Trước tình trạng nhiều người lái xe không đảm bảo sức khỏe gây tai nạn trong quá trình tham gia giao thông để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Các cơ quan quản lý đã yêu cầu các cơ sở y tế siết chặt công tác khám sức khỏe cho người lái xe.
Trước tình trạng nhiều người lái xe không đảm bảo sức khỏe gây tai nạn trong quá trình tham gia giao thông để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Các cơ quan quản lý đã yêu cầu các cơ sở y tế siết chặt công tác khám sức khỏe cho người lái xe.
Xét nghiệm máu là một trong những yêu cầu bắt buộc trong công tác khám sức khỏe tại các cơ sở y tế. |
Trong đó, cần chú trọng các chuyên khoa như: mắt, tâm thần, cơ xương khớp đồng thời phối hợp xử lý các trường hợp làm giả giấy khám sức khỏe.
* Khám kỹ, kết luận sát
BS Tôn Thất Hoàng Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, khác với khám sức khỏe thông thường, khám sức khỏe cho người lái xe tại bệnh viện được thực hiện kỹ hơn. Người đến khám sức khỏe sẽ được bệnh viện phát phiếu để điền thông tin cá nhân. Ở mục bệnh nhân tự điền thông tin, bệnh viện yêu cầu bệnh nhân kê khai bản thân đang mắc những bệnh nào, đang dùng thuốc gì và ký cam đoan khai đúng sự thật.
Hiện nay, có 2 thông tư quy định các vấn đề liên quan đến khám sức khỏe cho người lái xe. Đó là Thông tư liên tịch số 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GT-VT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe; Thông tư số 14/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn khám sức khỏe. |
Sau đó, bệnh viện sẽ tiến hành khám lâm sàng (về khám tâm thần, thần kinh, mắt, tim mạch, hô hấp, tai mũi họng, nội tiết, cơ xương khớp, thai sản đối với bệnh nhân nữ) và xét nghiệm (về ma túy, nồng độ cồn). Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm nếu nghi ngờ bệnh lý mà bệnh nhân đang mắc. Sau khi đã khám đầy đủ các chuyên khoa, có kết quả xét nghiệm, bác sĩ được phân công sẽ kết luận.
Việc một cá nhân nào đó có đủ sức khỏe để lái xe hay không sẽ được căn cứ vào các tiêu chuẩn mà Bộ Y tế đưa ra. Tùy vào từng loại bằng lái xe mà các tiêu chuẩn cũng khác nhau. Trong đó, những bằng lái cao hơn sẽ có yêu cầu các tiêu chuẩn cao hơn.
“Trong khám sức khỏe lái xe, bác sĩ khám mắt rất kỹ, xem trường hợp đó có bị mù màu hay không, có phân biệt được màu đỏ, xanh, vàng không, tầm nhìn có bị thu hẹp không. Nếu bệnh nhân không đủ tiêu chuẩn thì bệnh viện sẽ ghi rõ ràng là không đủ điều kiện sức khỏe để tham gia sát hạch lái xe bằng loại nào. Bên cạnh đó, bắt buộc bệnh nhân phải xét nghiệm ma túy và nồng độ cồn. Nếu khám qua loa sẽ bỏ sót những trường hợp không đủ điều kiện sát hạch lái xe” - BS Hùng cho hay.
Theo BS Hùng, bên cạnh những trường hợp đủ tiêu chuẩn lái xe, có nhiều trường hợp không đạt yêu cầu do không đáp ứng các yêu cầu về mắt, cơ xương khớp… Còn với những trường hợp 50/50, bác sĩ kết luận sẽ trực tiếp gặp bệnh nhân để đánh giá cụ thể tình hình sức khỏe.
* Phối hợp xác minh những trường hợp làm giả hồ sơ
Theo quy định của Bộ Y tế, nếu bệnh nhân bị bệnh tiểu đường nặng, có tình trạng hôn mê trước đó 1 tháng thì không đạt tiêu chuẩn để tham gia lái xe. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nếu bệnh nhân không tự giác khai báo thì bệnh viện cũng không biết được. Do đó, nhiều bệnh viện phải làm xét nghiệm đường huyết cho bệnh nhân, nếu đường huyết quá cao thì phải xem xét. Đồng thời, còn phải kiểm tra rối loạn nhịp tim, đo điện não.
Ngoài ra, có những trường hợp bệnh nhân bị bệnh tâm thần hoặc bị động kinh nhưng uống thuốc đều đặn, bệnh không tái phát trong lúc khám sức khỏe thì bệnh viện cũng không thể phát hiện được, dù có tiến hành đo điện não.
BS Đào Tân Hiệp, Trưởng khoa Khám Bệnh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, hiện vẫn có tình trạng làm giả hồ sơ khám sức khỏe của bệnh viện. Thi thoảng bệnh viện được cơ quan công an gửi hồ sơ khám sức khỏe của một số trường hợp để đề nghị xác minh xem có đúng chữ ký của bác sĩ bệnh viện và dấu mộc của bệnh viện hay không.
Chính vì thế mà công tác lưu trữ hồ sơ được bệnh viện thực hiện nghiêm túc. Với những trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến nồng độ cồn hay ma túy, bác sĩ sẽ ghi trực tiếp vào giấy khám sức khỏe là không đủ sức khỏe để lái xe.
Từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 400 trường hợp đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để khám sức khỏe lái xe. Trong đó có 4 trường hợp không đạt tiêu chuẩn, nguyên nhân là do bị mù màu, không phân biệt được màu sắc.
Nhằm tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng của công tác khám sức khỏe nói chung và khám sức khỏe cho người lái xe nói riêng, mới đây, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị đã được Sở Y tế công bố đủ điều kiện khám sức khỏe thực hiện nghiêm công tác này. Bên cạnh đó, phải đảm bảo số điện thoại đường dây nóng trên website của đơn vị hoạt động 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận ý kiến, giải đáp các thắc mắc của các cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động của đơn vị.
Ngoài ra, cần có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan cung cấp thông tin của cán bộ được giao đầu mối phụ trách công tác khám sức khỏe, thông tin về bác sĩ thực hiện khám sức khỏe người lái xe (họ và tên, chữ ký đăng ký) liên quan đến vụ việc cần xác minh khi được đề nghị. Phối hợp với chính quyền địa phương, công an sở tại trong hoạt động thông tin truyền thông, xử lý các trường hợp làm giả giấy khám sức khỏe, cố tình làm trái quy định của pháp luật trong lĩnh vực khám, cấp giấy khám sức khỏe.
Hạnh Dung