Báo Đồng Nai điện tử
En

Những ai nên tiêm vaccine ngừa virus HPV?

07:12, 10/12/2022

Nhiễm virus HPV (Human papilloma virus) có thể gây nên ung thư cổ tử cung. Vì vậy, tiêm vaccine ngừa virus HPV là biện pháp dự phòng hữu hiệu để phòng, tránh ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng nên tầm soát ung thư cổ tử cung để được điều trị kịp thời nếu chẳng may mắc phải căn bệnh này.

Nhiễm virus HPV (Human papilloma virus) có thể gây nên ung thư cổ tử cung. Vì vậy, tiêm vaccine ngừa virus HPV là biện pháp dự phòng hữu hiệu để phòng, tránh ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng nên tầm soát ung thư cổ tử cung để được điều trị kịp thời nếu chẳng may mắc phải căn bệnh này.

Tiêm vaccine ngừa virus HPV là biện pháp dự phòng hiệu quả trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Tiêm vaccine ngừa virus HPV là biện pháp dự phòng hiệu quả trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Người từ 9-26 tuổi nên được tiêm ngừa virus HPV. Việc tiêm virus này được khuyến cáo cho cả nữ và nam.

* Biện pháp phòng bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả

Theo BS CKI Nguyễn Hiếu, Phó trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, nhiễm virus HPV là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư cổ tử cung. Các nhà khoa học đã tìm ra khoảng 200 tuýp HPV khác nhau, nhưng chỉ có một số ít tuýp có khả năng gây ung thư cao (tuýp 16, 18).

“Nữ giới có thể bị nhiễm virus này thông qua nhiều con đường khác nhau. Trong đó, giao hợp hoặc tiếp xúc bộ phận sinh dục là đường lây truyền chủ yếu. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể nhiễm virus HPV thông qua: bàn tay (hiếm khi xảy ra), qua bề mặt môi trường, từ mẹ sang con (trong một nghiên cứu gồm 172 bà mẹ nhiễm HPV, chỉ có một cặp mẹ - con có cùng tuýp HPV)” - BS Hiếu cho hay.

Để phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung thì tiêm phòng virus HPV là biện pháp hữu hiệu nhất. Đây là biện pháp dự phòng cấp 1.

Tiêm vaccine phòng HPV không cần xét nghiệm trước tiêm. Nữ giới trong độ tuổi 9-26, không mang thai, không dị ứng với thành phần nào của vaccine, không mắc các bệnh cấp tính… đủ điều kiện tiêm vaccine này. Người bệnh nên được khám sức khỏe sàng lọc trước tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Đối với biện pháp dự phòng cấp 2, phụ nữ trong độ tuổi từ 21-65, đã quan hệ tình dục nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ. Các biện pháp tầm soát gồm: phương pháp tế bào học và xét nghiệm tìm virus HPV.

Trong đó, phương pháp xét nghiệm tế bào học nhằm xác định những tế bào bất thường ở cổ tử cung gây ra bởi virus HPV, giúp phát hiện sớm ung thư, trước khi các khối u lây lan rộng. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp phát hiện những bất thường trong cấu trúc, hoạt động của tế bào tử cung để cảnh báo nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung trong tương lai.

Phương pháp xét nghiệm tìm virus HPV có thể phát hiện các tuýp HPV nguy cơ cao sinh ung thư. Chúng có thể được sử dụng trong lâm sàng như là xét nghiệm sàng lọc sơ cấp riêng biệt hoặc phối hợp với phương pháp khác. Xét nghiệm HPV có độ nhạy cao và giá trị dự báo âm tính cao. Nếu xét nghiệm HPV(-) thì gần như không có nguy cơ hình thành CIN III (giai đoạn ngay trước khi phát triển ung thư cổ tử cung) trong vòng 5 năm sau đó. Điều này cho phép giãn thời gian sàng lọc và giảm số lần sàng lọc trong cuộc đời người phụ nữ.

Đối với biện pháp dự phòng cấp 3, bệnh nhân được điều trị sớm và phù hợp các tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung.

* Nên tiêm ngừa cho người từ 9-26 tuổi

Hiện nay, có nhiều loại vaccine HPV khác nhau (nhị giá, tứ giá, chín giá...) và tùy thuộc vào các chủng virus mà các vaccine có những hiệu quả bảo vệ với các bệnh khác nhau. Lịch trình tiêm vaccine HPV khác nhau tùy thuộc loại vaccine và độ tuổi của đối tượng.

Tại Việt Nam đang có 2 loại vaccine phòng virus HPV gồm: Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ). 2 loại vaccine này đã được chấp thuận là an toàn và hiệu quả, có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung trên 90% và các tổn thương tiền ung thư trên 60%.

Cả 2 loại vaccine này đều được tiêm 3 mũi. Trong đó, mũi 1 là ngày tiêm đầu tiên. Mũi 2 cách 1-2 tháng sau mũi đầu tiên, mũi 3 cách 6 tháng sau mũi đầu tiên.

Theo Hướng dẫn dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung do Bộ Y tế ban hành năm 2019, việc tiêm vaccine ngừa HPV được thực hiện cho nữ giới từ 9-26 tuổi, tốt nhất là từ 11-13 tuổi.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã tiêm vaccine HPV cho cả trẻ trai và gái. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng HPV ở nam giới trong độ tuổi từ 9-26 được khuyến khích. Việc tiêm vaccine này nhằm giúp phòng ngừa các bệnh do HPV gây ra ở nam giới thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc tình dục không an toàn như: sùi mào gà (mụn cóc sinh dục), ung thư dương vật, ung thư hậu môn, ung thư miệng, ung thư vòm họng…

Ngay cả khi đã nhiễm virus HPV, những người trong độ tuổi vẫn được khuyến khích tiêm phòng virus HPV. BS Hiếu lý giải: “Hiện nay, các nhà khoa học phát hiện có khoảng 100 tuýp virus HPV gây ra ung thư cổ tử cung và sùi mào gà. Tiêm vaccine tứ giá Gardasil ngừa 2 tuýp (16, 18) gây ung thư cổ tử cung và 2 tuýp (6, 11) gây sùi mào gà. Khi đã nhiễm những tuýp HPV ngoài 4 tuýp trên thì việc tiêm HPV là cần thiết. Kể cả khi đã nhiễm các tuýp 16, 18 hay 6, 11 thì việc tiêm vaccine ngừa HPV vẫn có tác dụng nhất định và không gây ra ảnh hưởng gì”.             

Hải Yến

Tin xem nhiều