Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với khối lớp 10. Nhờ chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và những điều kiện cần thiết nên các trường học đều thực hiện khá ổn sau 2 tuần chính thức đi vào dạy học.
Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với khối lớp 10. Nhờ chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và những điều kiện cần thiết nên các trường học đều thực hiện khá ổn sau 2 tuần chính thức đi vào dạy học.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Chu Văn An (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) trong giờ học |
Tùy theo điều kiện thực tế, các trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học một cách linh động, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Cơ bản thuận lợi
Thay vì phải học 17 môn như chương trình cũ, bắt đầu từ năm học 2022-2023 này, chương trình GDPT mới lớp 10 gồm 2 phần bắt buộc và tự chọn. Cụ thể, tất cả học sinh sẽ học 6 môn bắt buộc và 2 hoạt động giáo dục (Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương). Ngoài ra, học sinh được chọn 4 môn trong tổng số 9 môn lựa chọn để học gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, Mỹ thuật và Âm nhạc.
Tại Trường THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc), sau hơn 1 tuần triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 10, mọi hoạt động đều tương đối ổn. Theo đó, chỉ có 1 học sinh xin đổi tổ hợp từ tự nhiên 3 (Toán - Hóa - Sinh), sang tổ hợp tự nhiên có môn Vật lý và đang được nhà trường sắp xếp.
Về cơ bản, các trường THPT đều đáp ứng đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phục vụ chương trình GDPT mới ở lớp 10. Tuy nhiên, các trường đang mong sớm được cung cấp thiết bị dạy học để phục vụ tốt cho nhiệm vụ dạy học ngay từ đầu năm học. |
Thầy Kiều Mạnh Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sở dĩ việc triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 10 được thuận lợi là nhờ nhà trường đã có các bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ trước. Theo đó, nhà trường xây dựng các tổ hợp môn học và tư vấn trực tiếp cho phụ huynh, học sinh. Khi học sinh đăng ký nhập học thì được đăng ký theo 3 nguyện vọng. Căn cứ vào nguyện vọng và điểm số của học sinh, nhà trường tổ chức xếp lớp; đáp ứng được trên 95% nguyện vọng của học sinh.
“Một số học sinh không được xếp lớp theo nguyện vọng 1 mà phải học theo nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Tuy nhiên, được sự giải thích, định hướng của nhà trường nên cả phụ huynh và học sinh đều đồng tình. Trường hợp học sinh xin chuyển tổ hợp là học sinh giỏi, có điểm đầu vào cao, xin đổi tổ hợp để phù hợp với định hướng thi đại học sau này” - thầy Hà chia sẻ thêm.
Đối với việc triển khai kế hoạch năm học, Trường THPT Xuân Lộc đã yêu cầu các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục cụ thể, giúp cho thành viên trong tổ nắm bắt được nội dung dạy của từng tiết, tránh bị động, bỡ ngỡ.
Trường THPT Hoàng Diệu (TP.Long Khánh) hiện đang tổ chức học 1 buổi nhưng đã tham khảo ý kiến phụ huynh để tổ chức học 2 buổi và được sự đồng thuận của phụ huynh. Trường đã nộp hồ sơ về Sở GD-ĐT để được phê duyệt. Nếu thuận lợi thì bước sang tuần học thứ 3 trường này sẽ tổ chức dạy học 2 buổi. Khi đó, trường sẽ có nhiều điều kiện để tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh.
Vẫn còn một sốkhó khăn
Tuy nhiên, khi triển khai thực tế vẫn còn một số khó khăn ở từng môn học. Chẳng hạn, đối với môn Toán trong chương trình cũ thì mỗi tuần sẽ có 1 tiết tự chọn, giáo viên có thể dùng tiết này để dạy nâng cao cho học sinh khá, giỏi hoặc phụ đạo cho học sinh yếu. Tuy nhiên, theo chương trình mới, mỗi tuần môn học này có 3 tiết chính và 1 tiết chuyên đề. Giáo viên phải chạy theo chương trình nên không còn thời gian để củng cố kiến thức cho học sinh trung bình, yếu hoặc dạy nâng cao cho học sinh giỏi.
Cũng theo chương trình mới, trong năm học sẽ có 35 tiết dành cho chuyên đề, chia ra mỗi tuần 1 tiết. Tuy nhiên, chuyên đề là thiết kế nâng cao của môn học, nếu thực hiện mỗi tuần 1 tiết thì giáo viên khó có thể triển khai tốt được nội dung chuyên đề.
Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Thực hành sư phạm (thuộc Trường đại học Đồng Nai, TP.Biên Hòa) Phan Thu Hằng cho biết, nếu sắp xếp mỗi tuần 1 tiết chuyên đề thì thời lượng ít, khó triển khai; nếu dồn tiết thì sẽ bị vượt quy định số tiết/tuần và gây khó khăn trong sắp xếp thời khóa biểu, làm xáo trộn lịch học của học sinh. Ngoài ra, Trường phổ thông Thực hành sư phạm còn gặp khó khăn về phòng chức năng để phục vụ dạy học chuyên đề, các tổ hợp.
Cũng theo chương trình GDPT mới ở bậc THPT sẽ có thêm môn Giáo dục địa phương, trong đó có 2 phân môn Mỹ thuật và Âm nhạc. Hầu hết các trường hiện nay đều gặp khó khăn về giáo viên dạy 2 phân môn này. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu Lê Việt Hùng, liên quan đến tổ hợp Âm nhạc và Mỹ thuật, hiện nhà trường chưa có giáo viên nhưng nếu có học sinh chọn thì nhà trường sẽ mời giáo viên về dạy thỉnh giảng. Tuy nhiên, thực tế có rất ít học sinh chọn tổ hợp có môn học này. Vì vậy, trước mắt nhà trường sẽ tổ chức hình thức CLB để học sinh có sân chơi, đồng thời có bước chuẩn bị, xin giáo viên bộ môn này để đáp ứng cho năm học sau.
Ngoài ra, các bài học trong chương trình mới được thiết kế khá dài, các phòng học cần được trang bị các thiết bị như: tivi, máy chiếu… để hỗ trợ cho việc dạy học.
Hải Yến