Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết quản lý chất lượng, giá thuốc

03:06, 22/06/2022

Chất lượng và giá thuốc chữa bệnh là điều tất cả các bệnh nhân đều quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tiêu cực liên quan đến vấn đề này.

Chất lượng và giá thuốc chữa bệnh là điều tất cả các bệnh nhân đều quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tiêu cực liên quan đến vấn đề này.

Một cá nhân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại Trung tâm Hành chính công tỉnh
Một cá nhân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: H.DUNG

Do đó, vấn đề quản lý chất lượng thuốc, giá thuốc đang được lưu hành trên thị trường nói chung và trong các cơ sở y tế nói riêng đang được đặt ra nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người bệnh.

* Hơn 3 ngàn nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép

Đồng Nai hiện có 780 nhà thuốc và 2.280 quầy thuốc được cấp phép. Dược sĩ Nguyễn Duy Văn, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế cho biết theo quy định, các cơ sở bán lẻ thuốc, nhà thuốc, quầy thuốc khi hoạt động phải được Sở Y tế kiểm tra và cấp giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Nhân viên phải có trình độ chuyên môn từ sơ cấp dược (đối với quầy thuốc) và trung học dược (đối với nhà thuốc). Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc, quầy thuốc phải có mặt khi cơ sở hoạt động, nếu vắng mặt phải thực hiện ủy quyền.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng đơn chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc để tự điều trị cũng như giới thiệu thuốc điều trị cho người khác vì nghĩ rằng họ có bệnh lý giống mình. Khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng loại thuốc đó nữa. Khi đi khám bệnh ở bác sĩ hoặc đến nhà thuốc mua thuốc phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mà mình đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.

Quy định là thế, nhưng trên thực tế vẫn có tình trạng một số nhà thuốc, quầy thuốc mở bán nhưng nhân viên không có bằng cấp chuyên môn theo quy định hoặc thuê, mượn bằng của người khác để mở nhà thuốc, quầy thuốc.

Về vấn đề này, dược sĩ Văn cho hay, các cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đều là các cơ sở hoạt động trái phép. Các cơ sở này nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý, xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Về quản lý chất lượng thuốc, khi nhận được thông báo thu hồi thuốc không đạt chất lượng hoặc thuốc giả từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Sở Y tế sẽ thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Sở và Hệ thống dược quốc gia tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn, yêu cầu kiểm tra, rà soát trong hệ thống, không được tồn trữ, buôn bán, sử dụng. Đồng thời, yêu cầu phòng y tế các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra.

Hằng năm, Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh phối hợp với Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, phòng y tế các địa phương trong tỉnh tiến hành lấy mẫu thuốc để kiểm soát chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn.

* Siết quản lý giá thuốc

Bà Đoàn Thị Thùy Linh (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ trước đến nay, trừ những khi bị bệnh nặng phải đến khám, điều trị tại bệnh viện, gia đình bà nếu có người bị các bệnh thông thường đều đến các nhà thuốc gần nhà để mua thuốc điều trị. Việc mua thuốc rất dễ, chỉ cần nói với nhân viên nhà thuốc triệu chứng, nhu cầu sử dụng là được bán thuốc. Nhân viên nhà thuốc nói hết bao nhiêu tiền thì trả bấy nhiêu tiền, không có chuyện mặc cả và khách hàng cũng không biết giá cả của loại thuốc đó cụ thể ra sao, vì không có bảng niêm yết giá thuốc tại cửa nhà thuốc.

Dược sĩ Nguyễn Duy Văn cho biết, việc quản lý giá thuốc được quy định tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 8-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược. Nghị định nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc và các quy định khác về quản lý giá thuốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá kê khai, kê khai lại và tính chính xác của các số liệu, tài liệu báo cáo, thông tin do cơ sở cung cấp.

Theo phân cấp, Sở Y tế sẽ xem xét hồ sơ kê khai lại giá của các doanh nghiệp sản xuất thuốc đóng trên địa bàn tỉnh. Trước khi đưa lô thuốc sản xuất đầu tiên ra thị trường, doanh nghiệp phải kê khai giá thuốc tại Cục Quản lý dược. Trong thời hạn giấy đăng ký sản xuất còn hiệu lực, nếu có biến động về giá, các doanh nghiệp phải kê khai lại giá thuốc tại Sở Y tế. Việc kê khai lại giá thuốc được thực hiện trước khi áp dụng giá mới.

Các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc bằng cách in hoặc ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc và bảng giá bán lẻ thuốc công khai cho bệnh nhân và không được bán cao hơn giá đã niêm yết và mức giá kê khai, kê khai lại được công bố. Cơ sở bán lẻ thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải niêm yết, thực hiện theo quy định về thặng số bán lẻ tối đa của Bộ Y tế.

Nhưng trên thực tế, số lượng mặt hàng thuốc kinh doanh tại các cơ sở bán thuốc nhiều nên việc niêm yết giá chưa đầy đủ và chưa được cập nhật thường xuyên. “Các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về giá thuốc trên địa bàn. Qua đó, đảm bảo công tác quản lý giá cũng như chất lượng thuốc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng” - dược sĩ Nguyễn Duy Văn nói.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều