Tháng 2-2021, Bộ GD-ĐT đã ra chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông công lập. Thế nhưng, các địa phương thực hiện không nhất quán, bất cập, một số điểm của thông tư được giáo viên, dư luận lên tiếng cần có sự điều chỉnh cho hợp lý. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi nhà giáo cả nước, ngày 20-5, Bộ GD-ĐT đã ra dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung.
Tháng 2-2021, Bộ GD-ĐT đã ra chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông công lập. Thế nhưng, các địa phương thực hiện không nhất quán, bất cập, một số điểm của thông tư được giáo viên, dư luận lên tiếng cần có sự điều chỉnh cho hợp lý. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi nhà giáo cả nước, ngày 20-5, Bộ GD-ĐT đã ra dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo có nhiều điểm mới, phù hợp với thực tế và đảm bảo được quyền lợi cho giáo viên. Trước tiên là việc bãi bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng. Đây là điều mà hầu hết giáo viên mong muốn được tháo gỡ. Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định ở từng hạng tương ứng của từng bậc học, giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Như giáo viên tiểu học đang ở hạng III phải có 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, hạng II và hạng I mới được xét lên hạng I. Với 3 chứng chỉ đó giáo viên phải bỏ ra hơn 7 triệu đồng để học. Tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, gây khó khăn không cần thiết. Như vậy, giáo viên chỉ còn phải có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chung đối với các hạng giáo viên.
Thứ hai, dự thảo chỉ quy định trình độ đại học hoặc cử nhân ở hạng I đối với giáo viên tiểu học và THCS, theo Thông tư số 02, 03/2021/TT-BGDĐT là trình độ thạc sĩ. Nhiều giáo viên cho rằng như vậy là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay.
Thứ ba, không cần nộp minh chứng các nhiệm vụ theo hạng. Đây là bất cập trong khi chùm thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT được triển khai bởi nhiều nơi, nhiều địa phương đòi hỏi giáo viên phải vất vả, chạy ngược chạy xuôi tìm nộp minh chứng về các công việc mình đã thực hiện để đạt tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đó, đưa các nhiệm vụ vào xét như các tiêu chuẩn khác. Dự thảo sửa đổi đã cụ thể hóa để giải quyết vướng mắc này.
Theo đó, nhiệm vụ của giáo viên được quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công. Hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng. Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường mầm non, phổ thông công lập quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên. Không yêu cầu giáo viên phải nộp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng.
Đào Khởi