Báo Đồng Nai điện tử
En

Người trẻ chọn ngành giáo dục đặc biệt

07:06, 02/06/2022

Trong những năm gần đây, xã hội có nhiều quan tâm dành cho ngành giáo dục đặc biệt (GDĐB). Đây cũng là ngành nghề đang còn thiếu nguồn nhân lực.

Trong những năm gần đây, xã hội có nhiều quan tâm dành cho ngành giáo dục đặc biệt (GDĐB). Đây cũng là ngành nghề đang còn thiếu nguồn nhân lực.

Các sinh viên Trường đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) quan sát 1 giờ can thiệp 1-1 của giáo viên với trẻ tự kỷ tại Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức trong đợt kiến tập ngày 26-5. Ảnh: H.Yến
Các sinh viên Trường đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) quan sát 1 giờ can thiệp 1-1 của giáo viên với trẻ tự kỷ tại Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức trong đợt kiến tập ngày 26-5. Ảnh: H.Yến

Hiện cả nước có 3 trường đại học (ĐH) tuyển sinh và đào tạo ngành GDĐB gồm: Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

* Không ngại khó khăn

Ngày 26-5, Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (TP.Biên Hòa) tiếp nhận 80 sinh viên năm 2, ngành tâm lý học, Trường ĐH Kỹ thuật TP.HCM (HUTECH) đến tham quan, kiến tập. Trước đó, trung tâm đã đón 2 đoàn sinh viên ngành công tác xã hội đến từ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Trường ĐH Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).

Tham gia vào lĩnh vực GDĐB là một trong những hướng đi của ngành tâm lý học, công tác xã hội, xã hội học… đang được nhiều bạn trẻ quan tâm. Do sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực GDĐB, sinh viên lựa chọn ngành này sẽ không lo thất nghiệp sau khi ra trường. Tuy nhiên, đến với công việc này, các sinh viên phải đồng thời xác định những khó khăn, vất vả mà mình sẽ phải đối mặt khi sẽ phải làm việc với những học trò có khiếm khuyết như: chậm phát triển về tinh thần/thể chất/tình cảm, bị khiếm thính, khiếm thị...

Để có thể trở thành giáo viên, chuyên viên GDĐB đòi hỏi người làm công việc này phải có tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự nhẫn nại, kiên trì, nhiệt huyết… đối với trẻ. Về thu nhập (so sánh trong hệ thống công lập), giáo viên GDĐB sẽ được hưởng mức phụ cấp 70%, cao hơn so với giáo viên thông thường (mức phụ cấp 35%). Nếu tham gia làm việc ở các trung tâm ngoài công lập thì mức lương cao hơn…

Anh Mạc Thiên Thừa, sinh viên năm 3 ngành tâm lý học, Trường ĐH HUTECH (TP.HCM), cho biết anh chọn ngành tâm lý học vì muốn thấu hiểu bản chất, những vấn đề liên quan đến con người, muốn giúp đỡ mọi người vượt qua những trở ngại về tâm lý. Nhận thấy xã hội đang quan tâm nhiều đến ngành GDĐB nên anh Thừa đã tìm hiểu và có định hướng làm công việc này trong tương lai.

Định hướng là vậy, nhưng anh Thừa cũng biết rằng, muốn làm công việc GDĐB đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp. “Theo quan sát của tôi, GDĐB đòi hỏi chuyên viên, chuyên gia làm việc với trẻ phải tạo được niềm tin, sự thoải mái cho trẻ thì trẻ mới có thể học, phát triển và hòa nhập được. Do đó, tôi sẽ tiếp tục học tập và cân nhắc xem mình có đủ tiêu chí đáp ứng được công việc này hay không” - anh Thừa bày tỏ.

Cũng theo anh Thừa, kiến thức có thể học ở trường nhưng thái độ và kỹ năng đòi hỏi phải học hỏi, trải nghiệm từ thực tế. Việc đi kiến tập, thực tập tại các trung tâm GDĐB sẽ giúp cho sinh viên có cái nhìn sát với thực tế hơn về ngành nghề mà mình theo đuổi trong tương lai. Từ đó chuẩn bị thái độ, kỹ năng, kiến thức cần thiết.

* Nhu cầu lớn từ xã hội

Tham gia lĩnh vực GDĐB còn có những bạn trẻ là người khuyết tật, trong đó, đa phần là những người khiếm thị, khiếm thính/điếc.

Hiện nay, Trường ĐH Đồng Nai đang có 6 sinh viên thuộc Trung tâm Văn hóa điếc theo học khối ngành Sư phạm. Những sinh viên này sau khi học THPT tại Trung tâm Văn hóa điếc đã quyết định theo đuổi bậc cao đẳng, ĐH để trở thành giáo viên GDĐB. Họ sẽ quay trở lại dạy cho chính học sinh ở trung tâm này hoặc các trường, các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật ở các tỉnh, thành khác.

Là người khuyết tật, hiểu rõ về những khó khăn, trở ngại và tâm lý của cộng đồng khuyết tật, những giáo viên đặc biệt này có nhiều thuận lợi hơn để thấu hiểu, chia sẻ về mặt tâm lý, tình cảm, giúp ích nhiều cho việc dạy học.

Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh đang dạy học cho trẻ khuyết tật từ tiểu học trở lên, trong đó có các dạng khuyết tật như: khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển. Giáo viên tiểu học của trường đều tốt nghiệp ngành GDĐB. Đối với giáo viên THCS, do chưa có ngành đào tạo sư phạm GDĐB cho bậc THCS nên sau khi được tuyển dụng, đa số giáo viên đều đi học văn bằng 2 ngành GDĐB.

Tuy nhiên, theo cô Phạm Thị Bạch Huệ, Phó giám đốc Trung tâm, từ năm 2017 đến nay, dù thiếu giáo viên và năm nào cũng đăng tuyển nhưng trung tâm không nhận được hồ sơ dự tuyển. Cô Huệ cho rằng, hiện nay nhu cầu của xã hội về ngành GDĐB là rất nhiều. Không chỉ Đồng Nai mà một số trung tâm ở TP.HCM cũng trong tình trạng thiếu giáo viên. Hệ thống các trung tâm ngoài công lập cũng tương tự. Hiện nay, tại Đồng Nai, các trung tâm GDĐB chủ yếu dành cho đối tượng trẻ tự kỷ, chậm nói, chậm phát triển.

Những trung tâm này luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự GDĐB. Tuy nhiên, do không tuyển đủ giáo viên GDĐB, các trung tâm đành phải tuyển giáo viên mầm non hoặc tiểu học, hay các cử nhân ngành tâm lý, công tác xã hội… sau đó, đào tạo thêm về GDĐB (tự bồi dưỡng tại trung tâm hoặc tham gia các khóa học ở trường đại học) để đáp ứng yêu cầu công việc.

Hải Yến

Tin xem nhiều