Thư viện được ví như một "kho báu kiến thức" của trường học. Thế nhưng, ở nhiều trường học hiện nay thư viện còn ít được đầu tư. Điều này dẫn đến học sinh chưa được thỏa mãn nhu cầu khám phá kiến thức và bồi dưỡng văn hóa đọc.
Thư viện được ví như một “kho báu kiến thức” của trường học. Thế nhưng, ở nhiều trường học hiện nay thư viện còn ít được đầu tư. Điều này dẫn đến học sinh chưa được thỏa mãn nhu cầu khám phá kiến thức và bồi dưỡng văn hóa đọc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ tư, từ phải qua) tặng sách cho thư viện Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). Ảnh: C.NGHĨA |
Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) hiện có trên 3 ngàn học sinh nhưng thư viện của trường chỉ rộng 40m2, trong đó một phần diện tích được ngăn ra chứa thiết bị dạy học. Nếu theo chuẩn thư viện trường học thì trường chưa đạt yêu cầu.
Chưa thỏa mãn nhu cầu đọc
Từ nhiều năm nay, trường luôn trong tình trạng quá tải sĩ số học sinh nên việc đầu tư để có một thư viện đúng chuẩn là điều không dễ dàng. Hằng năm, nhà trường đều đầu tư một lượng sách giáo khoa, sách tham khảo nhất định cho học sinh. Bên cạnh đó, trường cũng vận động học sinh ủng hộ thư viện nhà trường thêm nhiều đầu sách và truyện, chủ yếu là truyện tranh, để phần nào đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh.
Đầu tư sách cho thư viện giúp làm giàu kiến thức cho học sinh. Trong năm học 2022-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã đến thăm nhiều trường phổ thông trên địa bàn TP.Biên Hòa. Tại các trường đến thăm, Bí thư Tỉnh ủy đều dành nhiều thời gian tham quan thư viện trường và nhận thấy thư viện còn ít đầu sách và sách đã cũ. Đồng chí đề nghị phải tăng cường đầu tư nhiều sách hơn cho thư viện, bởi đầu tư sách cho thư viện giúp làm giàu kiến thức cho học sinh. |
Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài Ngô Thị Thủy chia sẻ: “Học sinh của trường đam mê đọc sách nhưng khả năng phục vụ của thư viện trường còn hạn chế về nhiều mặt. Như diện tích thư viện của trường khá nhỏ, phải tận dụng cả hành lang bên ngoài để các em ngồi đọc sách”.
Nằm ngay trung tâm TP.Biên Hòa, Trường THCS Thống Nhất (P.Thống Nhất) được đánh giá là chuẩn quốc gia, nhưng các đầu sách phục vụ học sinh của thư viện trường khá ít và cũ. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Kim Khánh chia sẻ: “Để đầu tư một thư viện đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh là chuyện không dễ dàng, ngoài số lượng đầu sách phong phú còn cần một không gian đọc hấp dẫn với lứa tuổi học sinh. Muốn có một thư viện đúng chuẩn phải có nguồn lực, trong khi đó kinh phí chi thường xuyên hằng năm chưa nhiều. Còn muốn vận động nguồn xã hội hóa từ phụ huynh để đầu tư thì cũng không hề đơn giản, thậm chí là nhạy cảm”.
Theo chia sẻ của nhiều hiệu trưởng, thư viện trường hiện chưa thỏa mãn nhu cầu đọc của học sinh. Kinh phí mua sắm sách mới còn ít, chủ yếu từ nguồn sách quyên góp của học sinh và phụ huynh nên không tránh khỏi chuyện “có gì đọc nấy”. Chẳng hạn với lứa tuổi học sinh tiểu học và THCS, ngoài truyện tranh, các em cần đọc thêm nhiều truyện ngắn, sách văn học của các nhà văn nổi tiếng để nuôi dưỡng tâm hồn và còn học thêm được cách hành văn. Nếu nhà trường chi vài triệu đồng mỗi năm học để mua sách cũng không thể thỏa mãn được nhu cầu của học sinh.
Còn tại Trường tiểu học Quang Vinh (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa), Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho hay: “Nếu xét về diện tích thì thư viện trường đủ chuẩn, nhưng sự phong phú và mới mẻ của các đầu sách thì cần được đầu tư nhiều hơn. Kinh phí có hạn nên mỗi năm nhà trường chỉ có thể chi khoảng 2-3 triệu đồng để mua các đầu sách mới bổ sung cho thư viện. Nguồn sách mới bổ sung chủ yếu do học sinh và phụ huynh ủng hộ bằng nguồn xã hội hóa thông qua phát động ngày hội đọc sách được tổ chức trong năm học”.
Chuyển đổi số cho thư viện
Đầu năm 2022, Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) chính thức vận hành thư viện số với diện tích rộng 100m2. Thư viện không chỉ được thiết kế rộng rãi, thân thiện mà còn có đến 550 đầu sách các loại, 30 máy tính bảng tích hợp phần mềm truy cập internet đọc sách điện tử, học tiếng Anh, tra cứu thông tin... Toàn bộ hệ thống sách và thiết bị của thư viện được số hóa hoàn toàn nên việc quản lý trả sách và tìm sách cho mượn của nhân viên thư viện vì thế trở nên đơn giản hơn. Đặc biệt, với thiết kế linh hoạt, khi cần không gian, thư viện có thể chuyển thành một phòng học trực tuyến, hoặc một phòng thảo luận của giáo viên và học sinh.
Học sinh Trường THCS Xuân Mỹ (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) trong giờ đọc sách tại thư viện |
vViệc chuyển đổi số các thư viện truyền thống sang thư viện số đang là định hướng của ngành GD-ĐT. Tỉnh đã đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2022 này có 15% số trường học công lập ở tất cả các cấp học chuyển đổi thành công thư viện số tiên tiến hiện đại; đồng thời, đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 60% số trường đạt được mục tiêu này. Nếu có được tỷ lệ các trường chuyển đổi số thư viện thành công sẽ tạo được một môi trường nuôi dưỡng cho văn hóa đọc, tác động trực tiếp đến chất lượng dạy và học một cách lâu dài.
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, sẽ có nhiều ưu điểm khác biệt so với thư viện truyền thống hiện nay khi ngoài sách bản giấy, học sinh còn có thể tìm đọc các nguồn sách đã được số hóa với số lượng khổng lồ và kết nối với nhiều thư viện số khác nhau. Ngoài giáo viên và học sinh thì phụ huynh cũng có thể truy cập vào thư viện số của trường. Cái được lớn nhất không dừng lại ở việc tiếp cận với sách trên môi trường điện tử, mà thư viện số còn giúp học sinh hình thành văn hóa đọc và kỹ năng đọc sách, đồng thời phát triển xã hội học tập bền vững.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều hiệu trưởng các trường phổ thông, việc chuyển đổi số cho các thư viện sẽ không dễ dàng vì cần đầu tư rất lớn về kinh phí. Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.Biên Hòa cho hay, thời gian qua đã được đi tham quan một số mô hình thư viện số và dự các hội thảo về chuyển đổi số thư viện. Nhưng để có một thư viện số hiện đại sẽ cần từ 1,5-2 tỷ đồng cho cải tạo, thiết kế lại mặt bằng và không gian thư viện hiện có, mua sắm bàn ghế, hệ thống thiết bị máy tính, tập huấn công nghệ quản lý thư viện cho nhân viên thư viện…
Về nguồn lực phục vụ xây dựng thư viện số tiên tiến, hiện đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết: “Thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Đồng Nai đã ban hành đề án và kế hoạch của tỉnh, trong đó có chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành bồi dưỡng cho giáo viên, nhân viên thư viện về chuyển đổi số. Đối với các thiết bị phục vụ quá trình chuyển đổi số, UBND tỉnh sẽ xem xét đầu tư tùy vào nhu cầu cụ thể cho từng giai đoạn”.
Công Nghĩa