Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 302 ngàn người rút BHXH một lần. Dự kiến trong năm 2022, số người rút BHXH một lần có thể lên tới 1 triệu người. Như vậy, cả nước chỉ có 16,4 triệu người tham gia BHXH, đạt khoảng 33% số người trong độ tuổi lao động, rất thấp so với yêu cầu đặt ra.
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 302 ngàn người rút BHXH một lần. Dự kiến trong năm 2022, số người rút BHXH một lần có thể lên tới 1 triệu người. Như vậy, cả nước chỉ có 16,4 triệu người tham gia BHXH, đạt khoảng 33% số người trong độ tuổi lao động, rất thấp so với yêu cầu đặt ra.
Phần lớn người lao động (NLĐ) khi rút BHXH một lần đều biết những thiệt thòi khi phải “bán lúa non”, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội sau này, nhất là khi đến tuổi nghỉ hưu. Thế nhưng, vì hoàn cảnh khó khăn, họ chấp nhận rút để có một khoản kinh phí trang trải nhu cầu trước mắt. Đặc biệt, trong tình hình giá cả tăng cao như hiện nay, nhiều người không có khả năng chống đỡ do thu nhập bị ảnh hưởng hoặc chưa tìm được một việc làm phù hợp. Trong khi đó, hằng tháng tiền thuê nhà vẫn phải trả, tiền học cho con vẫn phải đóng, rồi tiền ăn, sinh hoạt, chưa kể các khoản lễ nghĩa phát sinh…
Không chỉ rút BHXH một lần, nhiều NLĐ do bí bách còn vay mượn “tín dụng đen” dẫn tới mất khả năng chi trả vì lãi mẹ đẻ lãi con. Thực tế thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến vay mượn “tín dụng đen”…
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng khi số người rút BHXH một lần vẫn gia tăng dù đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này, trong đó có đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Bởi, NLĐ rút BHXH một lần gây ra rất nhiều hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài không chỉ với bản thân họ, mà còn tác động lên hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, NLĐ chịu thiệt thòi nhất, đặc biệt là những lao động nghèo càng trở nên khó khăn hơn khi về già không có tích lũy, không lương hưu, không bảo hiểm y tế, thiếu chỗ dựa, tạo gánh nặng cho người thân và xã hội.
Một số đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ quyết liệt triển khai các gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm song song với thực hiện các giải pháp, chính sách và quy định đảm bảo cuộc sống cho NLĐ. Trước hết là bảo đảm việc làm bền vững, lương đủ sống, tiến tới có tích lũy. Ưu tiên quan tâm và tăng đầu tư các chính sách về BHXH, phúc lợi xã hội, nhà ở, an sinh xã hội.
Việc Chính phủ đồng ý tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ từ tháng 7 tới được NLĐ rất mong chờ. Bởi sau hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, đời sống của phần lớn NLĐ đều bị ảnh hưởng. Mới quay trở lại doanh nghiệp làm việc chưa được bao lâu, cơn “bão giá” lại ập xuống khiến nhiều người khó chống đỡ. Vì vậy, dù mức tăng lương không nhiều nhưng đó là sự động viên, khích lệ để NLĐ tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đặc biệt là hạn chế được việc phải rút BHXH một lần để kiếm khoản chi tiêu trước mắt.
Minh Ngọc