Thời điểm này, học sinh các cấp đã hoàn thành chương trình học kỳ 1 và bước sang chương trình học kỳ 2. Mặc dù đã hoàn thành đợt kiểm tra cuối học kỳ 1 nhưng nhiều học sinh vẫn phải chịu áp lực xoay quanh "kỳ thi" này, đặc biệt là đối với những học sinh có điểm thi thấp hoặc không được như kỳ vọng.
Thời điểm này, học sinh các cấp đã hoàn thành chương trình học kỳ 1 và bước sang chương trình học kỳ 2. Mặc dù đã hoàn thành đợt kiểm tra cuối học kỳ 1 nhưng nhiều học sinh vẫn phải chịu áp lực xoay quanh “kỳ thi” này, đặc biệt là đối với những học sinh có điểm thi thấp hoặc không được như kỳ vọng.
Học sinh Trường THCS Phương Lâm (H.Tân Phú) trong giờ học. Ảnh: H.Yến |
Việc gây áp lực cho trẻ sau khi có kết quả học tập học kỳ 1 là hoàn toàn không có lợi. Cha mẹ, thầy cô cần có nhiều cách khuyến khích, động viên trẻ nỗ lực hơn nữa trong học tập mà không làm trẻ sợ học.
* Nhiều áp lực trước và sau kỳ thi
Mới học lớp 5 nhưng ngày nào trước khi đi ngủ em B.K.N. (học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cũng dặn cha mẹ gọi em thức dậy vào lúc 4 giờ 30 để ôn bài, chuẩn bị cho kiểm tra cuối học kỳ. Ngoài 1 buổi “học gửi” ở nhà cô chủ nhiệm, 1 buổi học chính thức trên trường, mỗi tuần em N. còn có 5 buổi tối đi học thêm môn Toán và Tiếng Anh. Tuy thế, trước đợt kiểm tra cuối kỳ em vẫn rất lo lắng nên phải thức dậy thật sớm để học bài.
Anh B.V.C., cha của K.N. chia sẻ: “Trên group Zalo của lớp, cô thường xuyên nhắn tin, nêu tên cụ thể những học sinh chưa hoàn thành bài hoặc học tập chưa tốt làm cho phụ huynh cũng bị áp lực theo. Vì vậy, phụ huynh không có cách nào khác là phải đốc thúc con học. Thấy con học nhiều quá cũng thương con nhưng nếu không bắt con học thì sợ con theo không kịp bạn bè và bị nêu tên trong nhóm”.
ThS tâm lý HÀ VĂN PHÚC cho biết: “Cha mẹ nên cho con tham gia học tập trải nghiệm thay vì chỉ nhồi nhét lý thuyết; không nên đặt kỳ vọng quá cao vào con vì sẽ tạo áp lực cho con.” |
Ở lớp, để đảm bảo thành tích học tập chung, giáo viên giới hạn bài ôn và soạn sẵn đề cương ôn tập. Trước khi kiểm tra học kỳ cả tuần, giáo viên liên tục nhắc học sinh phải học thuộc đề cương. Thậm chí các bài tập làm văn cũng được cô soạn sẵn dàn ý, cho học sinh làm nháp và ôn luyện, làm đi làm lại nhiều lần cho thật nhuần nhuyễn…
Trước kỳ thi, trẻ bị áp lực học tập đã đành, nhưng ngay cả khi đã thi xong thì trẻ vẫn không tránh được áp lực về điểm số.
Cô Trịnh Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường THCS Lê Quang Định (TP.Biên Hòa) kể: “Trong giờ học, tôi quan sát thấy một học sinh rất buồn, ngồi học mà cứ gục mặt xuống. Khi hỏi nguyên nhân vì sao thì bé òa lên khóc. Nguyên nhân là vì con bị điểm kém một môn học và sợ sẽ bị mẹ la rầy”. Biết được tâm sự của học trò, cô Nhàn đã chủ động trao đổi trước với phụ huynh để phụ huynh chia sẻ, tránh nổi nóng với con.
Không phải chỉ khi bị điểm kém, ngay cả khi đạt thành tích học tập tốt, trẻ vẫn phải chịu áp lực từ chính cha mẹ. Anh Đ.V.P. (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, con gái thứ 2 của anh thuộc nhóm học sinh tốp đầu của lớp nhưng nhiều đêm anh vẫn chứng kiến con đóng cửa phòng khóc một mình. Nguyên nhân là do thành tích học tập của bé thua xa chị nên thường bị mẹ đem ra so sánh.
* Chia sẻ, động viên để tạo động lực học tập cho trẻ
Theo cô Nguyễn Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quang Vinh (H.Trảng Bom), khi nhận kết quả bài kiểm tra không như mong muốn, học sinh là người đầu tiên buồn bã, thậm chí là có tâm lý xấu hổ với bạn bè, lo sợ bị cha mẹ, thầy cô la rầy. Trên thực tế, giáo viên cũng chịu áp lực điểm số vì thành tích của học trò chính là thành tích của giáo viên. Tuy nhiên, trước tình huống này, cô Kim Anh cho rằng giáo viên nên cư xử tế nhị với học sinh.
“Điểm số không thể đánh giá đầy đủ năng lực của trẻ. Vì vậy, giáo viên nên động viên, khuyến khích để học trò nỗ lực hơn trong học tập. Giáo viên cần khéo léo nhắc nhở học trò nhìn lại kết quả học tập của các em để cố gắng hơn trong học kỳ tiếp theo” - cô Kim Anh chia sẻ.
Trực tiếp tham gia tham vấn tâm lý học đường, ThS tâm lý Hà Văn Phúc (ngụ TP.Biên Hòa) cho biết, anh đã nhận nhiều thông tin chia sẻ của học sinh về việc bị cha mẹ đem ra so sánh, áp đặt điểm số trước và sau khi thi. Điều này không chỉ tạo áp lực tâm lý mà còn khiến các em chán nản trong học tập. Trước tình huống này, ThS Hà Văn Phúc đưa ra cả lời khuyên cho học sinh lẫn phụ huynh.
Về phía học sinh, anh Phúc cho rằng, học sinh cần bình tĩnh, không đặt nặng vấn đề điểm số mà phải chú trọng đến những kiến thức đạt được trong quá trình học tập. Khi đối mặt với việc bị cha mẹ so sánh, áp đặt mục tiêu điểm số, thành tích học tập thì các em nên mạnh dạn chia sẻ, bày tỏ quan điểm của mình. Nếu các em đã cố gắng hết sức mà kết quả không như mong muốn thì cần chia sẻ để cha mẹ hiểu, tránh kỳ vọng quá mức. Bên cạnh đó, các em cần xem lại phương pháp học tập, sự nghiêm túc của bản thân xem đã cố gắng hết sức chưa, có chủ quan không, cần điều chỉnh chỗ nào…
Lời khuyên của thạc sĩ tâm lý dành cho phụ huynh là cần quan tâm con nhiều hơn; động viên, cổ vũ khi con gặp khó khăn thay vì chỉ trích, so sánh con với “con nhà người ta”. Bởi những lời chỉ trích, sự so sánh đó chính là mũi tên vô hình khiến cho con mất niềm tin, trở nên tự ti, nhút nhát, ảnh hưởng tâm lý và quá trình học tập.
Ngoài ra, để trẻ có động lực trong học tập, anh Phúc cho rằng, trước thềm năm học mới, cha mẹ và con nên ngồi lại để thảo luận, đặt ra mục tiêu trong học tập và đưa ra phần thưởng nếu trẻ đạt được mục tiêu đó. Phần thưởng nên nhấn mạnh yếu tố tinh thần chứ không nên quá thực dụng. Sau học kỳ 1, cả gia đình có thể nhìn lại mục tiêu và phân tích cho con thấy con đã đi đến đâu và cần nỗ lực như thế nào; định hướng lại để trẻ có động lực chinh phục mục tiêu nhưng đồng thời cũng không bị áp lực vì thấy cha mẹ luôn đồng hành, chia sẻ.
Hải Yến