Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gần như 100% người bị bệnh sẽ tử vong. Đa số người bị nhiễm bệnh là do bị động vật (chủ yếu là chó, mèo) mang virus dại cắn, cào hoặc liếm trên vùng da bị tổn thương.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gần như 100% người bị bệnh sẽ tử vong. Đa số người bị nhiễm bệnh là do bị động vật (chủ yếu là chó, mèo) mang virus dại cắn, cào hoặc liếm trên vùng da bị tổn thương.
Tiêm vaccine phòng dại tại Trung tâm Y tế H.Long Thành. Ảnh: H.Yến |
Tiêm phòng dại cho chó, mèo là chiến lược tiết kiệm chi phí nhất để ngăn ngừa bệnh dại ở người.
* Hơn 12 ngàn người tiêm vaccine phòng dại trong 9 tháng
Ngày nghỉ cuối tuần, anh Hoàng Nam Duẩn (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) đưa con gái sang nhà hàng xóm. Cô bé 4 tuổi nhìn thấy 2 con chó con thì rất thích nên lại chơi và vuốt ve chúng. Đang chơi vui vẻ thì bé bị chó mẹ chạy ra cắn ở tay. Ngay sau đó, anh Duẩn đã dùng xà bông để rửa vết cắn cho con và đợi đến sáng thứ hai thì đưa con đi tiêm phòng dại.
“Bác sĩ chỉ định tiêm 5 mũi, trong đó mũi 1 và mũi 2 cách nhau 3 ngày, mũi 3 cách 1 tuần. Bác sĩ có giải thích kỹ càng trước khi tiêm phòng và yêu cầu người nhà theo dõi tình trạng sức khỏe của con chó cắn bé. Nếu trong vòng 10 ngày mà con vật bình thường thì không cần tiêm mũi 4, 5” - anh Duẩn cho hay.
Anh Duẩn cũng kể thêm, ban đầu khi bé bị chó cắn thì anh được người quen chỉ đến nhà thầy lang đắp lá để lấy nọc. Bản thân anh cũng cho cháu đi thử nhưng không yên tâm nên qua hôm sau đã cho đi chích ngừa. Anh Duẩn chia sẻ: “Chuyện thầy lang đắp lá lấy nọc độc đã có từ lâu nhưng không biết hiệu quả thế nào. Ngày nay, y học đã phát triển, nếu tiêm phòng kịp thời thì sẽ không bị nhiễm bệnh nên tốt nhất là cứ cho con đi tiêm ngừa”.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 59 ngàn người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. |
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết tháng 9-2022, toàn tỉnh có hơn 12,2 ngàn người tiêm vaccine phòng dại; không ghi nhận trường hợp nào tử vong do bệnh dại. Trong đó, có hơn 10,4 ngàn trường hợp do bị chó cắn, hơn 1,3 ngàn trường hợp là do mèo cắn, 32 trường hợp bị dơi cắn, 348 trường hợp do nguyên nhân khác.
Thống kê trên cả nước, mỗi năm có khoảng 400 ngàn người người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại với chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng/năm. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021).
Nhiều người vẫn cho rằng, số lượng trẻ em bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng dại nhiều hơn so với người lớn. Trên thực tế, số trẻ từ 15 tuổi trở xuống phải đi tiêm phòng dại chỉ chiếm khoảng 1/4. Cụ thể, trong số hơn 12,2 ngàn người tiêm phòng dại trong 9 tháng qua ở Đồng Nai thì có gần 3,4 ngàn trẻ em; hơn 1,4 ngàn người từ 15-24 tuổi; hơn 4 ngàn người từ 24-49 tuổi; hơn 3,4 ngàn người từ 50 tuổi trở lên.
* Tiêm ngừa dại cho chó để phòng bệnh hiệu quả
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Thời gian ủ bệnh có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như: mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
BS Nguyễn Quang Thịnh, Khoa Y tế công cộng và dinh dưỡng, Trung tâm Y tế H.Long Thành, cho biết ghi nhận tại đơn vị cho thấy, trong những tháng hè, số lượng người tiêm phòng bệnh dại do bị chó cắn tăng so với những thời gian khác trong năm. Trên thực tế, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất, đỉnh điểm vào khoảng tháng 5 đến tháng 8.
BS Thịnh khuyến cáo, người bị chó, mèo cắn cần phải được rửa vết thương ngay lập tức với xà phòng dưới vòi nước chảy liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Vết thương cũng cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có). Người bệnh không nên nặn vết thương vì sẽ dễ làm vết thương bị nhiễm trùng, tạo cơ hội cho virus xâm nhập thuận lợi hơn.
“Một số người dân vẫn còn “chữa bệnh” theo phương pháp dân gian là đi đắp lá hoặc đến thầy lang lấy nọc độc. Điều này là không nên” - BS Thịnh khẳng định.
BS Thịnh cho biết, việc tiêm phòng dại thực hiện theo phác đồ được hướng dẫn tại công văn số 1622/QĐ-BYT năm 2014 của Bộ Y tế về quyết định phê duyệt “hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người”.
Theo đó, đối với trường hợp con vật có triệu chứng bệnh dại hoặc bệnh nhân bị cắn nặng, chảy máu, vết thương gần bộ phận sinh dục, cơ quan thần kinh hoặc bệnh nhân bị chó lạ cắn không thể theo dõi tình trạng của con vật thì phải tiêm cả huyết thanh kháng dại.
Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Việc tiêm phòng cho chó là chiến lược tiết kiệm chi phí nhất để ngăn ngừa bệnh dại ở người. Trong khi đó, theo công bố của Bộ NN-PTNT, cả nước có gần 7 triệu con chó nhưng chỉ có 40% được tiêm phòng.
Vì vậy, người dân nuôi chó, mèo cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành thú y để phòng, chống bệnh dại.
Hải Yến