Thời điểm này, các bệnh viện trong tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc thiết yếu, vật tư, hóa chất phục vụ công tác cấp cứu cho người bệnh trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Thời điểm này, các bệnh viện trong tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc thiết yếu, vật tư, hóa chất phục vụ công tác cấp cứu cho người bệnh trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: H.DUNG |
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt nhưng các cơ sở y tế vẫn chủ động các phương án để sẵn sàng đối phó khi có tình huống khẩn cấp.
Lên kế hoạch cụ thể
BS CKII Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, để đảm bảo công tác cấp cứu được kịp thời, hiệu quả, Khoa đã lên kế hoạch, phân công lịch trực Tết cụ thể cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong khoa. Về thuốc men, trang thiết bị, máy móc, vật tư, đến nay cơ bản ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu.
Những loại bệnh thường gặp trong mùa đông - xuân và trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán mà các cơ sở y tế cần chú ý để dự trữ đủ thuốc cấp cứu, điều trị: sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa… |
Theo BS Hoàng, vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, mỗi ngày Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận khoảng 200-250 ca bệnh, cao hơn so với những ngày bình thường khoảng 50 ca. Những trường hợp cấp cứu chủ yếu do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, thương tích do đánh nhau hoặc bệnh nhân bị các bệnh mạn tính vào đợt cấp… Do vậy, dù không ở trong ca trực nhưng các bác sĩ trong Khoa phải luôn sẵn sàng để có thể hỗ trợ ê kíp trực cấp cứu bệnh viện.
BS Hồ Văn Hải, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chia sẻ, điều mà các nhân viên y tế trong Khoa lo ngại nhất khi trực cấp cứu trong những ngày Tết Nguyên đán là gặp phải những vụ tai nạn giao thông hoặc ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Nếu bệnh nhân được đưa vào khoa cùng lúc đông sẽ gây áp lực rất lớn cho nhân viên y tế. Do vậy, trong khoa nói riêng và bệnh viện nói chung luôn phải chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc thiết yếu như: thuốc giảm đau, kháng sinh, gây tê, gây mê, chống dị ứng, giải độc…
Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, theo BS Nguyễn Văn Sửu, Trưởng khoa Cấp cứu - khám bệnh, vào dịp Tết Nguyên đán, số trẻ cấp cứu nhiều nhất thường là do ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp, bị hóc dị vật đường thở, hóc hạt dưa, hạt bí, xương cá; chấn thương do tai nạn giao thông, phỏng nước sôi, té ngã...
Để đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã triển khai kế hoạch trực Tết đến các khoa, phòng trong bệnh viện. Tất cả các khoa, phòng đều phải bố trí ê-kíp trực có bác sĩ, điều dưỡng để bảo đảm chăm lo cho bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện và các bệnh nhân mới.
Không để xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc
Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
Các cơ sở bán lẻ thuốc trực thuộc các phòng khám đa khoa có trách nhiệm bố trí cán bộ trực bán thuốc 24/24 giờ và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu dùng thuốc của người bệnh.
Nhằm hạn chế tối đa các trường hợp cấp cứu dịp Tết Nguyên đán, các bác sĩ khuyến cáo trong những ngày nghỉ Tết, người dân cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, đảm bảo vệ sinh, ăn chín, uống chín, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia, các loại đồ uống có cồn để tránh một số tai nạn đáng tiếc, trong đó có tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu, bia.
Những gia đình có trẻ nhỏ nên thường xuyên để mắt đến trẻ, không nên cho trẻ chơi những trò chơi mạo hiểm, đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện. Chú ý để xa tầm tay trẻ em những đồ dùng, vật dụng có thể gây nguy hiểm như: nước sôi, dao, kéo, các vật dụng nhỏ mà trẻ có thể cầm, nắm và nuốt phải.
Hạnh Dung