Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoạt động khó khăn vì nhiều máy móc hư hỏng

03:10, 24/10/2022

Từ năm 2021 đến nay, lần lượt 3 máy chụp CT và 1 máy chụp MRI của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất liên tục hư hỏng.

Từ năm 2021 đến nay, lần lượt 3 máy chụp CT và 1 máy chụp MRI của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất liên tục hư hỏng.

Máy CT tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã hư hỏng. Ảnh: H.DUNG
Máy CT tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã hư hỏng. Ảnh: H.DUNG

Quá trình sửa chữa, thay thế lâu do vướng mắc nhiều thủ tục hành chính, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bệnh viện và quyền lợi của người bệnh.

“Đau đầu” vì máy hỏng

TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, bệnh viện hiện có 3 máy CT và 1 máy MRI để phục vụ công tác chẩn đoán hình ảnh. Trong đó, máy CT 256 lát cắt do Nhà nước đầu tư cách đây 2 năm, hồi tháng 4-2021, máy bị hư đầu đèn (là vật tư tiêu hao, có giá trị khoảng 5 tỷ đồng). Tuy nhiên, thời điểm đó do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên bệnh viện không thể tiến hành đấu thầu mua sắm. Khoảng 1 tháng sau đó, máy CT 256 lát cắt cũng bị hư đầu đèn (giá trị đầu đèn khoảng 10 tỷ đồng). Để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, bệnh viện dồn hoạt động chiếu chụp vào chiếc máy CT còn lại là CT 32 lát cắt. Do hoạt động quá tải nên cách đây hơn 1 tháng, chiếc máy này cũng bị hư luôn đầu đèn.

Tại cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn của ngành Y tế mới đây, bà TRƯƠNG THỊ HƯƠNG BÌNH, Phó giám đốc phụ trách Sở Tài chính cho biết, qua rà soát, Sở Tài chính đề nghị bệnh viện sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm đầu đèn máy CT để hoạt động của bệnh viện sớm ổn định trở lại.

Trong khi đó, máy MRI 1,5 Tesla đã sử dụng hơn 10 năm qua, đến tháng 4-2022 thì bị hư đầu lạnh.

Việc cả 4 chiếc máy lớn dùng để chẩn đoán hình ảnh lần lượt hư hỏng khiến nhiều hoạt động của một trong 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có quy mô 1 ngàn giường bệnh gần như tê liệt.

BS Nguyễn Quốc Toản, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, trước đây, mỗi ngày 2 máy CT của bệnh viện chụp từ 70-80 ca bệnh, cao điểm có khi lên đến 120 ca; máy MRI chụp trung bình 30-40 ca, cao điểm từ 60-70 ca mỗi ngày. Hành lang Khoa Chẩn đoán hình ảnh luôn có nhiều bệnh nhân ngồi chờ đến lượt chụp chiếu. Nhưng nay hình ảnh đó không còn, chỉ còn một vài bệnh nhân chờ chụp X-quang.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thông tin, đến thời điểm này, máy CT 128 lát cắt đã làm xong các loại thủ tục, chuẩn bị đấu thầu. Bệnh viện cũng xin ý kiến Nhà nước cho phép bệnh viện đầu tư 1 đầu đèn giá khoảng 10 tỷ đồng cho máy CT 256 lát cắt để bệnh viện duy trì hoạt động và đã được UBND tỉnh cho phép. Các loại máy còn lại vẫn phải chờ, xin ý kiến của Nhà nước về chủ trương, chọn nhà đầu tư đấu thầu các loại vật tư tiêu hao bị hư hỏng. Máy MRI đang làm các loại thủ tục để đấu thầu mua các bo mạch.

Bệnh nhân, bệnh viện “thiệt đơn, thiệt kép”

TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc bệnh viện tâm tư: “Quá trình đấu thầu khá lâu vì còn phải thẩm định giá. Máy móc hư hỏng khiến hầu hết các chuyên khoa bị ảnh hưởng, làm giảm chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Bệnh nhân đến bệnh viện nhưng không được chiếu chụp nên chuyển đi. Số lượng bệnh nhân giảm, nguồn thu bệnh viện giảm dẫn đến nhiều người nghỉ việc, ảnh hưởng tâm lý cán bộ, y, bác sĩ”.

Hơn 33 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất,  BS Nguyễn Quốc Toản, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh tâm sự, khoa có 3 máy CT, 1 máy MRI, 6 máy X-quang. Chưa khi nào ông thấy bệnh viện thiếu hụt máy móc như hiện nay và cũng chưa khi nào có tình trạng cả 4 chiếc máy lớn lần lượt hư hỏng như vậy.

Máy CT có nhiều chức năng, trong đó chức năng chính là hỗ trợ về vấn đề chụp mạch máu, không có máy CT, các khoa: ngoại lồng ngực, can thiệp tim mạch… không xử lý được. Phải có máy CT chụp để bác sĩ biết bệnh nhân bị tắc mạch ở chỗ nào nhằm đưa ra hướng điều trị, xử lý phù hợp. Máy MRI cũng giải quyết rất nhiều vấn đề, giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý về cột sống, sọ não, cơ xương khớp, phần mềm, ung thư, đánh giá hình thái và chức năng sống còn của cơ tim. Ngoài ra, còn hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực nội thần kinh, nhất là tai biến mạch máu não; có thể chẩn đoán trước sinh, giúp khảo sát dị tật và bất thường của hệ thần kinh thai nhi. Từ đó, có phương án can thiệp kịp thời.

“Việc máy móc hư hỏng, người bị ảnh hưởng đầu tiên là bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên cần phải chụp MRI, CT đều phải chuyển qua Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Thậm chí, những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện có vấn đề liên quan đến sọ não, thần kinh, chỉnh hình, khối u… cũng phải chuyển qua Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để chụp chiếu, sau đó quay về bệnh viện tiếp tục điều trị hoặc chuyển luôn bệnh sang bên đó” - BS Toản buồn rầu chia sẻ.

Theo BS Toản, các bác sĩ, đặc biệt những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao luôn mong muốn có môi trường làm việc tốt, máy móc thiết bị hiện đại để làm nghề. Tuy nhiên, máy móc hư hàng loạt khiến nhiều người không có việc làm. Trong khi y tế tư nhân tìm đủ mọi cách để thu hút các bác sĩ có trình độ ở các bệnh viện công lập. Điều gì đến cũng phải đến, đã có 1 bác sĩ phó khoa Thăm dò chức năng có chuyên môn rất tốt làm đơn xin nghỉ việc.

Mới đây nhất, 1 bác sĩ rất tâm huyết, chuyên môn tốt ở Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho hay, nếu trong năm nay không có điều kiện để phát huy chuyên môn, bác sĩ này sẽ phải tìm… đường khác.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều