Báo Đồng Nai điện tử
En

Kịp thời nắm bắt tâm lý học sinh

03:10, 26/10/2022

Tâm lý học trò thường diễn biến phức tạp nên không phải thầy cô nào cũng đoán định được, từ đó có sự can thiệp kịp thời. Hơn nữa, hầu hết các trường hiện nay đều đang bỏ ngỏ vị trí tham vấn tâm lý học đường nên sự tổn thương trong tâm lý học sinh có thể ngày càng đáng báo động hơn.

Tâm lý học trò thường diễn biến phức tạp nên không phải thầy cô nào cũng đoán định được, từ đó có sự can thiệp kịp thời. Hơn nữa, hầu hết các trường hiện nay đều đang bỏ ngỏ vị trí tham vấn tâm lý học đường nên sự tổn thương trong tâm lý học sinh có thể ngày càng đáng báo động hơn.

Học sinh cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thầy cô và gia đình để hoàn thiện nhân cách
Học sinh cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thầy cô và gia đình để hoàn thiện nhân cách

Đã từng xảy ra không ít trường hợp học sinh gặp phải các vấn đề tâm lý như: áp lực học tập, chuyện gia đình, tình cảm riêng tư, dẫn đến những vụ việc đáng tiếc cho chính bản thân các em, đồng thời khiến xã hội bàng hoàng.

Khi học sinh gặp tâm lý bất thường

Cách đây không lâu, tại một trường học công lập thuộc P.Bình Đa (TP.Biên Hòa) xảy ra một sự việc đáng tiếc liên quan đến một học sinh lớp 8. Trong giờ ra chơi, em N. đã lên ban công lầu 4 của trường rồi rơi xuống đất trong tình trạng đa chấn thương. Dù đã được nhà trường đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nhưng em N. đã không qua khỏi. Theo một số bạn bè của em N. cho biết, trước khi xảy ra vụ việc đáng tiếc nói trên, N. có tâm sự bản thân em đang gặp chuyện buồn liên quan đến gia đình và học tập.

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tông (H.Định Quán) LÊ XUÂN MIỆN:

Cha mẹ cần sâu sát với con cái

Có không ít phụ huynh đang phó mặc cho nhà trường chuyện giáo dục con em của chính họ. Nếu có nhiều phụ huynh như vậy thì việc giáo dục kiến thức, đạo đức cho học sinh sẽ là một khó khăn vì nhà trường không thể làm thay tất cả cho phụ huynh được.

Theo Sở GD-ĐT, sau hơn 2 năm học phải sống chung với đại dịch Covid-19, nhất là thời gian khá dài phải học trực tuyến đã tác động không nhỏ đến tâm lý của học sinh. Nhiều học sinh cảm thấy bị “hụt hơi”, học lực đi xuống vì phải học trực tuyến trong thời gian dài, dẫn đến chán nản. Sau một thời gian bị bó hẹp không gian học tập vì dịch bệnh, khi đi học trực tiếp trở lại, không ít em rơi vào trạng thái không kiểm soát được bản thân, dễ bị kích động, nổi loạn, dẫn đến những hành vi lệch chuẩn.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS Tây Sơn (xã Thanh Sơn, H.Định Quán) Nguyễn Ngọc Toản cho hay, ngay trong tuần đầu của năm học mới, 1 học sinh của trường và học sinh của trường khác trên địa bàn vì mâu thuẫn và thiếu kiềm chế nên đã gây ra vụ ẩu đả. Sự việc bị đẩy đi xa hơn khi một số em chứng kiến vụ việc không can ngăn mà quay clip và đưa lên mạng xã hội Facebook khiến dư luận bức xúc. Thầy Toản cho rằng: “Có quá nhiều nguyên nhân khiến các em học sinh có thể xảy ra mâu thuẫn, thậm chí chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhặt, trong khi giáo viên và Ban giám hiệu không phải lúc nào cũng quán xuyến hết được”.

Biết chia sẻ cùng ai?

Trước khi bước vào năm học mới 2022-2023, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường phổ thông phải tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh THPT. Thế nhưng, phần lớn các trường hiện nay gặp khó khăn vì không có giáo viên tâm lý, việc mời được các chuyên gia tâm lý đến trường cũng không phải dễ vì thiếu kinh phí.

Hiệu trưởng nhiều trường phổ thông chia sẻ, những bất ổn trong tâm lý học sinh diễn ra rất đa dạng và khó lường. Khi các em không được chia sẻ để “giải tỏa” kịp thời thì rất dễ dẫn đến những hành động tiêu cực, để lại những hậu quả rất khó lường. Thế nhưng, hiện nay phần lớn các trường đang thiếu không gian để học sinh giải tỏa những vấn đề tâm lý cũng như những thầy cô được đào tạo, bồi dưỡng về tâm lý học để giúp các em có thể chia sẻ.

Trong thời gian qua, Sở GD-ĐT đã tổ chức các buổi tham vấn tâm lý học đường tập trung cho học sinh ở các trường với sự đồng hành của nhiều chuyên gia tâm lý. Điều đặc biệt trong các buổi tư vấn này là các em học sinh mạnh dạn bày tỏ nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý học đường, tuổi mới lớn… Những chia sẻ của các em không khiến các chuyên gia tâm lý bất ngờ, nhưng nhiều thầy cô nơi tổ chức tư vấn tâm lý đã phải thốt lên rằng “Sao học sinh trường mình nhiều vấn đề đáng lo ngại vậy?”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho hay, mặt trái của xã hội phát triển kéo theo những tổn thương trong tâm sinh lý lứa tuổi học trò mà không phải thầy cô nào cũng nhận ra qua tiếp xúc với học sinh. Hơn nữa, phát hiện học sinh có vấn đề tâm lý và xử lý như thế nào cho phù hợp cũng đòi hỏi phải có kỹ năng. Cần hết sức tránh chuyện khi học sinh gặp một số vấn đề về học tập, tình cảm, thay vì thầy cô chia sẻ, khuyên bảo nhẹ nhàng lại phê bình gay gắt khiến lần sau các em không dám chia sẻ, thậm chí có em mất đi niềm tin và chỗ dựa, dẫn đến “trượt dài” hơn.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều