Trải qua nhiều vòng thi, 2 giải pháp: Chế biến các loại chả cá theo chuỗi liên kết bền vững của tác giả Bùi Thu Bình (xã Long Đức, H.Long Thành) và Phân lập meo giống nấm rơm lâu bung dù tại Tổ hợp tác meo giống Lộc An của tác giả Nguyễn Thị Liên (xã Lộc An, H.Long Thành) đã xuất sắc đoạt giải nhì (không có giải nhất) tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2022.
Trải qua nhiều vòng thi, 2 giải pháp: Chế biến các loại chả cá theo chuỗi liên kết bền vững của tác giả Bùi Thu Bình (xã Long Đức, H.Long Thành) và Phân lập meo giống nấm rơm lâu bung dù tại Tổ hợp tác meo giống Lộc An của tác giả Nguyễn Thị Liên (xã Lộc An, H.Long Thành) đã xuất sắc đoạt giải nhì (không có giải nhất) tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2022.
Bà Bùi Thu Bình (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu món chả cá Thu Bình tại một hội nghị. Ảnh: H.Dung |
2 giải pháp này được đánh giá có triển vọng tiến xa trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của thị trường về chất lượng và giá cả.
* Tận dụng nguyên liệu sạch tại địa phương
Đồng Nai có nhiều sông, hồ lớn, là nơi sinh sống của nhiều loài cá nước ngọt, trong đó có cá trôi. Cá trôi có chứa nhiều omega, các loại khoáng chất, protein, nhưng cá trôi có nhiều xương nhỏ, quá trình sử dụng nếu không cẩn thận dễ dẫn đến bị hóc xương, nhất là với người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu biết cách chế biến, món cá trôi sẽ là nguồn thực phẩm ngon, sạch, bổ dưỡng. Hơn nữa, giá bán cá trôi trên thị trường cũng khá rẻ.
Nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, cộng với đam mê kinh doanh, ẩm thực, gia đình lại có sẵn nhà xưởng, nguồn lao động dồi dào, bà Bùi Thu Bình đã có một thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và quyết định khởi nghiệp bằng cách sử dụng nguyên liệu cá trôi, cá thác lác để làm nên sản phẩm chả cá vàng - chả cá Thu Bình. Mục tiêu mà bà Bình hướng tới là đưa ra thị trường sản phẩm sạch từ thiên nhiên, không sử dụng chất phụ gia hay các chất bảo quản độc hại cho sức khỏe, giá cả sản phẩm hợp lý, phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng, trở thành một trong những món ăn đặc sản tại Long Thành nói riêng và Đồng Nai nói chung.
Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2022 thu hút 30 giải pháp, đề tài tham dự. Ban tổ chức đã chọn 8 giải pháp xuất sắc vào vòng thi chung kết. Kết quả, có 5 giải pháp đoạt giải, gồm 2 giải nhì và 3 giải ba. |
Quy trình chế biến chả cá thương hiệu Thu Bình trải qua các công đoạn được kiểm soát chặt chẽ các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguồn nước sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm đạt quy chuẩn nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT. Ban đầu, dây chuyền sản xuất thực hiện theo phương pháp thủ công, cho năng suất thấp. Trải qua 3 lần thay đổi, áp dụng KH-CN, cơ sở đã đầu tư dây chuyền bao gồm: hệ thống vệ sinh CIP, kho lạnh, máy khuôn định hình và băng chuyền, máy tách xương cá, máy ép chân không, máy đánh trộn, máy hấp, lò chiên. 85% dây chuyền sản xuất chả cá Thu Bình được tự động hóa. Do đó, mỗi ngày cơ sở có thể sản xuất được 1 tấn sản phẩm, tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian và nhân công.
Với chất lượng đảm bảo, giá cả cạnh tranh, đến nay sản phẩm chả cá Thu Bình không chỉ được phân phối lẻ qua các nhà hàng, đại lý, bếp ăn công nghiệp mà còn có mặt trên kệ hàng của nhiều hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc.
Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, cơ sở đã đưa sản phẩm chả cá Thu Bình lên sàn giao dịch điện tử, quảng bá trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook... để tiếp cận khách hàng. Sản phẩm chả cá Thu Bình có giấy chứng nhận thương hiệu, đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm của cơ quan chức năng. Bao bì có đủ mã code, mã vạch để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tháng 12-2021, sản phẩm chả cá Thu Bình đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao.
Kết quả, doanh thu từ sản phẩm chả cá Thu Bình tăng theo từng năm. Nếu năm 2020 doanh thu của cơ sở mới khiêm tốn ở mức 900 triệu đồng (lợi nhuận 162 triệu đồng) thì đến năm 2021, doanh thu là 2,3 tỷ đồng (lợi nhuận 414 triệu đồng). Tính riêng 10 tháng của năm 2022, doanh thu đạt được là 5,7 tỷ đồng (lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng). Mục tiêu cơ sở hướng tới là đến năm 2025 sẽ đạt doanh thu 20 tỷ đồng.
Để tạo công ăn việc làm cho phụ nữ tại địa phương, bà Bình mới đây đã mở chuỗi sản phẩm bánh mì chả cá Thu Bình. Qua đó, giúp người dân địa phương có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
* Khắc phục hạn chế của meo giống nấm rơm truyền thống
Sau nhiều năm gắn bó với nghề làm nấm rơm, chị Nguyễn Thị Liên, đang làm việc tại Tổ hợp tác meo giống nấm rơm Lộc An (ấp Thanh Bình, xã Lộc An, H.Long Thành) nhận thấy meo nấm giống truyền thống (là một phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất nấm, chúng quyết định chất lượng nấm) có nhiều hạn chế. Đó là cùi mỏng, quả thể nhỏ, năng suất thấp và đặc biệt là nhanh bung dù gây bất lợi trong khâu thu hoạch cho người trồng nấm.
“Có khi chúng tôi phải canh thức cả đêm để hái nấm, vì nấm có thể bung dù trong vài giờ đồng hồ. Việc canh hái nấm đêm rất vất vả” - chị Liên nói.
Để khắc phục tình trạng trên, chị Liên cùng cộng sự đã bắt tay vào nghiên cứu với mục đích tạo ra nguồn meo giống nấm rơm lâu bung dù hơn, không kén nguyên liệu, giảm chi phí thu hái, quả thể mã đẹp, to, nặng cân, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cho năng suất cao hơn, không bị tiểu thương ép giá.
Sau 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, đến nay dự án của chị Liên và cộng sự đã thành công khi thuần chủng được nguồn meo giống mới, hợp với khí hậu Việt Nam. Nguồn meo giống nấm mới được sản xuất bằng bông vỏ hạt (tận dụng nguồn thải của bông vải sợi cotton 100% trong nhà máy sợi) và vỏ trấu.
Từ đó, chị Liên bắt đầu mở rộng mô hình kinh doanh meo giống nấm ra nhiều địa phương khác trong cả nước; trong đó, nhắm vào các thị trường tiềm năng là tỉnh Tây Ninh và TP.Long Khánh. Ngoài ra, chị Liên còn quảng bá, bán hàng qua các trang mạng xã hội để người dân có nhu cầu được tiếp cận dễ dàng. Mức giá 1kg meo giống nấm rơm mà chị Liên đang bán từ 16-17 ngàn đồng/kg, trong khi meo giống trên thị trường khoảng 20 ngàn đồng/kg.
Bên cạnh đó, chị Liên trực tiếp sản xuất 23 trại nấm vừa và nhỏ tại cơ sở, thường xuyên đưa khách hàng đi tham quan mô hình thực tế và hướng dẫn sử dụng meo giống nấm rơm. Qua đó, nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.
“Mục tiêu tôi hướng tới không chỉ là thị trường Việt Nam mà cả thị trường nước ngoài như Thái Lan, Campuchia. Một khi có nguồn giống tốt, người dân có thể tận dụng các nguyên liệu rẻ tiền, thậm chí phế thải như: rơm rạ, cây chuối khô, bã mía, cùi bắp, vỏ hạt cà phê, thân cây đậu nành để trồng nấm rơm. Qua đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm” - chị Liên tâm sự.
Hạnh Dung