Để đáp ứng nhu cầu dạy học, nhóm giảng viên Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) đã sử dụng các thiết bị có sẵn ở trường tạo nên mô hình điều khiển tự động kho hàng nông sản. Mô hình có thể ứng dụng giảng dạy nhiều module của nghề điện tử công nghiệp và nghề logistics.
Để đáp ứng nhu cầu dạy học, nhóm giảng viên Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) đã sử dụng các thiết bị có sẵn ở trường tạo nên mô hình điều khiển tự động kho hàng nông sản. Mô hình có thể ứng dụng giảng dạy nhiều module của nghề điện tử công nghiệp và nghề logistics.
Thầy giáo Phạm Minh Phong, giảng viên Khoa Điện - điện tử, Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (bên trái) và đồng nghiệp bên mô hình điều khiển tự động kho hàng nông sản. Ảnh: H.Yến |
Mô hình này không chỉ hỗ trợ dạy học đạt hiệu quả cao mà còn giúp nhà trường tiết kiệm chi phí mua sắm thiết bị dạy nghề.
* Bộ thiết bị “2 trong 1”
Đào tạo nghề không chỉ đòi hỏi học sinh, sinh viên phải nắm vững kiến thức mà phải thực hành thành thạo. Điều này đặt ra yêu cầu phải có các thiết bị dạy nghề là những mô hình mô phỏng thực tế. Thông qua những mô hình này, sinh viên có thể tiếp cận được thực tế trong quá trình học tập tại trường. Tuy nhiên, không phải tất cả các module, học phần đều có sẵn thiết bị, mô hình hoặc nếu phải mua thiết bị thì giá thành khá đắt đỏ.
Mặt khác, cùng với sự phát triển của công nghệ, các chương trình đào tạo nghề trong nhà trường luôn được cập nhật, đổi mới. Điều này đòi hỏi các thiết bị dạy nghề phải cải tiến theo để phù hợp với chương trình đào tạo. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, các trường nghề cần thường xuyên tự sáng tạo thiết bị dạy nghề.
Thiết bị mô hình điều khiển tự động kho hàng nông sản của nhóm giảng viên Khoa Điện - điện tử (gồm các giảng viên: Phạm Minh Phong, Vũ Văn Tuyên, Trần Thị Thùy Hương, Phạm Đình Tuân, Vũ Tùng Lâm) Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi đã giành giải nhất tại hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII-2022. |
Thầy giáo Phạm Minh Phong, giảng viên Khoa Điện - điện tử cho biết, Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi bắt đầu đào tạo nghề logistics từ năm học 2020-2021. Quá trình giảng dạy cần có bộ thiết bị phục vụ đào tạo các module về nhập kho, xuất kho, bảo quản hàng hóa... Tuy nhiên, những bộ thiết bị đào tạo nghề này hầu như chưa có trên thị trường. Do vậy, nhóm giảng viên của khoa đã lên ý tưởng và cùng thực hiện mô hình điều khiển tự động kho hàng nông sản.
“Mô hình gồm có 3 phần: điều khiển, lưu kho và bảo quản sản phẩm. Trong đó, phần điều khiển đã đưa vào giảng dạy cho sinh viên năm 3 nghề điện tử công nghiệp; phần lưu kho, bảo quản sản phẩm sẽ được dùng để đào tạo cho sinh viên năm 3 nghề logistics” - thầy giáo Phong chia sẻ.
Anh giải thích thêm, mô hình có thể ứng dụng giảng dạy cho 2 nghề điện tử công nghiệp và logistics. Trong đó, sinh viên nghề điện tử công nghiệp học để biết cách thiết kế chương trình và hệ thống, còn sinh viên ngành logistics học để biết cách vận hành hệ thống.
* Đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề
Hệ thống lưu kho tự động và bảo quản sản phẩm đã được các công ty, xí nghiệp ứng dụng rộng rãi nhằm mục đích quản lý sản phẩm hàng hóa tự động, việc xuất nhập hàng hóa ít chịu tác động của con người, bảo quản sản phẩm ở nhiệt độ ổn định nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Mô hình điều khiển tự động kho hàng nông sản với đầy đủ các tính năng sẽ giúp học sinh, sinh viên nghề logistics có thể tiếp cận với thực tế nêu trên.
Các thiết bị tự động hóa kết nối thông qua một hệ thống mạng được cài đặt, vận hành, xuất báo cáo và giám sát trên màn hình HMI và máy tính. Thiết bị được lắp đặt trên mô hình là bảng lưới dễ dàng thiết kế theo yêu cầu của bài tập, có thể mở rộng các module theo từng dự án. Chính vì vậy, rất thuận tiện cho việc mở rộng nâng cấp khi áp dụng công nghệ mới.
So với thiết bị được mua về, thiết bị đào tạo tự làm có nhiều ưu điểm như: tiếp cận chương trình đào tạo, tiếp cận đối tượng học sinh, sinh viên, phù hợp với điều kiện giảng dạy tại trường, giá thành rẻ hơn…
“Tận dụng những thiết bị có sẵn ở trường, chúng tôi chỉ mua thêm một số thiết bị còn thiếu nên tính tổng chi phí làm bộ thiết bị này chỉ hơn 30 triệu đồng, tiết kiệm được khoảng 70 triệu đồng” - thầy Phong cho biết thêm.
Theo nhóm tác giả, mô hình xây dựng để giảng dạy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, có thể áp dụng cho các hệ đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, phù hợp với các ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực điện - điện tử, logistics. Trong đó, đã có khoảng 100 sinh viên nghề điện tử công nghiệp được học với mô hình này.
Một điểm cộng cho mô hình là được thiết kế với 7 module riêng biệt, mỗi module thực hiện chức năng khác nhau. Mỗi module có thể cài đặt thuận tiện cho việc giảng dạy cũng như bảo trì, bảo dưỡng. Điều này tạo thuận lợi cho giảng viên dạy học theo phương pháp dạy học dự án. Trong đó, trên cùng một mô hình, học sinh, sinh viên có thể thực hiện các bài tập dự án, giải pháp theo ý tưởng riêng. Các thiết bị điện dễ dàng lắp đặt và thay thế theo từng yêu cầu điều khiển. Học sinh, sinh viên căn cứ theo yêu cầu điều khiển tự đưa ra các phương pháp, lựa chọn và lắp đặt các thiết bị đúng yêu cầu. Khi thực hiện các yêu cầu điều khiển nâng cao và có tính mở rộng, các module được lắp ghép với nhau một cách linh hoạt và dễ dàng.
Hải Yến