Báo Đồng Nai điện tử
En

Để hạn chế những vụ tự tử trong học sinh

02:10, 26/10/2022

Hằng năm, cả nước xảy ra không ít vụ học sinh tự tử có nguyên nhân xuất phát từ áp lực trong học tập, mâu thuẫn với gia đình cùng sự căng thẳng, mệt mỏi, chán nản trong cuộc sống. Điều đáng suy nghĩ là nhiều cái chết thương tâm đã không xảy ra nếu các em được quan tâm, sẻ chia một cách kịp thời.

Hằng năm, cả nước xảy ra không ít vụ học sinh tự tử có nguyên nhân xuất phát từ áp lực trong học tập, mâu thuẫn với gia đình cùng sự căng thẳng, mệt mỏi, chán nản trong cuộc sống. Điều đáng suy nghĩ là nhiều cái chết thương tâm đã không xảy ra nếu các em được quan tâm, sẻ chia một cách kịp thời.

Trong những lá thư tuyệt mệnh để lại, phần lớn các em đều xin lỗi gia đình, thầy cô vì đã lựa chọn hành động kết liễu cuộc đời mình. Có em hé lộ nguyên nhân dẫn đến tự tử là do áp lực học tập quá lớn, cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vượt quá khả năng hay định hướng, thậm chí là ép buộc vào những ngành nghề mà các em không muốn học. Có em lại cảm thấy luôn chán nản khi cha mẹ bất hòa, thường xuyên cãi vã, xúc phạm nhau… Không ít em bị trầm cảm kéo dài nhưng rất tiếc là cha mẹ, thầy cô, bạn bè không phát hiện hoặc phát hiện nhưng chưa có biện pháp hỗ trợ đúng lúc.

Theo các chuyên gia tâm lý, phần lớn học sinh ở lứa tuổi vị thành niên đang thiếu hụt kỹ năng sống, nhất là kỹ năng đương đầu với áp lực và vượt qua thất bại. Do vậy, đối với các em, những xung đột của cha mẹ, bị bỏ mặc trong gia đình, không có sự đồng cảm, hiểu biết lẫn nhau trong gia đình... đều có thể là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, dẫn đến những hành vi tiêu cực mà không có sự cân nhắc lợi hại. Chính vì thế mà một số em đã tìm đến cái chết chỉ vì bị cha mẹ đánh mắng, hay cảm thấy cha mẹ không quan tâm, không ủng hộ mình. Có em tâm sự rằng luôn cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình vì không cảm nhận được tình yêu thương và sự che chở.

Để hạn chế tình trạng trẻ tự tử, giải pháp quan trọng nhất vẫn là từ phía gia đình. Gia đình cần quan tâm, sâu sát, gần gũi với con em của mình. Không nên quá khắt khe, áp đặt và gây quá nhiều áp lực cho con trong việc học hành, thi cử. Vì điều này vô hình trung sẽ khiến trẻ bị stress kéo dài và khi không thể vượt qua được, trẻ rất dễ có những hành động dại dột, bồng bột. Cha mẹ nên lắng nghe con nhiều hơn để cảm thông và chia sẻ cùng con, đồng thời tôn trọng những ý kiến phản biện trái chiều. Không đưa ra quá nhiều mục tiêu bắt con phải thực hiện khi không hiểu rõ năng lực, sở thích của con.

Bên cạnh gia đình thì nhà trường là môi trường quan trọng giúp trẻ hạn chế những suy nghĩ tiêu cực để sống tích cực, lành mạnh. Muốn vậy, việc thành lập các phòng tham vấn tâm lý trong nhà trường là rất quan trọng, cần thiết phải thực hiện ngay nhằm kịp thời tư vấn, giải đáp những khúc mắc tâm sinh lý cho học sinh.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều