Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi thay ở xóm lò gạch ven sông La Ngà

07:11, 25/11/2022

Xóm lò gạch (khu dân cư 9, ấp 5, xã Gia Canh, H.Định Quán), có vị trí giáp ranh xã Đức Tín (H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận), ven sông La Ngà, trước đây là một xóm lao động nghèo, đời sống người dân rất khó khăn.

Xóm lò gạch (khu dân cư 9, ấp 5, xã Gia Canh, H.Định Quán), có vị trí giáp ranh xã Đức Tín (H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận), ven sông La Ngà, trước đây là một xóm lao động nghèo, đời sống người dân rất khó khăn.

Trưởng khu dân cư 9, ấp 5, xã Gia Canh (H.Định Quán) Lê Thị Nga chỉ nơi cái lò gạch năm xưa giờ là vườn cây ăn trái của người dân trong vùng. Ảnh: Đ.Phú
Trưởng khu dân cư 9, ấp 5, xã Gia Canh (H.Định Quán) Lê Thị Nga chỉ nơi cái lò gạch năm xưa giờ là vườn cây ăn trái của người dân trong vùng. Ảnh: Đ.Phú

Từ khi cầu Bến Thuyền xây dựng năm 2018 nối liền xóm lò gạch với xã Đức Tín bằng con đường bê tông nhựa Cao Cang ra tới trung tâm xã Gia Canh và trung tâm H.Định Quán, đời sống của nhiều hộ dân nơi đây có nhiều chuyển biến.

* Hoài niệm xóm lò gạch

Trước đây, khi đường Cao Cang chưa được xây dựng, con đường này là đường mòn xuyên qua những cánh đồng mía, rừng phòng hộ Tân Phú và người dân gọi tên nó là đường vào xóm lò gạch, 9 hộ dân quê ở tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP.Hà Nội) sinh sống tại đây chỉ có niềm vui duy nhất là xem nhờ tivi đen trắng của Trạm thủy văn Phú Hiệp. Đồng thời, trạm thủy văn còn là nơi để bà con vào lánh nạn khi voi rừng kéo vào phá xóm nghèo.

Chủ tịch UBND xã Gia Canh ĐÀO NGỌC ÁNH cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cho khu vực ấp 5, trong đó có xóm lò gạch. Sự đột phá mạnh mẽ của xóm lò gạch bắt đầu từ khi có cầu Bến Thuyền và tuyến đường Cao Cang. Việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con thuận tiện hơn. Nhiều người bám đất sản xuất, không phải đi làm thuê, làm mướn như trước.

Bà Trần Thị Viễn (83 tuổi, ngụ xóm lò gạch) nhớ lại, năm 1979, khi vợ chồng bà vào đây lập nghiệp, bám lò gạch để mưu sinh, xung quanh khu vực này chỉ là rừng và rẫy. Mỗi lần ra bên ngoài mua sắm thứ gì đó, bà phải chờ đò vượt sông La Ngà qua xã Đức Tín (Huyện Đức Linh) hoặc lội bộ theo đường mòn trên 15km mới tới được chợ xã Gia Canh. Ngày ấy ai có chiếc xe đạp thồ là thuộc hàng khá giả nhất xóm.

Xóm lò gạch của bà Viễn lúc đó có khoảng 30 hộ là dân tứ xứ từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước về đây bám lò gạch làm thuê, làm mướn. Năm 1990, lò gạch ở đây bị “xóa sổ” vì làm ăn thua lỗ nên trên 2/3 số dân tản mác đi nơi khác lập nghiệp. Xóm lò gạch chỉ còn 9 hộ quê tỉnh Hà Tây nhưng có tới 6 hộ là những người mẹ đơn thân, góa bụa vẫn kiên trì bám trụ trong cái khó nghèo, không đường, điện cho tới ngày cầu Bến Thuyền và đường Cao Cang được trải nhựa vào 2 năm 2018 và 2019.

“Do đất sản xuất ít, xấu, không trồng được cây gì ngoài cây mía, cây mì, điều, nhất là mỗi năm phải gánh chịu thêm nạn ngập lụt khi nước sông La Ngà dâng cao, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, voi rừng phá hại cây trồng nên với bà con nơi đây lo cho cái bụng no ngày ba bữa là mừng” - bà Trần Thị Viễn bày tỏ.

Trước đây, các bà Trần Thị Viễn, Nguyễn Thị Thái (75 tuổi) hãnh diện và hạnh phúc khi đủ vợ, đủ chồng nơi xóm lò gạch để cùng cam chịu cái khó nuôi con. Nay cầu Bến Thuyền, đường Cao Cang trải nhựa, chồng của 2 bà cũng đã về với tổ tiên để xóm có thêm 2 người phụ nữ góa.

Tuyến đường Cao Cang dài 18km nối xóm lò gạch với quốc lộ 20 giúp xóm trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Ảnh: Đ.Phú
Tuyến đường Cao Cang dài 18km nối xóm lò gạch với quốc lộ 20 giúp xóm trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Ảnh: Đ.Phú

Nói về nỗi nhọc nhằn của những người mẹ góa bụa nơi xóm lò gạch, bà Lê Thị Nga (Trưởng khu dân cư 9) cho biết, bà cũng là mẹ đơn thân bám lò gạch, vùng đất này để mưu sinh. Trước cảnh một nách 2 con thơ khi lò gạch xóa sổ, bà đi nhiều nơi làm thuê, làm mướn để nuôi con ăn học.

Do xóm dân cư lò gạch lọt thỏm giữa rừng già, rẫy mía, người lớn đi làm cũng nhiều phen khiếp sợ khi gặp voi giữa đường, chứ nói gì trẻ thơ đi học. Ngoài ra, nỗi lo lắng về kẻ xấu quấy phá thiếu phụ, trẻ em gái nên đa số các hộ dân trong xóm lò gạch phải cật lực làm lụng và tiết kiệm từng bữa ăn để có tiền gửi con trọ học.

* Xóm lò gạch bừng sáng cuộc sống mới

Đến giữa tháng 11-2022, chúng tôi trở lại xóm lò gạch sau 10 năm và nay xóm có thêm 4 nóc nhà xây nữa là 13 nóc nhà xây. Những nóc nhà mới này đều là con em các gia đình xóm lò gạch khi lập gia đình ra ở riêng. Hỏi thăm về gia đình ông Lê Đình Quyên, người dân xóm lò gạch đầu tiên mà chúng tôi gặp khi men theo con đường rừng, rẫy mía, mì khi tìm đến Trạm thủy văn Phú Hiệp thì được biết ông đã mất cách đây 2 năm. Vợ của ông cũng được con đón về TP.HCM phụng dưỡng. Tuy vậy, cái nhà xây khi cầu Bến Thuyền khởi công vẫn còn đó, chỉ có nếp nhà tôn, vách bằng bùn và cái dáng người nho nhỏ của ông thồ nước sạch từ nhà hàng xóm về nhà không còn nữa.

“Nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh, huyện, xã nên các hộ dân bám trụ xóm lò gạch đều đã khá giả. Việc học của trẻ em trong xóm rất thuận tiện; đường, điện đều về tận xóm” - Trưởng khu dân cư Lê Thị Nga cho hay.

Cư dân thế hệ thứ 2, thứ 3 của xóm lò gạch. Ảnh: Đ.Phú
Cư dân thế hệ thứ 2, thứ 3 của xóm lò gạch. Ảnh: Đ.Phú

Lần này trở lại thăm xóm lò gạch, chúng tôi gặp lại anh Út Tòng (con ông Trần Tiến Đình đã mất). Nhận ra người quen cũ, anh Út Tòng khoe về sự đổi mới của xóm bằng con mắt và suy nghĩ của người được sinh ra và lớn lên từ xóm lò gạch: “Từ ngày có cầu Bến Thuyền, đường nhựa Cao Cang, khi nhà có đám tiệc hay khách đến, chỉ cần gọi điện thoại là thức ăn nóng hổi mang tới tận nhà. Chứ không như trước kia, xóm lò gạch gần như tách biệt với các ấp trong vùng”.

Rồi anh Út Tòng dẫn tôi đi thăm cầu Bến Thuyền, những vườn cây ăn trái, hoa màu sản xuất theo mô hình tưới tiết kiệm của người dân xóm lò gạch. Cảnh vật xóm lò gạch giờ khang trang, trù phú hơn xưa rất nhiều. Anh Út Tòng bộc bạch, xưa muốn bán đất cũng không ai mua, có người hỏi mua thì 50-70 triệu đồng/sào là mừng. Nay giá đất phải từ trên 400 triệu đồng sào nhưng người dân xóm lò gạch vẫn không bán.

Chúng tôi còn nhớ cái ngày cha mẹ anh Út Tòng đơn sơ giỏ nhựa sính lễ đi đò vượt sông La Ngà qua xã Đức Tín hỏi vợ cho con trai thứ 4 rất vất vả. Trong lúc chờ tin của anh trai, anh Út Tòng làm mâm cơm thịt chuột đồng và vài con cá bắt được ở suối đãi khách. Kỷ niệm đó, nay nhắc lại anh cười khì khì tỏ bày, nay cưới xin xa thì đi ô tô, gần thì xe máy. Sính lễ rước dâu của dân lò gạch giờ khệ nệ chứ không đơn sơ như thời trước.

“Dân ở xóm lò gạch và xã Đức Tín (Huyện Đức Linh) sống rất tình cảm. Khi có cầu Bến Thuyền nhưng không có điện, internet thì dân bên đó cho dân bên này kéo nhờ đường dây. Nhờ đường dây hạ thế của họ mà chúng tôi khoan giếng tưới tiêu, sinh hoạt” - Trưởng khu dân cư 9, ấp 5, xã Gia Canh LÊ THỊ NGA bộc bạch.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều