Rối loạn trầm cảm (RLTC) trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Trầm cảm khi mang thai có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh. Vì vậy, việc nhận diện, can thiệp sớm RLTC ở thai phụ là điều rất quan trọng.
Rối loạn trầm cảm (RLTC) trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Trầm cảm khi mang thai có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh. Vì vậy, việc nhận diện, can thiệp sớm RLTC ở thai phụ là điều rất quan trọng.
Các nữ hộ sinh của Khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) hướng dẫn sản phụ thực hiện phương pháp da kề da sau khi sinh. Ảnh: T.T |
Thai phụ và gia đình cần chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần thời kỳ mang thai để kịp thời liên hệ sự hỗ trợ của nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý khi cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao vai trò của nữ hộ sinh trong việc chăm sóc, tư vấn cho thai phụ.
* 14-23% thai phụ bị trầm cảm trong suốt thai kỳ
Trầm cảm là bệnh lý tâm thần phổ biến nhất trong thai kỳ. Theo số liệu nghiên cứu của Đại học Sản khoa Hoa Kỳ (ACOG), trên toàn thế giới có 14-23% phụ nữ mang thai bị trầm cảm trong suốt thời kỳ thai sản và 5-25% bị trầm cảm trong thời kỳ hậu sản.
Xuất phát từ những trải nghiệm của bản thân trong thời kỳ mang thai và quan sát thực tế, ThS Trần Thị Mỹ Lệ (giảng viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai) đã cùng các cộng sự thực hiện một nghiên cứu về thực trạng RLTC của phụ nữ mang thai đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trong năm 2020. Kết quả khảo sát gần 300 thai phụ cho thấy, có đến 18,4% thai phụ bị RLTC nhẹ cần theo dõi và 15,6% thai phụ bị RLTC cần điều trị.
ThS Trần Thị Mỹ Lệ cho biết, đa phần phụ nữ mang thai bị RLTC thường do quá lo lắng về các vấn đề như: vấn đề kinh tế, không chịu được sự thay đổi của cơ thể trong thời kỳ mang thai, lo lắng cho thai nhi… Khảo sát trên các nhóm nghề nghiệp: cán bộ, công chức, viên chức; công nhân; nội trợ; buôn bán và nghề nghiệp khác cho thấy, áp lực trong công việc của những nghề lao động như công chức, viên chức, buôn bán có ảnh hưởng đến RLTC trong giai đoạn mang thai. “Công việc khiến họ căng thẳng, phải suy nghĩ nhiều và áp lực thường xuyên dẫn đến RLTC nhiều hơn so với các nhóm còn lại. Bên cạnh đó, sự quan tâm của gia đình, lo lắng về vấn đề giới tính của thai nhi cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tình trạng RLTC ở thai phụ” - ThS Lệ chia sẻ.
RLTC trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Theo đó, trầm cảm khi mang thai gia tăng nguy cơ sẩy thai; sinh non; cân nặng trẻ sơ sinh thấp, giảm điểm Apgar, giảm tỷ lệ trẻ được bú mẹ sau sinh… Những kết quả trên cho thấy, việc phát hiện, can thiệp sớm RLTC ở thai phụ là rất cần thiết.
* Chú trọng chương trình khám tiền hôn nhân
Theo ThS Trần Thị Tố An (giảng viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai), cần phổ biến rộng rãi về chương trình khám tiền hôn nhân, tiền sản trong cộng đồng; nâng cao nhận thức đúng về sự cần thiết và lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn. Những kiến thức, tư vấn được bác sĩ cung cấp trong quá trình khám tiền sản sẽ giúp các cặp vợ chồng chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý, tránh những căng thẳng, lo lắng quá mức khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra trong quá trình mang thai.
Đối với công tác chăm sóc phụ nữ thời kỳ mang thai và sau sinh, ThS Mỹ Lệ cho rằng, cần phải chú trọng đến sức khỏe tâm thần song song với những thăm khám, đánh giá về thể chất, nhất là đối với những thai phụ trên 35 tuổi, hoặc kèm con hiếm muộn. Nhóm thai phụ này thường sẽ đối diện với nhiều nguy cơ cho cả bà mẹ và thai nhi như: tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, thai chậm phát triển trong tử cung… Tại các cơ sở y tế, việc trang bị phòng tư vấn, tham vấn riêng cho phụ nữ mang thai và sau sinh thật sự cần thiết. Đồng thời, cần bồi dưỡng một nhóm nhân viên có năng lực chẩn đoán, đánh giá và hỗ trợ, điều trị tâm lý cho phụ nữ mang thai, sau sinh.
Theo nữ hộ sinh Trần Thủy Tiên, Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, thông qua việc khai thác thông tin trong quá trình thăm khám ở bệnh viện, bác sĩ sản khoa và các nữ hộ sinh sẽ tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho thai phụ, chăm sóc sức khỏe mẹ và bé sau sinh… Khi phát hiện những thai phụ có biểu hiện RLTC, các nữ hộ sinh sẽ trao đổi với gia đình về tình trạng của thai phụ, đồng thời tư vấn, động viên thai phụ.
Cũng theo chị Thủy Tiên, trong công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho phụ nữ trong thai kỳ và sau sinh cần phải nâng cao vai trò của nữ hộ sinh tuyến cơ sở. “Tại bệnh viện, thai phụ có thể được các bác sĩ, nữ hộ sinh chăm sóc tốt cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần nhưng khi trở về nhà, thai phụ sẽ lại phải đối mặt với những khó khăn riêng của mỗi người. Vì vậy, họ rất cần có người để trao đổi, trò chuyện, được trải lòng mình… Nữ hộ sinh sẽ đến nhà thực hiện các dịch vụ như: chăm sóc cho mẹ, tắm cho bé…; đồng thời, trò chuyện, lắng nghe và tư vấn thêm về chăm sóc sức khỏe mẹ và bé cho sản phụ” - chị Thủy Tiên cho hay.
Trước khi để bệnh lý tấn công mình, hơn ai hết chính thai phụ cần có kiến thức và thái độ đúng về biểu hiện, nguyên nhân của RLTC khi mang thai và những tác động của trầm cảm đối với sức khỏe mẹ và bé. Điều này sẽ góp phần ngăn ngừa những tác động tiêu cực của RLTC đối với mẹ và bé cả trong thời kỳ mang thai lẫn hậu sản. Thai phụ có thể sử dụng bộ câu hỏi trắc nghiệm đánh giá tình trạng trầm cảm của Edinburgh (gồm 10 câu hỏi) để tự đánh giá tình trạng của bản thân nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của nhân viên y tế khi cần thiết. |
Hải Yến