Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng lương cơ sở là "thấu tình, đạt lý"

06:10, 22/10/2022

Ngày họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ trình Quốc hội tờ trình đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025. Đáng chú ý, từ ngày 1-7-2023 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%).

Ngày họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ trình Quốc hội tờ trình đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025. Đáng chú ý, từ ngày 1-7-2023 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%).

Theo đó, Chính phủ sẽ dành khoảng 60 ngàn tỷ đồng để tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đây thực sự là thông tin rất vui, nhất là trong bối cảnh đất nước vừa trải qua nhiều thử thách do đại dịch Covid-19, đời sống của người dân, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng đã và đang là vấn đề cấp bách đòi hỏi các cấp, các ngành phải tìm giải pháp hiệu quả để thu hút, giữ chân đội ngũ lao động quan trọng này.

Thực tế ở nhiều địa phương trong cả nước, số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng nhanh chóng, nhất là ở 2 ngành Y tế và Giáo dục. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là lương thấp trong khi áp lực công việc khá cao, môi trường làm việc căng thẳng. Do đó, người lao động nghỉ việc để tìm một công việc khác có thu nhập cao hơn để đảm bảo cho cuộc sống, chăm lo cho gia đình. Về lâu dài, việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc nhiều sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị nói riêng và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương nói chung. Đây là vấn đề nóng, đã và đang được nhiều địa phương quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là làm sao và làm như thế nào để có cơ chế, chính sách thu hút, nâng cao chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm ở lại làm việc, gắn bó lâu dài với cơ quan, đơn vị.

Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đã 3 năm qua, chúng ta chưa tăng lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện vẫn giữ mức 1,49 triệu đồng của năm 2019. Đời sống của không ít cán bộ, công chức, viên chức hiện nay cũng vô cùng khó khăn. Vấn đề tiền lương cũng là một trong những lý do khiến cán bộ, công chức, viên chức thôi việc thời gian qua. Do đó, việc tăng lương cơ sở thời điểm này là "thấu tình, đạt lý” và nằm trong khả năng của ngân sách nhà nước.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều