Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp học sinh, sinh viên yên tâm đến trường

07:08, 30/08/2022

Bắt đầu từ năm học 2022-2023, chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên (HS-SV) hoàn cảnh khó khăn do hệ thống ngân hàng chính sách xã hội thực hiện sẽ tăng mức cho vay hằng năm. Đồng thời, chương trình cho vay mua thiết bị học tập cũng tiếp tục được triển khai.

Bắt đầu từ năm học 2022-2023, chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên (HS-SV) hoàn cảnh khó khăn do hệ thống ngân hàng chính sách xã hội thực hiện sẽ tăng mức cho vay hằng năm. Đồng thời, chương trình cho vay mua thiết bị học tập cũng tiếp tục được triển khai.

Học sinh Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) Nguyễn Lê Tấn Phát nhận thiết bị học tập do Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai trao tặng. Ảnh: S.Thao
Học sinh Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) Nguyễn Lê Tấn Phát nhận thiết bị học tập do Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai trao tặng. Ảnh: S.Thao

Điều này được kỳ vọng góp phần giúp HS-SV cùng gia đình người đi học thêm an tâm đến trường.

* Tăng gần gấp đôi mức cho vay 

Theo ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai, mức vay sẽ được tăng từ 25 lên 40 triệu đồng/năm. Trong thời điểm học phí các trường tăng, chi phí sinh hoạt ngày càng cao gây áp lực rất lớn cho người học và gia đình, nhất là những hộ hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo thì đây được xem là chính sách nhân văn, kịp thời gỡ khó cho người đi học cũng như gia đình họ.

Theo quyết định mới, HS-SV được vay vốn tín dụng chính sách là thành viên của hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật. Quyết định cũng sửa đổi nội dung về trả nợ gốc và lãi tiền vay đối với người vay chương trình này. Theo đó, kể từ ngày HS-SV kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.

Theo ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai, năm học 2021-2022, hệ thống đã cho gần 2,3 ngàn HS-SV trong tỉnh vay với số tiền trên 50 tỷ đồng.

Năm học này, bà Hoàng Thị Liễu (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) có con theo học đại học năm thứ nhất tại một trường ở TP.HCM. Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, gia đình bà Liễu có thể tự chủ để lo việc học cho con. Song thời gian dài vừa qua, gia đình gặp không ít khó khăn. Từ thực tế đó, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn ở khu phố, chính quyền địa phương, bà làm hồ sơ xin vay vốn cho con đi học.

Bà Liễu cho hay, ở thời điểm gia đình gặp nhiều khó khăn, số tiền đóng học phí lại không hề nhỏ, cộng thêm đủ thứ chi phí ban đầu cho con đi học, khoản vay này đã tạo điều kiện thuận lợi để con bà an tâm đến trường.

Còn với gia đình bà Nguyễn Thị Ất (ngụ xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu), đây là năm thứ 3 bà vay tiền từ chương trình cho vay HS-SV hoàn cảnh khó khăn để cho con đi học. 2 năm học trước, con bà được vay mức 25 triệu đồng/năm. Thời điểm đó, để có đủ tiền cho con đóng học phí rồi ăn uống, đi lại hằng tháng, cả gia đình bà phải chi tiêu thật tiết kiệm, đôi khi cũng phải vay mượn thêm. Nhưng năm học này, được vay 40 triệu đồng/năm, gia đình bớt một phần nỗi lo.

Cùng với tăng mức cho vay lên gấp đôi, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục thực hiện chương trình cho người học vay mua thiết bị học tập như: máy vi tính, điện thoại thông minh… Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 41 HS-SV vay vốn mua thiết bị học trực tuyến với số tiền 410 triệu đồng. Dự kiến số lượng người vay từ chương trình này sẽ tiếp tục tăng cao khi thời gian nhập học cận kề.

* Đảm bảo thuận lợi cho người vay

Để chủ động đáp ứng nhu cầu vay của người dân có con em đi học, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân.

Ông Nguyễn Sỹ Cường cho biết, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội tỉnh chủ động phối hợp với UBND các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã tổ chức rà soát đối tượng, nhu cầu vay vốn, trong đó có chương trình cho vay HS-SV hoàn cảnh khó khăn. Căn cứ vào số lượng khảo sát, hệ thống đã xây dựng nguồn vốn cho chương trình nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vay của người dân trên địa bàn khi bước vào năm học mới.

Năm học 2022-2023 này, dự kiến sẽ có trên 1,4 ngàn HS-SV có nhu cầu vay mới cùng trên 1,3 ngàn học sinh tiếp tục vay vốn. Với việc số tiền cho vay tăng, số HS-SV có nhu cầu vay mới cao nên số tiền dành cho chương trình này trong tỉnh trên 100 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm học 2021-2022.

Theo ông Nguyễn Sỹ Cường, hệ thống quán triệt nhiệm vụ giải ngân kịp thời, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng quy định và đảm bảo thuận lợi nhất cho người vay từ phòng giao dịch cấp huyện đến điểm giao dịch cấp xã, phường, tổ tiết kiệm và vay vốn.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn KP.4, P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) Phạm Thị Kim Liên cho hay, hiện các hộ có nhu cầu vay vốn từ chương trình cho vay HS-SV trên địa bàn khu phố đã được thông tin về số tiền vay và quá trình thực hiện hỗ trợ hồ sơ. Căn cứ nhu cầu vay vốn của từng hộ, việc họp bình xét cho vay được triển khai trên nguyên tắc công khai, dân chủ, khách quan dưới sự giám sát, chứng kiến của trưởng khu phố và người đại diện tổ chức chính trị - xã hội cấp phường nhận vốn ủy thác từ hệ thống ngân hàng chính sách xã hội.

Sông Thao

Tin xem nhiều