Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ rừng mùa Xuân

08:01, 17/01/2023

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt Khu bảo tồn) có 18 trạm kiểm lâm, 148 kiểm lâm viên (KLV), quản lý trên 100 ngàn ha rừng, mặt nước, đất lâm nghiệp.

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt Khu bảo tồn) có 18 trạm kiểm lâm, 148 kiểm lâm viên (KLV), quản lý trên 100 ngàn ha rừng, mặt nước, đất lâm nghiệp.

Các kiểm lâm viên 2 Trạm Kiểm lâm Bù Đăng và Đakinde phối hợp với nhau tuần rừng những ngày cuối năm. Ảnh: Đ.Phú
Các kiểm lâm viên 2 Trạm Kiểm lâm Bù Đăng và Đakinde phối hợp với nhau tuần rừng những ngày cuối năm. Ảnh: Đ.Phú

Do diện tích trải dài trên địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú và tiếp giáp với các tỉnh: Bình Phước, Bình Dương nên các KLV của Khu bảo tồn luôn bám trạm ngày Xuân để bảo vệ sự an toàn cho cây rừng và muông thú.

* Đón Tết trong rừng

Xuân Quý Mão 2023 đã về với các cánh rừng trong Khu bảo tồn, cây rừng không ngừng nghỉ “rung mình” theo gió Xuân để trút bỏ những chiếc lá vàng. Trạm Kiểm lâm Bù Đăng nằm thoai thoải trên một con dốc, sáng sớm luôn rộn ràng tiếng chim rừng.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Trần Văn Ninh cho biết, đơn vị có 6 người (1 trạm trưởng, 1 trạm phó và 4 KLV), chịu trách nhiệm quản lý trên 4 ngàn ha rừng tự nhiên/5 tiểu khu. Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đơn vị chia nhân lực thành 2 ca trực. Những người kết thúc ca trực của mình thì được về nhà sum họp gia đình, ai nhà xa không về được thì nghỉ ngơi tại trạm, xem như hỗ trợ đồng đội nấu bữa cơm ngày Xuân thêm tươm tất cho những người đi tuần rừng về.

“Hiện tại, thu nhập của viên chức kiểm lâm của Khu bảo tồn còn thấp, không tương xứng với điều kiện làm việc khó khăn, vất vả, nguy hiểm, sự thiếu thốn trong sinh hoạt, đi lại, thông tin liên lạc… nên khó thu hút người có chuyên môn vào làm việc và giữ chân người yêu, tâm huyết với rừng” - Giám đốc Khu bảo tồn NGUYỄN HOÀNG HẢO tâm sự.

Khu vực rừng Trạm Kiểm lâm Bù Đăng quản lý tiếp giáp với khu vực rừng Hạt Kiểm lâm H.Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) quản lý bởi con suối Mã Đà dài 22km nên khá phức tạp. Những ngày Xuân, người dân phía bên kia suối thường lén lút qua hái đọt mây, măng, lá dong... về bán hoặc làm các món ăn ngày Tết. Bên cạnh đó, cũng có một số ít người lợi dụng khu vực rừng giáp ranh trải dài, độ che phủ kín xâm nhập vào bẫy thú nhỏ.

“Nếu chúng tôi không tăng cường cảnh giác, chủ động và phối hợp với các đơn vị bạn tuần tra, mật phục thì cây rừng, thú rừng dễ bị đe dọa bởi thói quen, tập tục của một bộ phận nhỏ người dân bên kia suối Mã Đà” - KLV Hồ Ngọc Tĩnh bộc bạch.

Rừng Bù Đăng ngày Xuân thêm đẹp, rộn ràng tiếng chim, muông thú gọi nhau, nếu cố theo bước chân của các KLV tuần rừng thì không có nhiều thời gian để chúng tôi ghé các trạm kiểm lâm Đakinde, Suối Cốp khi trở ra. Chính vì vậy, chúng tôi đành nói lời giã từ nhưng lòng vẫn muốn nán lại để nghe hết lời tâm tư của các KLV muốn chúng tôi nói thay họ, thay rừng, muông thú làm sao để họ giữ được màu áo, khắc phục tình trạng KLV bỏ việc, khó tuyển dụng vì lương thấp và đang có nguy cơ chuyển thành lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách như ban quản lý bảo vệ rừng hiện nay.

* Rừng luôn cần các KLV

Không khí se lạnh ngày Xuân vẫn phủ đầy các cánh rừng khi mặt trời hơi chếch về phía Tây. Biết chúng tôi sẽ ghé thăm nên Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đakinde Trương Minh Ngọc pha sẵn bình trà nóng ngồi đợi. Điều đầu tiên anh muốn tỏ bày không phải là nỗi lòng ra Tết, khi lực lượng KLV chuyển đổi thành lực lượng bảo vệ rừng như mô hình các ban quản lý bảo vệ rừng theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ quy định về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng mà chính là câu chuyện về rừng, muông thú trên địa bàn trạm quản lý được bình yên. Nhất là trạm đã chuẩn bị chu đáo lương thực, thực phẩm, hoa, quả, bánh, kẹo ngày Tết để anh em tự vui Xuân cùng nhau và tiếp khách.

Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Suối Cốp đang dừng chân nghỉ ngơi trong quá trình tuần rừng ngày Xuân
Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Suối Cốp đang dừng chân nghỉ ngơi trong quá trình tuần rừng ngày Xuân

Tuy vậy, khi chúng tôi đặt vấn đề tâm tư của người giữ rừng ngày Tết, Trạm trưởng Trương Minh Ngọc không giấu nỗi lo lắng, trạm của anh hiện chỉ có 6 người, do Khu bảo tồn vẫn chưa tuyển đủ nhân lực để bổ sung cho trạm thêm 1-2 người nữa. Chính vì vậy, tất cả các KLV quê miền Bắc, miền Trung, Xuân này không về nhà mà đăng ký ở lại trực. Nguyên nhân các trạm kiểm lâm đều thiếu nhân lực là do năm 2022, toàn Khu bảo tồn có 22 viên chức xin nghỉ việc, 3 viên chức xin chuyển công tác khác. Đồng thời, năm 2022, tỉnh cho Khu bảo tồn tuyển thêm 46 biên chế nhưng chỉ có 11/25 người được tuyển dụng tới nhận việc.

Mặc dù mọi người đều biết và thấu hiểu rừng, muông thú rất cần người bảo vệ, che chở trước sự rình rập, đe dọa, xâm hại từ bên ngoài, nhất là đối tượng xâm hại rừng, thú rừng có sử dụng vũ khí và rất manh động. Tuy vậy, với những khó khăn hiện tại và trong nay mai khi lực lượng KLV các trạm kiểm lâm của Khu bảo tồn không còn được khoác áo KLV, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, không có thẩm quyền xử lý vi phạm thì ngay chính bản thân họ khó bảo toàn tính mạng, sức khỏe khi trực tiếp đối mặt với các đối tượng vi phạm có sử dụng vũ khí nói gì tới rừng cây, muông thú.

Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng đang tuần tra khu vực rừng dọc suối Mã Đà
Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng đang tuần tra khu vực rừng dọc suối Mã Đà

Câu chuyện ngày Xuân của các KLV Khu bảo tồn vẫn còn dài, bước chân tuần rừng của các anh vẫn không ngừng bước, vượt dốc đồi, gai nhọn, vắt, muỗi, rắn độc. Đặc biệt, các anh luôn biết vượt lên chính mình, vượt qua những khó khăn hiện tại để những cánh rừng thêm xanh theo từng mùa Xuân.

Mùa Xuân này rừng Khu bảo tồn có thêm 8/11 KLV vừa tuyển dụng mới là đồng bào dân tộc thiểu số như: Mùa A Cháy (quê tỉnh Lào Cai), Sùng A Mính (quê tỉnh Điện Biên), Châu Khone (tỉnh An Giang)... Với các anh, việc tổ chức nấu nồi bánh chưng giữa rừng ngày Tết phần nào vơi đi nỗi nhớ người thân ở phương xa.

                                  Đoàn Phú

Tin xem nhiều