Sinh ra ở tỉnh Phú Thọ, lớn lên ở tỉnh Hà Tây (nay là TP.Hà Nội) nhưng bà Đinh Thị Kim Điều (dân tộc Mường) lại chọn Đồng Nai làm nơi gắn bó hơn 20 năm nay.
Sinh ra ở tỉnh Phú Thọ, lớn lên ở tỉnh Hà Tây (nay là TP.Hà Nội) nhưng bà Đinh Thị Kim Điều (dân tộc Mường) lại chọn Đồng Nai làm nơi gắn bó hơn 20 năm nay.
Bà Đinh Thị Kim Điều trong giờ làm việc tại UBND xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: N.Sơn |
Bà là người luôn gương mẫu phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tích cực đóng góp cho hoạt động tại địa phương, tạo được uy tín trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc.
* Vươn lên thoát nghèo
Bà Điều kể, năm 1999, bà bán căn nhà ở quê rồi theo chồng vào xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu sinh sống và lập nghiệp. Với số tiền này, bà mua nhà, rẫy để làm ăn. Cả 2 vợ chồng bà không nghề nghiệp nên cuộc sống của gia đình chỉ trông vào rẫy trồng các loại cây lương thực. Ngoài làm rẫy của gia đình, 2 vợ chồng bà còn nhận làm thuê cho các gia đình trong xã để kiếm thêm thu nhập nhưng mãi vẫn không thoát khỏi cái nghèo.
Nhận thấy nhu cầu của người dân nơi đây là khoan giếng, trong khi đó, nơi gia đình bà sinh sống lại không có người làm nghề này. Gia đình nào muốn khoan giếng phải chờ rất lâu. Vì vậy, bà Điều đã nảy ra ý định tạo việc làm và thu nhập cho gia đình bằng nghề khoan giếng. Năm 2002, bà mạnh dạn vay mượn tiền để mua sắm máy móc, trang thiết bị khoan giếng.
“Công việc này không “dễ ăn”, nhất là vào mùa khô, mạch nước ngầm hạ xuống thấp; đây cũng là nghề nguy hiểm, có thể bị tai nạn bất cứ lúc nào… Thế nhưng với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, 2 vợ chồng tôi động viên nhau cùng vượt qua khó khăn” - bà Điều nói.
Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, bà biết được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả giúp nhiều trường hợp thoát nghèo, làm ăn khấm khá. Từ đó, bà đã mạnh dạn bàn với chồng, chuyển đổi dần từ trồng các loại cây lương thực sang cây công nghiệp, cây ăn trái. Để chuyển đổi thành công, bà đã tìm hiểu và lựa chọn loại cây trồng phù hợp với vùng đất Vĩnh Tân; tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng và đầu tư hệ thống tưới nước để đạt được hiệu quả cao nhất. Với lợi thế đất rẫy rộng, bà nuôi thêm gà, trồng cỏ nuôi bò…
Với sự linh hoạt, cần cù, tiết kiệm của cả 2 vợ chồng, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo; mua thêm được đất, xây nhà cho thuê, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định (bình quân khoảng 30 triệu đồng/tháng) cho gia đình, có điều kiện để các con học hành và tham gia đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
* Cống hiến cho xã hội
Với bản tính “bao đồng”, trách nhiệm, năm 2008, bà được hội viên phụ nữ ấp 1 tín nhiệm bầu làm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Vĩnh Tân. Năm 2009, bà Điều lại được nhân dân trong ấp bầu làm Trưởng ấp 1.
Bà Điều cho hay, khi được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng ấp, bà cũng rất áp lực. Bởi bà còn nặng gánh gia đình, vừa phải chăm sóc mẹ già, quán xuyến việc nhà và công việc làm ăn của gia đình. Nhưng nghĩ đến những người đã tin tưởng giao phó, tín nhiệm, bà đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian làm trưởng ấp, bà đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như của địa phương; đồng thời tập hợp, phản ánh và đề nghị chính quyền giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của người dân trong ấp…
Nhạy bén lại nhiệt tình, trách nhiệm với công việc nên năm 2012, bà được xã điều động làm cán bộ (không chuyên trách) phụ trách công tác dân tộc - tôn giáo xã Vĩnh Tân; được bầu làm người uy tín ấp 1 và hiện nay bà còn phụ trách thêm công tác gia đình, trẻ em của xã.
Bà Điều cho biết, trên địa bàn xã hiện có trên 150 hộ dân tộc với khoảng trên 1,3 ngàn nhân khẩu. Phụ trách công tác dân tộc - tôn giáo, bà luôn bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp đồng bào hiểu, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, bà còn vận động, động viên đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, tự lo cho bản thân, gia đình, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước.
Là cán bộ phụ trách công tác gia đình trẻ em, ngoài việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, địa phương liên quan đến công tác gia đình, trẻ em đến với các tầng lớp nhân dân, bà còn tham gia hòa giải các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình; hỗ trợ các trường hợp trẻ em khó khăn…
Với vai trò là người uy tín, bà Điều luôn gương mẫu và vận động nhân dân đóng góp vào các hoạt động của địa phương. Trong đó, phải kể đến việc đóng góp kinh phí để cùng với địa phương làm đường giao thông nông thôn, trang bị đèn chiếu sáng trên các tuyến đường, lắp camera ở các khu vực trọng điểm… nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn. Vào các dịp lễ, tết, bà vận động nhân dân dọn dẹp vệ sinh nhà ở, đường xóm, treo cờ Tổ quốc...
Với sự nỗ lực của bản thân, bà ĐINH THỊ KIM ĐIỀU đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Tiêu biểu là bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong thưc hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2010-2020 nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020. |
Nga Sơn