Cơ thể khiếm khuyết khiến cho việc sinh hoạt, học tập gặp rất nhiều khó khăn nhưng các em học sinh, sinh viên khuyết tật vẫn luôn nỗ lực vươn lên. Học bổng Tiếp bước học sinh, sinh viên khuyết tật vượt khó đến trường giống như "đôi cánh", góp phần giúp cho con đường đến trường của các em bớt gian nan.
Cơ thể khiếm khuyết khiến cho việc sinh hoạt, học tập gặp rất nhiều khó khăn nhưng các em học sinh, sinh viên khuyết tật vẫn luôn nỗ lực vươn lên. Học bổng Tiếp bước học sinh, sinh viên khuyết tật vượt khó đến trường giống như “đôi cánh”, góp phần giúp cho con đường đến trường của các em bớt gian nan.
Em Nguyễn Chí Thành (bìa trái), sinh viên năm thứ 3, Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Lạc Hồng đã được nhận học bổng dành cho học sinh, sinh viên khuyết tật từ năm học lớp 10. Phần học bổng này san sẻ bớt “gánh nặng” học phí cho em. Ảnh: H.YẾN |
Mỗi học sinh, sinh viên được nhận học bổng là một hoàn cảnh khó khăn riêng, đồng thời cũng là đại diện cho ý chí, nghị lực và tinh thần lạc quan trong cuộc sống.
San sẻ gánh nặng
Kể từ năm học lớp 10, Nguyễn Chí Thành đã bắt đầu được nhận học bổng Tiếp bước học sinh, sinh viên khuyết tật vượt khó đến trường. Đến nay, Thành đang là sinh viên năm thứ 3, Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Lạc Hồng và vẫn được trao học bổng này.
Thành kể: “Năm học lớp 9, em bị ung thư xương nên phải cắt cụt chân trái. Bắt đầu từ lớp 10, em được nhận học bổng này. Đối với em, khoản học bổng này rất quý giá”.
Hôm nay 21-10, tại Đài PT-TH Đồng Nai, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp trao học bổng Tiếp bước học sinh, sinh viên khuyết tật vượt khó đến trường lần thứ 11-2022. Theo đó, có 246 em được trao học bổng với số tiền hơn 1,17 tỷ đồng. Trước đó, Hội Khuyến học các huyện, thành phố đã trao học bổng dành cho học sinh khuyết tật bậc tiểu học với mức trao 3 triệu đồng/suất. Cũng nhân dịp này, Quỹ Khuyến học của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam hỗ trợ 100 triệu đồng cấp học bổng cho 50 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. |
Cha mẹ của Thành đều làm công nhân với mức thu nhập thấp nên mỗi kỳ đóng học phí cho 2 anh em Thành lại phải vay mượn khắp nơi. Mức học bổng 10 triệu đồng (dành cho sinh viên đại học) gần đủ cho học phí một học kỳ nên đã giúp cha mẹ Thành giảm được rất nhiều áp lực.
Vòng Ngọc Tú, học sinh lớp 7/1, Trường THCS Phú Thịnh (H.Tân Phú) cũng là một trong số những học sinh được nhận học bổng dành cho học sinh khuyết tật. Nhà Tú có 5 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào khoản thu nhập từ công việc lơ xe của cha Tú. Vì vậy, cuộc sống gia đình em khá chật vật. Bản thân Tú bị bệnh về mắt nên việc học gặp nhiều khó khăn.
Trường THCS Tam Phước (TP.Biên Hòa) có 4 học sinh được nhận học bổng này. Cô Phạm Thị Nam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cả 4 em đều là học sinh khuyết tật diện trí tuệ chậm phát triển, tham gia học hòa nhập tại trường. Trong số đó, có đến 3 em mồ côi cha hoặc cha bỏ đi nên chỉ có mình mẹ lo toan, xoay xở nuôi gia đình. Thu nhập vốn đã thấp, còn phải trang trải chi phí ở trọ, thuốc men… nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Học bổng được trao dịp đầu năm học sẽ giúp ích được rất nhiều cho những gia đình học sinh này.
Những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực
Để bù đắp cho khiếm khuyết cơ thể, những học sinh, sinh viên khuyết tật càng nỗ lực nhiều hơn trong học tập. Nhiều em thực sự đã trở thành tấm gương sáng về ý chí, nghị lực bởi không chỉ vượt qua được khó khăn của bản thân mà còn vươn lên đạt thành tích cao trong học tập.
Cô Tường Thị Thu Hương, giáo viên chủ nhiệm của em Nguyễn Hoài Linh, học sinh lớp 9, Trường THCS Võ Nguyên Giáp (H.Trảng Bom) cho biết, Linh bị khuyết tật ở tay nhưng luôn lạc quan, chăm chỉ, chịu khó; ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, thầy cô; hòa đồng, vui vẻ với bạn bè… Nhờ nỗ lực của bản thân, từ năm lớp 6 đến lớp 8, em luôn đạt thành tích học sinh giỏi.
Em Nguyễn Hoàng Tinh Tú, lớp 10 Trường THPT Nguyễn Trãi (TP. Biên Hòa) có cha làm tài xế xe tải, mẹ bán vé số, gia đình đông con, trong đó có 3 người con đang còn đi học. Trong đó, Tú là con út, bị bệnh cột sống phải ngồi xe lăn từ những năm học tiểu học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe yếu nhưng em có thành tích 9 năm liền đạt học sinh giỏi.
Em Nguyễn Hồng Lĩnh, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (H.Trảng Bom) thị lực kém nhưng cũng có kết quả nhiều năm liền là học sinh giỏi. Không những vậy, Lĩnh còn luyện tập môn cờ vua và tham gia thi đấu, đạt nhiều giải thưởng ở môn thể thao này.
Theo thống kê của Hội Khuyến học tỉnh, năm học 2021-2022, có 215 học sinh, sinh viên khuyết tật được trao học bổng. Mặc dù có đến hơn nửa năm phải học online nhưng đa số các em đã hoàn thành tốt chương trình, nội dung học tập. Trong đó có 31 em đạt học lực giỏi, xuất sắc. Tuy vậy, cũng có một số em do điều kiện sức khỏe, không thể tiếp tục theo đuổi việc học nên đành phải nghỉ học giữa chừng.
Năm học 2022-2023, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp tổ chức trao học bổng Tiếp sức học sinh, sinh viên khuyết tật vượt khó đến trường (lần thứ 11). Theo đó, có 246 học sinh, sinh viên khuyết tật được trao học bổng với số tiền hơn 1,17 tỷ đồng. Trong đó, học sinh THCS được trao 4 triệu đồng/suất, học sinh THPT và học sinh trường nghề được 5 triệu đồng/suất, sinh viên đại học được 10 triệu đồng/suất.
Hải Yến