Với nhiều học sinh mồ côi cha mẹ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi ngày được cắp sách đến trường không phải là việc dễ dàng. Học bổng Vượt khó vì tương lai đã góp phần chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để các em được tiếp bước đến trường.
Với nhiều học sinh mồ côi cha mẹ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi ngày được cắp sách đến trường không phải là việc dễ dàng. Học bổng Vượt khó vì tương lai đã góp phần chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để các em được tiếp bước đến trường.
Em Dương Trần Như Ý, học sinh lớp 3B, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) trong giờ học ở trường. Ảnh: H.Yến |
Tuy rất cố gắng nhưng đường đến trường của nhiều học sinh nghèo còn rất gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ bản thân các em và sự định hướng nghề nghiệp phù hợp cho tương lai của các em từ những người có trách nhiệm.
* Gian nan đường đến trường
Chúng tôi đến nhà em Trần Quang Thái (lớp 9/4, Trường THCS Tam An, H.Long Thành) vào một buổi trưa chủ nhật. Khi đó, Thái mới đi trồng cây cho tuyến đường nông thôn của xã về, còn mặc đồng phục Đoàn Thanh niên. Thái kể, em tham gia lớp học võ nửa năm nay, được thầy giáo dạy miễn phí và rủ em tham gia hoạt động Đoàn. Được tham gia những hoạt động cộng đồng này, Thái rất vui và hào hứng.
Thái là con thứ 2 trong gia đình có 2 chị em. Cha của Thái mất khi em mới 3 tuổi; 3 năm sau mẹ của em cũng qua đời. Kể từ đó đến nay, 2 chị em Thái sống cùng với ông bà nội, được ông bà yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ. Cả 2 ông bà đều là lao động tự do, công việc không ổn định. Ông nội của em khi thì làm phụ hồ, lúc làm nghề sửa xe đạp; còn bà nội em thì phụ nấu ăn cho các đám tiệc trong vùng.
Cần được định hướng nghề nghiệp phù hợp với điều kiện gia đình Những học sinh được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Trong đó, nhiều em mồ côi cha, mẹ hoặc do hoàn cảnh đặc biệt mà phải sống cùng với ông, bà nội - ngoại đã già yếu, không có công việc ổn định. Việc lo cho các em ăn học đến khi vào đại học là điều quá xa vời. Vì vậy, những học sinh ở cuối bậc THCS nên được định hướng chọn lựa hướng đi phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và khả năng của bản thân. Trong đó, hướng học nghề sau THCS là phù hợp, bởi tham gia học nghề sau THCS các em sẽ được hưởng chính sách miễn học phí học nghề. Trong 3 năm học nghề, các em có thể vừa lấy được bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề và bắt đầu đi làm ở tuổi 18 để phụ giúp gia đình. |
Những năm gần đây, ông bà tuổi cao sức yếu nên công việc càng ngày càng ít đi, nhất là trong nửa năm trở lại đây thời gian thất nghiệp nhiều hơn thời gian đi làm. Thu nhập giảm sút trong khi việc học của Thái và chị càng ngày càng tốn kém hơn. Việc nuôi nấng 2 cháu của ông bà vì vậy mà càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Bà Cao Thị Nghiệp, bà nội của Thái tâm sự: “Cháu nó trông lớn vậy thôi, chứ còn khờ lắm. Ông bà thương cháu nên cố gắng bảo bọc cho cháu, lo cho cháu học được đến đâu thì hay đến đó. Hồi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tôi sợ cháu bị nhiễm bệnh nên đâu có dám cho cháu đi đâu. Hồi đó dịch bệnh, ở nhà có hàng xóm cho gạo, cho rau, rồi mình đi bắt cá ăn qua ngày. Sau này, cả nhà đều bị nhiễm bệnh, nhưng rồi cũng qua được”.
Kể về việc học của 2 chị em Thái, bà Nghiệp cho hay, năm nay chị gái của Thái học lớp 12 nên phải đi học thêm nhiều môn. Ban đầu, cô bé định học thêm 4 môn nhưng ông bà chỉ lo cho học được 3 môn. “Ban đầu, con bé nói là thấy ông bà cực quá nên học hết lớp 12 sẽ đi làm phụ nội lo cho em, nhưng mà tui không cho, khuyên cháu cố gắng học tiếp” - bà Nghiệp chia sẻ.
Trần Anh Thư, chị gái của Thái cho biết, sau khi học xong lớp 12, em sẽ đi học nghề vì phù hợp với điều kiện gia đình và khả năng của bản thân. Nói về em trai, Anh Thư cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ tới giờ Thái rất trầm tính, ít nói và hầu như không có bạn bè. Từ hồi Thái đi học võ, tính tình mới bắt đầu cởi mở hơn, có bạn bè chơi chung rồi xin đi học nhóm cùng bạn. Thái chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nhưng em có nói với con là học hết lớp 9 sẽ đi học nghề, chứ không học lớp 10 THPT”.
* Khó khăn mấy cũng đi học
Đã 62 tuổi nhưng bà Đỗ Thị Mai (ngụ ấp Câu Kê, xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch) vẫn phải là trụ cột chính trong gia đình để nuôi người con trai bị bệnh và 2 đứa cháu nội còn nhỏ dại. Theo lời bà Mai, người con trai của bà những năm trước còn đi làm bảo vệ để phụ mẹ nuôi 2 đứa con nhỏ, nhưng mấy năm nay bị phát bệnh tâm thần nên không đi làm được nữa.
Bà Mai không có vườn rẫy, không có nghề nghiệp và vốn liếng để làm ăn nên chỉ đủ tiền để mua ít bánh trái, nước ngọt làm gánh hàng rong đi bán dạo cho trẻ con quanh xóm. Ngoài lúc bán hàng, bà Mai còn phải tất tả lo đưa đón, cơm nước cho 2 đứa cháu. Trong đó, bé Đặng Khánh Duy đang học lớp 6/5 Trường THCS Dương Văn Thì (xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch), còn em gái của Duy mới vào lớp 1.
Em Trần Quang Thái (lớp 9/4, Trường THCS Tam An, H.Long Thành) trong giờ tự học ở nhà |
Bà Mai tâm sự: “Cha mẹ tụi nhỏ chia tay nhau. Sau này mẹ của Duy lấy chồng, rồi sinh thêm được 2 đứa con nữa, mà kinh tế cũng khó khăn nên không phụ được gì cho tôi hết. Chỉ có mỗi dịp Tết đến hay hè về thì tụi nhỏ được mẹ đón về nhà chơi ít ngày. Cũng may là chòm xóm ở đây thương hoàn cảnh của bà cháu tôi nên thỉnh thoảng có người thương cho chục ký gạo. Năm rồi gia đình được cấp sổ hộ nghèo nên Duy được miễn tiền trường và miễn mua bảo hiểm y tế. Tôi được Trời Phật thương ít khi đau bệnh, chân tay còn khỏe mạnh để đi lại lo cho 3 cha con tụi nó”.
Chênh nhau 1 tuổi nhưng 2 chị em bé Dương Trần Như Ý và Dương Trần Như Mỹ lại học cùng một lớp. Hiện nay, cả 2 em đang học lớp 3B, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom). Nhà Như Ý có 5 anh chị em, ngoài Như Ý và Như Mỹ đang học lớp 3, còn có 2 anh chị đang học lớp 6 và 1 em nhỏ mới 2 tuổi.
Các con đều đang tuổi ăn, tuổi lớn và đi học nên cha mẹ các em phải làm việc cật lực mới tạm đủ trang trải trong gia đình. Cha của Như Ý làm thợ mộc, còn mẹ là lao động tự do. Ngoài đi làm giúp việc theo giờ, chị còn làm thuê nhiều công việc khác. Ai thuê gì thì làm nấy, một mình chị làm mấy đầu việc để có thêm tiền lo cho các con.
Cô Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên chủ nhiệm của Như Ý cho biết: “Chị em Như Ý khá ngoan ngoãn, lễ phép và chăm học. Như Ý nhanh nhẹn, hoạt bát nên được giao nhiệm vụ lớp trưởng. Ba mẹ của các em tuy khó khăn nhưng cũng quan tâm đến việc học của các con”.
Mỗi học sinh được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai là một hoàn cảnh khó khăn chung. Trong đó, không ít em vừa thiếu thốn về vật chất, vừa phải chịu nhiều tổn thương về tinh thần. Dù vậy, các em đều nỗ lực vươn lên trong học tập. Dù ở với cha mẹ hay ông bà, người thân thì các em vẫn luôn được động viên đến trường.
Tuy nhiên, đối với những học sinh mồ côi phải ở với ông bà thì con đường đến trường của các em luôn có nguy cơ bị đứt gãy. Bởi lẽ, tuổi của ông bà đều đã lớn, không có công việc ổn định mà lại thường xuyên đau ốm nên có thể “lực bất tòng tâm” để cho các em nghỉ học giữa chừng. Vì vậy, học bổng Vượt khó vì tương lai sẽ góp phần nối dài thêm con đường học tập, đưa các em đến gần hơn với tương lai tốt đẹp hơn.
Hải Yến