Báo Đồng Nai điện tử
En

Gom yêu thương gửi người khó khăn

03:08, 22/08/2022

Thời gian qua, nhiều mô hình trợ giúp người dân hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống đã được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) thực hiện.

Thời gian qua, nhiều mô hình trợ giúp người dân hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống đã được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) thực hiện.

Người dân nhận cơm miễn phí tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Tân Mai (TP.Biên Hòa)
Người dân nhận cơm miễn phí tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Tân Mai (TP.Biên Hòa). Ảnh: S.THAO

Qua đó, kịp thời hỗ trợ cho người khó khăn, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo…

Bữa ăn nghĩa tình

Hiện P.Tân Mai có 6 khu phố với 94 tổ nhân dân. Ngoài 7 hộ đồng bào dân tộc Hoa, phường không có thành phần dân tộc thiểu số nào khác. 85% dân số của phường là đồng bào có đạo, trong đó đồng bào đạo Công giáo chiếm 81%. Bên cạnh một số ít người dân nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước công nhận, theo Chủ tịch UBND P.Tân Mai Trần Quang Minh, trên địa bàn vẫn còn nhiều bà con hoàn cảnh khó khăn.

Thời gian qua, cùng với giải quyết đúng - đủ - kịp thời các chế độ, chính sách cho người nghèo, cận nghèo, người nằm trong diện bảo trợ xã hội, phường còn thực hiện nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo trợ giúp người dân. Trong đó, có mô hình Bữa cơm nghĩa tình - phát cơm miễn phí cho người khó khăn.

Theo ông TRẦN QUANG MINH, Chủ tịch UBND P.Tân Mai, từ tháng 9, phường sẽ thực hiện 2 lần phát cơm thay vì chỉ một lần như trước kia. Số lượng do đó cũng tăng từ 100 suất lên 200 suất. Về lâu dài, nếu được sự chung tay nhiều hơn từ cộng đồng thì số lần và số lượng phần ăn sẽ được điều chỉnh để làm sao giúp được nhiều hơn cho bà con.

Nhận phần cơm hộp, bà Nguyễn Thị Thu làm nghề bán vé số dạo và đang ở trọ tại phường gửi lời cảm ơn đến những người phát cơm tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Tân Mai. 3 tháng nay bà đều được nhận phiếu để đến nhận cơm tại đây.

“Phần cơm đóng gói sạch sẽ. Thái độ người trao rất vui vẻ, nhiệt tình. Địa điểm phát cơm lại nằm trên đường đi bán vé số hằng ngày nên tôi cố gắng đến nhận đúng giờ để có bữa cơm trưa miễn phí” - bà Thu chia sẻ.

Còn bà Trần Khắc Tố có hoàn cảnh gia đình khó khăn cho biết: “Trước ngày phát cơm, đại diện khu phố đều tìm đến tận nơi ở để đưa giấy mời tôi đến nhận. Phần cơm tuy giá trị chỉ vài chục ngàn đồng nhưng khi được nhận tôi rất vui. Bởi với hoàn cảnh khó khăn phải sống nhờ vào sự trợ giúp của cộng đồng thì bữa ăn không chỉ nằm ở giá trị cao thấp mà qua đó tôi thấy được sự quan tâm của địa phương dành cho mình”.

Riêng với những trường hợp nhận cơm là người khuyết tật, người già đi lại khó khăn hay xa địa điểm phát cơm, từng trưởng khu phố đảm nhận việc nhận phần ăn theo danh sách để chuyển đến nhà cho bà con.

Theo ông Trần Quang Minh, mô hình này được Đảng ủy, UBND phường triển khai từ tháng 6-2022. Thông qua sự vận động của cán bộ, lãnh đạo phường, một số mạnh thường quân đã tham gia đóng góp kinh phí. Mỗi lần phát cơm, lãnh đạo Ủy ban MTTQ phường cùng các đoàn thể đều có mặt từ rất sớm lo hậu cần. Dần dần khi thấy niềm vui của bà con nhận được trợ giúp, nhiều cá nhân khác trong cộng đồng đã liên hệ với địa phương để đóng góp theo khả năng.

San sẻ với hoàn cảnh kém may mắn

Cùng với bữa cơm nghĩa tình, nhiều năm qua, việc vận động nguồn lực cộng đồng chăm lo thường xuyên cho người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật trên địa bàn phường cũng được thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Lan (67 tuổi, ngụ KP.1) hiện đang phải ngồi xe lăn sau quá trình phẫu thuật và điều trị khớp háng chia sẻ: “Những năm qua cuộc sống của tôi có thể trụ được là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của phường”.

Bà Lan trước đây cũng có nhà riêng song vì biến cố trong cuộc sống rồi bệnh tật nên giờ phải ở trọ một mình. Do việc di chuyển hầu như phụ thuộc vào chiếc xe lăn, bà không tìm được việc làm nên không có thu nhập. Từ hoàn cảnh của bà Lan, khu phố và phường đã dành nhiều sự quan tâm, động viên.

“Mỗi khi phường tổ chức hoạt động an sinh xã hội, tôi đều được ưu tiên nhận hỗ trợ. Thời gian qua, mỗi tháng phường trợ cấp thêm cho tôi 500 ngàn đồng để đóng tiền thuê trọ. Hay khi vận động được nguồn thực phẩm, tiền mặt, phường, khu phố cũng đến trao thêm” - bà Lan nói.

Tương tự, với bà Trần Thị Hiền thì việc chạy thận thường xuyên tại bệnh viện trong thời gian dài khiến một hộ nghèo B như bà vốn đã túng thiếu lại càng khó khăn hơn.

Bà Hiền chia sẻ: “May sao ngoài các chính sách dành cho hộ cận nghèo, phường, khu phố còn dành cho tôi nhiều sự quan tâm. Nhiều năm qua, mỗi tháng tôi đều nhận được 500 ngàn đồng tiền trợ cấp thường xuyên. Ngoài ra, nhiều cá nhân làm việc tại Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, khu phố còn vận động hay bỏ tiền túi mua quà đến thăm”. 

Hiện, ngoài các hoạt động từ thiện nhân đạo hỗ trợ người khó khăn từ nguồn lực xã hội thực hiện trong những dịp lễ, tết, P.Tân Mai còn vận động để trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho 6 trường hợp khó khăn với số tiền 500 ngàn đồng/người/tháng.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều