Chỉ còn hơn nửa tháng nữa các trường phổ thông trong toàn tỉnh sẽ đón học sinh trở lại, chuẩn bị cho năm học 2022-2023.
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa các trường phổ thông trong toàn tỉnh sẽ đón học sinh trở lại, chuẩn bị cho năm học 2022-2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn những học sinh đang “tiến thoái lưỡng nan” trong chọn trường, nhất là với học sinh đã hoàn thành chương trình THCS nhưng không đậu vào lớp 10 hệ THPT.
Học viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) thường có việc làm sớm trước khi ra trường với thời gian đào tạo chỉ từ 3 năm. Ảnh: C.NGHĨA |
Năm học mới đang đến gần, thế nhưng em Phạm Thị Hương, học sinh vừa tốt nghiệp THCS tại Trường THCS Lý Tự Trọng (xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom), vẫn chưa tìm được ngôi trường nào là “bến đỗ” cho năm học mới.
Khi cánh cửa hẹp dần
Em Hương cho hay, sau khi tốt nghiệp THCS, em đã thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập nhưng không đậu. Em tiếp tục xét tuyển vào lớp 10 Trường TH-THCS-THPT Trịnh Hoài Đức và Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa tại H.Trảng Bom nhưng cả 2 trường đều từ chối vì đã nhận đủ hồ sơ so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Anh Phạm Văn Bằng, phụ huynh của em Hương cho biết, cơ hội xét tuyển vào các trường công lập và tư thục thuộc hệ THPT gần như không còn. Chính vì vậy, anh đang suy nghĩ chuyện cho con mình vào học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên (hệ giáo dục thường xuyên) của huyện; hoặc vừa học nghề, vừa học văn hóa ở một trường trung cấp nghề nào đó. Tuy nhiên, anh Bằng vẫn không khỏi băn khoăn vì con mình không biết có đủ “lực” để học cùng lúc cả văn hóa lẫn học nghề hay không, chỉ sợ mục đích nào cũng không thành.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH NGUYỄN THỊ THU HIỀN: Đừng ngại học nghề Đồng Nai có tới 60 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có trên 10 trường trung cấp và cao đẳng nghề. Nhu cầu tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề hằng năm rất lớn vì thị trường đang rất “khát” lao động có tay nghề. Các trường nghề vẫn đang nỗ lực đổi mới tư duy, chương trình, thiết bị dạy nghề. Vì vậy, học sinh đừng ngại học nghề mà mất đi những cơ hội phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân. |
Mải lo đi làm ăn xa nên đến nay anh Lê Văn Khương (ở P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cũng chưa tìm được trường nào cho con mình sau khi con đã tốt nghiệp THCS. Anh Khương cho hay, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh đã động viên con cố gắng thi vào lớp 10 công lập cho cha mẹ đỡ tốn học phí, nhưng lực học của con có hạn nên không thể đậu vào trường công. Đến giờ, cả anh Khương và con vẫn đang còn bối rối tìm hướng đi mới khi năm học mới đã cận kề.
Anh Khương chia sẻ, sau khi cánh cổng các trường THPT công lập trên địa bàn TP.Biên Hòa khép lại, anh buộc phải lựa chọn trường tư thục, nhưng đi vài trường, trường nào cũng nói đã bán hết hồ sơ, hoặc xem qua học bạ thì từ chối. Có trường thì học phí quá cao so với khả năng kinh tế của gia đình. “Còn ít ngày nữa tôi sẽ cố gắng đi nộp hồ sơ ở những trường tư thục có yêu cầu đầu vào phù hợp. Nếu bí quá thì chuyển con về quê học để bớt áp lực” - anh Khương bộc bạch.
Tại địa bàn TP.Biên Hòa, năm học 2022-2023, chỉ tiêu vào tất cả 11 trường THPT công lập chỉ có gần 5 ngàn học sinh, trong đó Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh tuyển học sinh toàn tỉnh, 10 trường còn lại chỉ tuyển học sinh địa bàn TP.Biên Hòa.
Trong khi đó, nhiều trường phổ thông tư thục cho biết, nhu cầu học sinh vào lớp 10 tại TP.Biên Hòa năm nay tăng khá cao. Các trường “đẩy” ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào cao hơn năm trước nhưng cũng nhanh chóng hết chỉ tiêu tuyển được giao. Đây cũng là lý do chính khiến có những học sinh “chậm chân”, hoặc học lực trung bình yếu khó có cơ hội trúng tuyển, phải tìm cơ hội khác.
Vẫn còn những lựa chọn khác
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, số lượng học sinh hoàn thành chương trình THCS năm học 2021-2022 có tăng hơn các năm học trước, do đó nhu cầu học sinh có nguyện vọng muốn học tiếp lên lớp 10 THPT cũng tăng theo. Sở đã chủ động rà soát khả năng tuyển sinh của các trường công lập và tư thục trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những địa bàn “nóng” về sĩ số như TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom. Sau khi rà soát, cân nhắc kỹ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường trên địa bàn, Sở đã giao đủ tiêu tuyển sinh cho các trường để triển khai tuyển sinh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, việc tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023 tiếp tục bám sát định hướng của Bộ GD-ĐT về phân luồng học sinh sau THCS. Theo đó, phần lớn học sinh sẽ tiếp tục học lên lớp hệ THPT, số còn lại sẽ theo hệ giáo dục thường xuyên, kết hợp học văn hóa và học nghề ở các trường nghề. Các trường THPT công lập và tư thục sẽ lựa chọn học sinh bằng hình thức thi tuyển và xét tuyển một cách công bằng. Những học sinh không thể trúng tuyển vào các trường nói trên thì có thể lựa chọn học hệ giáo dục thường xuyên, kết hợp học văn hóa và học nghề. Việc phân luồng này là hoàn toàn hợp với chủ trương và khả năng tuyển sinh của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và các trường nghề trên địa bàn tỉnh.
Tại TP.Biên Hòa, học sinh không thể trúng tuyển vào các trường THPT công lập và tư thục (thuộc hệ THPT) có thể nộp hồ sơ vào các trung tâm GDNN-GDTX TP.Biên Hòa và Trung tâm GDNN-GDTX tỉnh. Bên cạnh đó, các em còn nhiều sự lựa chọn khác là học văn hóa kết hợp với học nghề tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai tại P.Thống Nhất. Hay tại H.Long Thành, học sinh có thể lựa chọn học văn hóa tại Trung tâm GDNN-GDTX H.Long Thành (TT.Long Thành), học văn hóa kết hợp với học nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (TT.Long Thành), Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (xã Long Phước).
Tại H.Trảng Bom, ngoài Trung tâm GDNN-GDTX H.Trảng Bom, học sinh còn có cơ hội học hệ giáo dục thường xuyên và học nghề tại Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi và Trường cao đẳng Hòa Bình - Xuân Lộc (đều ở xã Hố Nai 3).
Ông Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi chia sẻ: “Khi học hết lớp 9, nếu không vào được các trường THPT công lập lẫn tư thục thì vẫn còn nhiều lựa chọn khác với học sinh. Chẳng hạn, phụ huynh có thể tìm hiểu rồi nghe tư vấn, định hướng cho con mình chọn con đường vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các trường nghề. Nếu thực sự có chí tiến thủ, sự cố gắng thì sau 3 năm, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề, kiếm được tiền khi bước sang tuổi 18”.
Công Nghĩa