Kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 có nhiều thay đổi trong khâu đăng ký, xác nhận xét tuyển, nộp lệ phí, do đó không ít thí sinh cảm thấy bối rối. Nhiều trường đại học cho đến giờ này vẫn đang thấp thỏm vì phải chờ hệ thống của Bộ GD-ĐT xét tuyển mới được đón thí sinh đến nhập học thay vì tự tuyển sinh như các năm trước.
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 có nhiều thay đổi trong khâu đăng ký, xác nhận xét tuyển, nộp lệ phí, do đó không ít thí sinh cảm thấy bối rối. Nhiều trường đại học cho đến giờ này vẫn đang thấp thỏm vì phải chờ hệ thống của Bộ GD-ĐT xét tuyển mới được đón thí sinh đến nhập học thay vì tự tuyển sinh như các năm trước.
Thí sinh Đồng Nai dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đồng thời lấy điểm xét tuyển đại học. Ảnh: C.Nghĩa |
Khác với những năm trước, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tiếp vào các trường đại học cụ thể mà thí sinh mong muốn bằng nhiều hình thức như: xét tuyển trực tuyến, trực tiếp hoặc qua bưu điện. Còn năm nay, thí sinh bắt buộc phải xét tuyển qua hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, kể cả thí sinh đã được xác định trúng tuyển từ trước kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng điểm thi năng lực, học sinh được tuyển thẳng… Sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT thí sinh phải xác nhận lại nguyện vọng xét tuyển, hoặc điều chỉnh thông tin tuyển sinh đăng ký trước đó.
Thủ tục còn gây khó
Thí sinh Nguyễn Thị Tường Vy ở xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) chia sẻ, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 em có đăng ký thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, vì sơ ý nên em quên không mặc định vào nội dung “Có dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học”. Vì sơ suất này mà em đã lo lắng suốt thời gian dài, do không biết làm thế nào để điều chỉnh nguyện vọng của mình.
Trong khi đó, em Phạm Tuấn Anh ở xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) phải “cầu cứu” đến Trang thông tin giáo dục Đồng Nai của Sở GD-ĐT để phản ánh về việc, sau khi hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT mở lại cho phép thí sinh đăng nhập vào xác nhận lại nguyện vọng xét tuyển, hoặc điều chỉnh lại thông tin xét tuyển, em Tuấn Anh có vào để thực hiện thao tác. Tuy nhiên, hôm sau mở ra, những thông tin đã điều chỉnh của em trước đó trên hệ thống đã không còn, muốn điều chỉnh lại cũng không được vì hệ thống của Bộ GD-ĐT đã chính thức đóng, không cho thí sinh quyền điều chỉnh thông tin nữa.
Là người từng lo cho 2 con xét tuyển vào đại học, năm nay đến lượt con gái út nhưng chị Giang Thị Phương Thanh (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho rằng: “Cách đăng ký xét tuyển vào đại học năm nay rối quá, dù có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, từ đầu đến cuối đều là trực tuyến. Chẳng hạn, khi thí sinh đăng ký xét tuyển, có thể nộp lệ phí trực tuyến ngay nhưng tìm mãi không ra mục nộp lệ phí. Phải chờ đến sau này Bộ GD-ĐT mới giải thích rằng, mục đó sẽ có sau. Đến khi có phần nộp lệ phí thì hệ thống bị nghẽn và Bộ lại thay đổi thời gian nộp theo hình thức nhiều đợt để tránh nghẽn cho hệ thống”.
Bất ngờ với tỷ lệ thí sinh bỏ xác nhận nguyện vọng xét tuyển vào đại học
Năm 2022, cả nước có gần 942 ngàn thí sinh dự kiến đăng ký xét tuyển đại học khi đăng ký dự thi. Tuy nhiên đến giờ cuối xác nhận nguyện vọng chỉ có 616,5 ngàn (chiếm 65,5%) thí sinh xác nhận đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Đây là năm đầu tiên các trường đại học phải xét tuyển lọc ảo tất cả các phương thức trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Con số này chưa đủ cơ sở để kết luận là có bất thường hay không nhưng lại gây bất ngờ cho các trường đại học.
Tại Đồng Nai, theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có 31,5 ngàn thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có khoảng 6,5 ngàn thí sinh không có nguyện vọng xét tuyển vào đại học. Số thí sinh này chủ yếu đến từ các trung tâm giáo dục thường xuyên trước đó vừa học văn hóa vừa học nghề hệ 3 năm. Tuy nhiên sau ngày 23-8, ngày cuối cùng cho phép thí sinh xác nhận nguyện vọng xét tuyển đại học, tiếp tục có 7.950 thí sinh không xác nhận lại nguyện vọng đã đăng ký trước đó. Như vậy, trong số 31,5 ngàn thí sinh thi tốt nghiệp THPT, thực tế chỉ có khoảng gần 16 ngàn thí sinh tiếp tục hành trình xét tuyển vào đại học.
Trong bảng xếp hạng thí sinh bỏ xác nhận nguyện vọng xét tuyển vào đại học, Đồng Nai có 7.950 thí sinh, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành có nhiều thí sinh bỏ xác nhận nguyện vọng xét tuyển đại học. Đồng Nai đứng sau các địa phương về số thí sinh không xác nhận nguyện vọng xét tuyển gồm: Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An và Đắk Lắk. Điều này khiến không ít trường đại học cảm thấy lo lắng vì đã giảm đi một nguồn tuyển không nhỏ trên địa bàn. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho rằng: “Nếu có một lượng lớn thí sinh Đồng Nai không chọn con đường xét tuyển đại học mà tìm đến các trường cao đẳng, trung cấp học nghề thì quả là một sự đột phá tư duy nghề nghiệp, đồng thời là một tín hiệu quá tốt với các trường nghề”.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng, quy trình xét tuyển tập trung trên hệ thống của Bộ GD-ĐT phức tạp và hay gặp sự cố kỹ thuật đã làm thí sinh và nhà trường bối rối, khiến lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường giảm. Một cán bộ tuyển sinh của trường đại học tư thục tại TP.Biên Hòa cho biết, những năm trước khi thí sinh xét tuyển trực tiếp tại trường, trường có thể biết được đến từng ngày là đã có bao nhiêu thí sinh đăng ký xét tuyển so với chỉ tiêu trường đã được tuyển. Thậm chí, trường có thể xác nhận trúng tuyển sớm và nhập học sớm cho thí sinh mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào Bộ GD-ĐT. Còn năm nay, trường phải “làm phiền” thí sinh bằng cách vừa yêu cầu thí sinh chấp hành việc đăng ký xét tuyển vào trường trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, vừa đăng ký trên hệ thống riêng của trường để trường có thêm kênh tham khảo.
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ, năm nay công tác tuyển sinh có nhiều điểm mới và những vấn đề phát sinh khiến thí sinh phải lưu ý. Chẳng hạn, từ 0 giờ ngày 29-8 đến 17 giờ ngày 31-8, thí sinh Đồng Nai nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Sau thời gian này, hệ thống sẽ đóng lại. Vì vậy, thí sinh phải quan tâm nên thực hiện nộp trước 1-2 ngày, không nên nộp quá trễ vì có thể phát sinh sự cố.
Công Nghĩa