hơn, chủ động hơn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận và biết ơn những nỗ lực, đóng góp của cán bộ, nhân viên y tế trong công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, hình ảnh những chiến sĩ áo trắng, áo xanh không quản hiểm nguy để làm nhiệm vụ tại các cơ sở y tế, các trung tâm cách ly cũng như tại cộng đồng là minh chứng rõ nhất cho sự hy sinh của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Với những khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh cũng như việc thực hiện các chính sách, cơ chế ở tầm vĩ mô, lãnh đạo tỉnh sẽ kiến nghị với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và những cơ quan liên quan nhằm tháo gỡ cho ngành Y tế. Qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, giúp nhân viên y tế an tâm gắn bó với nghề cao quý đã lựa chọn”.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều