Dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là tiêm vaccine. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tiến độ tiêm vaccine mũi 3, 4 trên địa bàn tỉnh đang bị chậm lại.
Dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là tiêm vaccine. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tiến độ tiêm vaccine mũi 3, 4 trên địa bàn tỉnh đang bị chậm lại.
Người dân tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 4 tại Trạm y tế TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Yến |
Ngành Y tế đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại, phấn đấu đến cuối tuần này sẽ tiêm phòng cho hơn 550 ngàn người.
* Vaccine vẫn là biện pháp phòng Covid-19 hữu hiệu nhất
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn ra một số nước thuộc các khu vực khác nhau. Đặc biệt, sự xuất hiện của nhiều biến thể với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn làm gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo. Do đó, biện pháp phòng bệnh Covid-19 hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là tiêm vaccine phòng bệnh. Thực tế đã chứng minh, vaccine là một trong những “vũ khí” lợi hại giúp Việt Nam chiến thắng trong “trận chiến” chống Covid-19.
Theo thống kê của Sở Y tế, từ tháng 4-2021 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm hơn 7,6 triệu liều vaccine cho người từ 5 tuổi trở lên. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1, 2 cho người từ 18 tuổi trở lên đều đạt 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm mũi 3 mới đạt hơn 65%; tỷ lệ tiêm mũi 4 chỉ đạt 1,5%. Trong thời gian gần đây, tiến độ tiêm vaccine mũi nhắc lại có chiều hướng chậm. Điều này không chỉ gây lo ngại về việc tái bùng phát dịch bệnh Covid-19 mà còn có nguy cơ lãng phí cao khi số vaccine được cung cấp đã gần hết hạn.
Ngày 17-6, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 41 trên địa bàn Đồng Nai và tiến độ tiêm vaccine cho người lao động trong và ngoài khu công nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố huy động tối đa hệ thống chính trị chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; huy động các lực lượng khác hỗ trợ cho ngành Y tế để tổ chức điểm tiêm và nhập liệu sau khi tiêm. |
Nguyên nhân chủ yếu khiến người dân không chủ động tham gia tiêm vaccine mũi nhắc lại là do tâm lý chủ quan vì dịch Covid-19 đã được khống chế tốt. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều thông tin lan tràn trên mạng xã hội về các tác dụng phụ không mong muốn của vaccine ngừa Covid-19 như: rụng tóc, giảm trí nhớ… Mặt khác, việc tiêm vaccine là tự nguyện chứ không bắt buộc nên nhiều người dân không đồng ý tiêm.
Trái ngược với những lo ngại trên, nhiều người dân vẫn chủ động đến các trạm y tế phường, xã tiêm vaccine mũi 4 để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Bà Nguyễn Thị Kim Trang (ngụ xã Đồi 61, H.Trảng Bom) cho biết: “Tôi năm nay đã 64 tuổi, làm nghề buôn bán. Cả 2 vợ chồng tôi đều đã tiêm đủ 4 mũi vaccine. Nhiều người lo lắng về tác dụng phụ của vaccine, còn tôi chỉ có lo lắng bị nhiễm Covid-19 nên đi tiêm phòng. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, tôi chưa bị nhiễm bệnh lần nào. Khi tiêm vaccine về, tôi thấy cơ thể mình bình thường nên cũng yên tâm để tiêm đủ liều”.
* Tập trung lực lượng tối đa cho công tác tiêm chủng
Để hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng theo số lượng vaccine đã được Bộ Y tế cung cấp, dự kiến đến cuối tuần này toàn tỉnh sẽ tiêm phòng cho hơn 550 ngàn người. Để thực hiện được nhiệm vụ này, ngành Y tế sẽ tập trung tối đa lực lượng cho công tác tiêm chủng. Theo tính toán, mỗi ngày nhân viên y tế trong tỉnh sẽ tiêm cho khoảng 100 ngàn người. Lực lượng y tế sẵn sàng làm việc ngoài giờ để phục vụ người dân.
Có 3 đối tượng chính được vận động tiêm chủng trong đợt này là: người lao động trong các khu công nghiệp, người lao động tự do và cán bộ, công nhân viên chức trong hệ thống nhà nước. Ngoài ra, ngành Y tế cũng đã có kế hoạch tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Đẩy nhanh công tác nhập liệu Bên cạnh tăng tốc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, 4 cho người dân, các địa phương cũng cần đẩy nhanh tiến độ nhập dữ liệu tiêm phòng lên hệ thống. Hiện nay, một số địa phương vẫn còn chậm trễ trong khâu nhập liệu, có sai sót về dữ liệu. Trong đó, có địa phương mới chỉ nhập liệu được khoảng 80% số liệu đã tiêm chủng. |
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, ngành Y tế nên phối hợp đưa các đội tiêm phòng lưu động vào các nhà máy, xí nghiệp để tiêm cho người lao động.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, TP.Biên Hòa hiện có 2 điểm tiêm cố định và 30 điểm tiêm tại các trạm y tế phường, xã trên toàn thành phố. Lực lượng y tế của thành phố có thể đáp ứng công suất tiêm 20 ngàn mũi/ngày nhưng thực tế hiện nay mỗi ngày chỉ có 2-2,5 ngàn người đến tiêm.
H.Cẩm Mỹ hiện là địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao nhất trong toàn tỉnh (hơn 80%); trong đó, xã Xuân Bảo có tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt trên 94%. Từ kinh nghiệm triển khai thực tế, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Võ Thị Ngọc Lắm chia sẻ, H.Cẩm Mỹ rất chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích tiêm vaccine, công khai tên vaccine, hạn sử dụng, trị giá mỗi liều vaccine… để người dân biết. Đồng thời, lãnh đạo huyện thường xuyên theo dõi tỷ lệ tiêm tại các xã, thị trấn. Nơi nào thấp, lãnh đạo huyện đi xuống tận nơi để tìm hiểu nguyên nhân, bàn giải pháp và có chỉ đạo cụ thể.
Các xã đều xây dựng kế hoạch tiêm chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ đội tiêm (mỗi bàn tiêm đều bố trí máy tính, máy in, có người hỗ trợ nhập liệu); cập nhật thông tin kịp thời, không để người dân phải chờ lâu khi nhận giấy chứng nhận tiêm chủng…
Hải Yến