Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính, phổ biến hàng đầu ở phụ nữ, đứng thứ 2 trong các loại ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tử vong. Nhiễm virus HPV (Human Papiloma virus) là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính, phổ biến hàng đầu ở phụ nữ, đứng thứ 2 trong các loại ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tử vong. Nhiễm virus HPV (Human Papiloma virus) là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Bất cứ người nào đã có quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV. Có từ 50-80% những người có hoạt động quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm HPV sinh dục tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Hầu hết các tình trạng nhiễm virus đều tự lành. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm mạn tính dai dẳng các type HPV nguy cơ cao, cộng với có các yếu tố nguy cơ khác đi kèm sẽ thúc đẩy các biến đổi tế bào cổ tử cung tiến triển đến ung thư cổ tử cung.
BS Trần Đình Thùy, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đồng Nai 2 cho biết, để chủ động phòng bệnh, trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi từ 9-26 chưa có quan hệ tình dục nên đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm vaccine HPV. Từ đó tạo miễn dịch tốt nhất cho cơ thể trước virus HPV.
Vaccine HPV gồm 3 mũi tiêm, thường được tiêm trong khoảng thời gian 6 tháng. Điều quan trọng là đối tượng cần được tiêm đầy đủ cả 3 mũi vaccine mới có thể được bảo vệ chống lại tình trạng nhiễm HPV. Các vaccine ngừa HPV hiện tại không giúp bảo vệ chống lại tất cả các type HPV gây ra ung thư, chỉ phòng nhiễm các type có nguy cơ cao nhất (type 16, 18) và một số type gây mụn cóc sinh dục (type 6, 11).
Ngoài ra, phụ nữ nên đi khám sàng lọc định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (thường gọi là loạn sản cổ tử cung). Có nhiều phương pháp sàng lọc đã được Bộ Y tế hướng dẫn như: nghiệm pháp V.I.A/V.I.L.I; xét nghiệm tế bào âm đạo - cổ tử cung (PAP’smear, Thinprep…); xét nghiệm định tính/định type virus HPV.
Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một trong các phương pháp sàng lọc này hoặc phối hợp nhiều phương pháp tùy từng trường hợp cụ thể. Các phương pháp này khá đơn giản, chi phí không quá cao. Trước đây, Bộ Y tế khuyến cáo nên chú trọng sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên nhưng hiện nay độ tuổi khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung là từ 21 tuổi. Tùy vào phương pháp và kết quả sàng lọc, bác sĩ sản phụ khoa sẽ tư vấn thực hiện các bước tiếp theo.
“Bệnh ung thư cổ tử cung nếu phát hiện sớm sẽ điều trị lành bệnh. Phụ nữ nên đi tầm soát bệnh sớm để được điều trị kịp thời. Tùy từng giai đoạn của bệnh mà có thể mổ hoặc hóa trị, xạ trị phù hợp” - BS Thùy cho hay.
An Yên