734 ngàn học sinh các cấp học trong toàn tỉnh sẽ chính thức bước vào năm học mới 2022-2023 từ ngày 5-9. Sở GD-ĐT và các địa phương đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho ngày khai giảng.
734 ngàn học sinh các cấp học trong toàn tỉnh sẽ chính thức bước vào năm học mới 2022-2023 từ ngày 5-9. Sở GD-ĐT và các địa phương đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho ngày khai giảng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các giáo viên có thành tích xuất sắc trong năm học 2021-2022. Ảnh: C.NGHĨA |
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ chia sẻ: “Năm học mới này, toàn ngành gặp không ít áp lực khi số học sinh các bậc học đều tăng, trường lớp tiếp tục cần được mở rộng... Bên cạnh đó, ngành phải khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số cấp học, nhất là khi áp dụng những môn học mới”.
Sĩ số tăng nhưng không phải học ca ba
Năm học mới này, TP.Biên Hòa tăng thêm gần 11 ngàn học sinh ở các bậc học từ mầm non đến THCS. Câu chuyện năm học sau sĩ số luôn tăng hơn năm học trước không phải là chuyện mới nhưng cũng đặt ra cho ngành Giáo dục thành phố những nỗi lo phải giải quyết.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Ngành GD-ĐT tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới gắn với định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS. Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số bậc học, thiếu phòng học ở một số địa phương. Đẩy mạnh thu hút xã hội hóa giáo dục, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa học đường. |
Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, chủ động trước câu chuyện sĩ số học sinh tăng hằng năm nên Phòng GD-ĐT đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng trường mới, tránh phải học ca ba. Những cơ sở giáo dục có quỹ đất sẵn thì xây dựng bổ sung thêm phòng học. Chẳng hạn tại P.Trảng Dài, phường chiếm số lượng lớn học sinh tăng thêm năm học này, thành phố xây dựng thêm 12 phòng học tại Trường tiểu học Hà Huy Giáp.
Đối với những trường học được xây dựng mới hoàn toàn, TP.Biên Hòa xác định đầu tư lớn ngay từ đầu, tránh tình trạng chỉ đưa vào sử dụng 1-2 năm học lại quá tải. Chẳng hạn như cơ sở mới của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Bửu Long), hay Trường tiểu học Phước Tân 3 (P.Phước Tân) đều có quy mô lên tới 40 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng. Các trường mới đều đáp ứng tốt các điều kiện đổi mới phương pháp dạy và học, đặc biệt là triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Không chỉ có phòng học, thành phố còn chú trọng đầu tư hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong giáo dục.
H.Nhơn Trạch vẫn tăng khoảng 2 ngàn học sinh mỗi năm học. Dự báo của huyện những năm tới có thể sẽ tăng nhiều hơn khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh hơn, kéo theo tình trạng tăng dân số cơ học, nhất là ở TT.Hiệp Phước, xã Phú Hội, xã Long Thọ, xã Phước Thiền.
100% học sinh các cấp học đã tựu trường Tính đến ngày 30-8, 100% học sinh các bậc học trong toàn tỉnh đã tựu trường để được hướng dẫn nội quy trường lớp, làm quen với thầy cô, bạn bè mới, đồng thời chuẩn bị cho ngày khai giảng 5-9. |
Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Nhơn Trạch Nguyễn Bảo Nam cho hay: “Ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện chỉ đạo khởi công xây thêm 3 cơ sở mới cho 3 trường tiểu học và mầm non. Các cơ sở mới này đều đảm bảo đúng tiến độ và kịp khánh thành đưa vào sử dụng trước năm học mới”.
Trong khi đó, tại H.Trảng Bom, địa phương có sĩ số học sinh đông chỉ sau TP.Biên Hòa, ngành GD-ĐT huyện cũng đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2022-2023. Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Lưu Thị Ngọc Quế cho hay, những năm gần đây, huyện đặc biệt ưu tiên nguồn lực xây dựng trường lớp để vừa khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, đồng thời nâng cao tỷ lệ trường chuẩn quốc gia. Cùng với nỗi lo trường lớp, phòng đã tham mưu sớm kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho các trường công lập còn thiếu theo định biên và biên chế.
Tập trung nâng cao chất lượng
Sau gần 3 năm sống chung với dịch bệnh Covid-19, chất lượng các bậc học đều bị ảnh hưởng, nhất là với bậc học phổ thông. Do đó, sau khi kết thúc năm học 2021-2022, Ban giám đốc Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung kiểm tra, rà soát, đánh giá và có giải pháp nâng cao chất lượng ngay từ đầu năm học. Đối với các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 3 (bậc tiểu học), lớp 6 và 7 (bậc THCS) và lớp 10 (bậc THPT) áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới phải tăng cường kiểm tra và hướng dẫn thực hiện đúng chương trình, đảm bảo chất lượng.
Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) Phạm Thị Thanh Hà cho biết, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên trường áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối 10. Đội ngũ giáo viên của trường đã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng của chương trình mới, từ đó đổi mới phương pháp dạy và học. 600 học sinh lớp 10 sau khi trúng tuyển đã được nhập học, được tư vấn các môn học tự chọn mà nhà trường có thể đáp ứng, đồng thời hướng nghiệp cho các em gắn liền với các môn học theo đúng với chương trình mới.
Năm học 2022-2023, ngoài tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học hệ THPT ở các trường công lập và tư thục, Sở GD-ĐT sẽ quyết liệt quan tâm nâng cao chất lượng hệ giáo dục thường xuyên. Theo đó, ngành tăng cường kiểm tra kiểm định chất lượng giáo dục tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; thực hiện đồng bộ giữa việc dạy văn hóa với dạy nghề để không ảnh hưởng chung tới chất lượng giáo dục THPT và tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm của tỉnh. Muốn có chất lượng dạy và học tốt, phải làm tốt khâu tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên. Nếu không có chất lượng giáo viên tốt, khi áp dụng sâu rộng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ khó đạt được chất lượng.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Long Khánh) Lê Thị Phương Thùy chia sẻ, những kinh nghiệm tích lũy được trong 3 năm học “sống chung” với dịch Covid-19 cần được phát huy trong điều kiện dạy và học bình thường mới. Phải tiếp tục khơi dậy tinh thần quyết tâm vượt khó của giáo viên, sâu sát và trách nhiệm với học sinh, không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học lẫn quản lý. Cần có chính sách khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy và học tích cực, tạo sức hút cho học sinh trong quá trình học.
Công Nghĩa
Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:
Chú trọng bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên
Trong năm học mới, Sở sẽ chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn ngoại ngữ và tin học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước (TP.Biên Hòa) PHẠM THỊ NAM:
Coi chuyển đổi số là đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục
Ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đang tạo ra nhiều cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục từ công tác quản lý để dạy và học. Phải tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để làm cho các giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn và dễ hiểu hơn, vượt qua mọi giới hạn của cuộc sống, tăng cường khả năng tương tác và sáng tạo của học sinh. Công tác quản lý giáo dục từ cán bộ đến giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phải từ hình thức giấy tờ truyền thống sang số hóa để tạo ra những giá trị lớn hơn.
Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) TRẦN ĐÌNH VINH:
Tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục
Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả ngay những năm đầu tiên. Phải tập trung trung các nguồn lực cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở các huyện vùng sâu, vùng xa, huyện miền núi để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm định giáo dục tại các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, từ đó sẽ củng cố được chất lượng dạy và học.
Đặng Công (ghi)