Những năm qua, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác phòng, chống HIV gặp nhiều khó khăn, thách thức, rất cần sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp, các tổ chức và đoàn thể. Trong đó, đoàn viên thanh niên phải giữ vai trò xung kích, đi đầu trong hoạt động này.
Những năm qua, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác phòng, chống HIV gặp nhiều khó khăn, thách thức, rất cần sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp, các tổ chức và đoàn thể. Trong đó, đoàn viên thanh niên phải giữ vai trò xung kích, đi đầu trong hoạt động này.
Lãnh đạo ngành Y tế, lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa và lực lượng đoàn viên, thanh niên thể hiện quyết tâm sẵn sàng phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: H.Yến |
Để làm được điều đó, các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) cần là người tiên phong trong công cuộc nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của toàn xã hội về HIV/AIDS.
* Người nhiễm HIV mới đang có xu hướng trẻ hóa
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài, Đồng Nai hiện có khoảng 6,6 ngàn ca mắc HIV, riêng từ đầu năm 2022 đến nay có 511 ca mắc mới. Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng ngày càng chiếm tỷ lệ cao so với đường truyền máu. Nhóm tuổi từ 25-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (61%) và có xu hướng trẻ hóa dần 15-24 tuổi (27%). Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới mắc HIV có xu hướng gia tăng, chủ yếu ở độ tuổi trẻ và tập trung ở đối tượng công nhân lao động, học sinh, sinh viên tại các trường THPT, đại học, cao đẳng nghề.
“Trong số hơn 510 ca HIV mới được phát hiện trong 10 tháng của năm 2022 thì có đến 44% thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới” - ông Tài cho hay.
Tình dục không an toàn, tình dục đồng giới và tâm lý chủ quan với dịch bệnh là nguyên nhân làm tăng số người nhiễm HIV trẻ tuổi. Trong đó, nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới thường có xu hướng không thích dùng bao cao su, hay thay đổi bạn tình, thậm chí quan hệ không an toàn theo nhóm... nên càng dễ nhiễm HIV từ người khác.
Toàn tỉnh hiện có 4 phòng xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính gồm: phòng xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế H.Long Thành, Trung tâm Y tế TP.Long Khánh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. |
Những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm. Nhờ đó, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Đặc biệt, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống HIV/AIDS, trong đó tăng cường triển khai các hoạt động chuyên môn như: can thiệp, dự phòng cho nhóm người có nguy cơ cao; tuyên truyền thay đổi hành vi; tư vấn, xét nghiệm, điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV… mang lại hiệu quả tích cực.
Cụ thể, với nhóm người có nguy cơ cao (nghiện ma túy, gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới), ngành Y tế đã có các hình thức can thiệp, dự phòng hiệu quả, tiếp cận đúng đối tượng thông qua các tổ chức cộng đồng (CBO). Trong đó, tạo sự có sẵn của bơm kim tiêm, bao cao su và duy trì hoạt động phân phát bơm kim tiêm, bao cao su thông qua các kênh phân phối khác nhau. Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm, bao cao su sạch, đúng cách, thu gom và tiêu hủy bơm kim tiêm bẩn.
Tuyên truyền trực tiếp cho nhóm nghiện chích ma túy, gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới tại các khu vực trọng điểm thông qua các tổ chức CBO và cấp phát qua hộp cố định đặt tại trạm y tế hoặc các tụ điểm.
* Chấm dứt dịch AIDS - thanh niên sẵn sàng
Theo anh Nguyễn Minh Kiên, Bí thư Tỉnh đoàn, thời gian qua, các cấp Đoàn - Hội trong tỉnh đã có nhiều sáng kiến, hoạt động sáng tạo nhằm phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, tổ chức Đoàn - Hội các cấp đã lồng ghép hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động như: tư vấn tâm lý; các chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng và tư vấn tiền hôn nhân cho ĐVTN, hội viên; phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Đồng Nai quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; thúc đẩy ĐVTN, hội viên chủ động phòng, chống HIV/AIDS… Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; thay đổi hành vi nguy cơ cao.
Anh Nguyễn Minh Kiên chia sẻ: “Với vai trò xung kích, tình nguyện, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống HIV/AIDS, mỗi ĐVTN, hội viên sẽ là một tuyên truyền viên tích cực trong gia đình, cộng đồng và xã hội thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Đây không chỉ là hành động để chung tay chấm dứt dịch AIDS mà còn nhằm xây dựng hình ảnh đẹp của thanh niên Đồng Nai thời kỳ mới”.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, với chủ đề của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay là “Chấm dứt dịch AIDS - thanh niên sẵn sàng”, UBND TP.Biên Hòa đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng nguy cơ cao; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV.
“TP.Biên Hòa cũng sẽ đẩy mạnh khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho người dân nói chung và đối tượng thanh - thiếu niên nói riêng. Điều này góp phần kéo người trẻ tránh xa các tệ nạn xã hội, qua đó giảm các hành vi nguy cơ cao để không bị nhiễm HIV/AIDS” - ông Thanh cho hay.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho biết, để thực hiện mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS ở nước ta vào năm 2030 thì ngành Y tế cần có sự chung tay, vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể, đặc biệt là Đoàn thanh niên của các doanh nghiệp; học sinh, sinh viên tại các Trường THPT, đại học, cao đẳng và cả cộng đồng.
Theo đó, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động thông tin giáo dục truyền thông về HIV/AIDS, chú trọng đến các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với các sở, ban, ngành mở các lớp tuyên truyền cho các đối tượng, lồng ghép phát sóng các thông điệp phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với đó, ngành Y tế sẽ tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc, điều trị ARV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; mở rộng các dịch vụ xét nghiệm HIV, đảm bảo tính dễ tiếp cận và chất lượng cao; đẩy mạnh triển khai điều trị nhanh ARV trong ngày, tránh tình trạng mất dấu bệnh nhân và tăng cường tư vấn tuân thủ điều trị để giảm tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị, phối hợp tăng cường công tác lồng ghép điều trị lao/HIV, điều trị đồng nhiễm HIV/viêm gan C…
Hải Yến