Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và các hành vi, sở thích, hoạt động của người bị tự kỷ thường mang tính hạn hẹp hoặc lặp đi lặp lại. Điều này khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội, hòa nhập cộng đồng. Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp cho trẻ tự kỷ có thể hòa nhập với xã hội tốt hơn.
Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và các hành vi, sở thích, hoạt động của người bị tự kỷ thường mang tính hạn hẹp hoặc lặp đi lặp lại. Điều này khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội, hòa nhập cộng đồng. Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp cho trẻ tự kỷ có thể hòa nhập với xã hội tốt hơn.
Trẻ tự kỷ đang được can thiệp tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Yến |
Để làm được điều này cần có sự phối hợp đa ngành trong quá trình can thiệp, trong đó phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng.
* Cần nhiều chuyên gia cùng đánh giá, can thiệp
Tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn hệ thần kinh gây ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ. Trẻ bị tự kỷ thường gặp khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và giao tiếp xã hội; các hành vi, sở thích, hoạt động của người bị tự kỷ thường mang tính hạn hẹp hoặc lặp đi lặp lại.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng trên thực tế, số trẻ tự kỷ ngày một tăng cao. Trong khi đó, việc can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ vẫn chưa thực sự được chú ý mà nguyên nhân chủ yếu là do việc phát hiện trẻ tự kỷ muộn. Điều này thu hẹp cơ hội hòa nhập cộng đồng của trẻ.
Theo nghiên cứu năm 2018 của Trường đại học Y tế công cộng thực hiện tại 7 địa phương đại diện cho các vùng miền Việt Nam, tỷ lệ trẻ tự kỷ từ 18-30 tháng là 0,75%. Trẻ nam có tỷ lệ cao hơn trẻ nữ khoảng 4-6 lần. Rối loạn phổ tự kỷ có thể gặp ở mọi tầng lớp xã hội, văn hóa, dân tộc. |
Trước thực tế trên, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng tài liệu “Hướng dẫn phát hiện sớm, chẩn đoán, can thiệp và quản lý trẻ có rối loạn phổ tự kỷ”. Tài liệu này đã được Bộ Y tế ban hành vào tháng 7-2022 (ban hành kèm theo Quyết định số 1862/QĐ-BYT ngày 6-7-2022).
Tài liệu bao gồm những thông tin về tầm quan trọng, nội dung, các bước thực hiện, người tham gia và quy trình hoạt động trong 2 quá trình chẩn đoán và can thiệp trẻ tự kỷ.
Theo đó, để chẩn đoán trẻ tự kỷ cần có sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn trong nhiều lĩnh vực. Sự phối hợp làm việc nhóm giữa các thành viên ở nhiều chuyên ngành khác nhau nhằm thực hiện một đánh giá toàn diện. Cụ thể, nhóm chẩn đoán trẻ tự kỷ gồm: bác sĩ, chuyên viên tâm lý, kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu. Bên cạnh đó, còn có các nhà chuyên môn khác có tham gia chẩn đoán nhưng không nằm trong nhóm làm việc (chẳng hạn như bác sĩ chuyên khoa thần kinh, nội tiết - di truyền - chuyển hóa, tai - mũi - họng…).
Cũng giống như chẩn đoán, can thiệp trẻ tự kỷ cũng cần có sự phối hợp đa chuyên ngành gồm: cán bộ y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên), các nhà giáo dục, cán bộ tâm lý…
* Lấy trẻ làm trung tâm, phụ huynh có vai trò đặc biệt quan trọng
Trước đó, Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã thực hiện “Công trình đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng”. Đây là công trình can thiệp cho trẻ tự kỷ phối hợp đa chuyên ngành: y tế, âm ngữ trị liệu, tâm lý, giáo dục đặc biệt, giáo dục tiểu học, phụ huynh. Công trình đã được vinh danh tại Giải thưởng thành tựu y khoa Việt Nam năm 2020 (nằm trong tốp 3 của 16 thành tựu được vinh danh).
Trên thực tế, hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới có nhiều phương pháp can thiệp khác nhau cho trẻ tự kỷ. Nhưng tất cả các phương pháp đều tuân thủ một số nguyên tắc chung, trong đó có việc lấy trẻ tự kỷ làm trung tâm, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần được đào tạo, hướng dẫn để tham gia quá trình can thiệp tại gia đình.
Can thiệp, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ dựa trên nguyên lý “Tất cả trẻ em đều có thể học được”. Trẻ tự kỷ cũng có thể học được, nhưng học theo cách riêng của trẻ. Việc tham gia các hoạt động học tập sẽ đem lại những ý nghĩa to lớn không chỉ với trẻ mà với cả gia đình và xã hội. |
Theo đó, mỗi trẻ tự kỷ đều có đặc điểm riêng, vì vậy cần thiết kế một chương trình can thiệp riêng biệt, đặc trưng và có tính cá nhân cho mỗi trẻ. Quá trình can thiệp cần phải đánh giá định kỳ để xem xét mức độ hiệu quả và điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của trẻ.
Gia đình đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch và thực hiện can thiệp dưới hướng dẫn của nhà chuyên môn. Sự tham gia can thiệp của gia đình sẽ giúp trẻ được can thiệp liên tục và nhất quán ở nhiều môi trường khác nhau, thúc đẩy tối đa sự tiến bộ của trẻ. Đồng thời, với những kiến thức được cung cấp, cha mẹ có niềm tin vào bản thân, niềm tin vào sự phát triển của trẻ, giảm được những căng thẳng, khó khăn khi trong gia đình có người bị tự kỷ.
Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được tham gia các hoạt động cộng đồng cùng với trẻ bình thường. Điều này giúp trẻ tự kỷ có nhiều trải nghiệm với bạn bè, có các kỹ năng ứng phó với các tình huống xã hội đa dạng, nâng cao tính độc lập cho trẻ.
Hải Yến