Với tâm niệm: cho đi là giúp người khác tái sinh, những người tham gia hiến mô, tạng sau khi chết não để phục vụ công tác cứu người, nghiên cứu khoa học tại Đồng Nai ngày càng nhiều.
Với tâm niệm: cho đi là giúp người khác tái sinh, những người tham gia hiến mô, tạng sau khi chết não để phục vụ công tác cứu người, nghiên cứu khoa học tại Đồng Nai ngày càng nhiều.
Ông Vũ Thanh Lưu, Phó chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng bảng tri ân, quà cho người thực hiện đăng ký hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não tại Đồng Nai. Ảnh: Sông Thao |
Tham gia hoạt động nhân đạo này có cả những người trẻ tuổi, những gia đình có nhiều thành viên cùng đăng ký hiến mô, tạng, cơ thể người phục vụ cho y học sau khi qua đời.
* Cho đi để cứu người…
Cách đây 2 năm, chị Minh Sa (ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) đã đăng ký và được cấp thẻ dành cho người tham gia hiến mô, tạng sau khi chết não để phục vụ công tác cứu người, nghiên cứu khoa học. Chị Minh Sa bộc bạch: “Ai rồi cũng sẽ rời xa cuộc đời. Nhưng mình đi rồi mà từng bộ phận cơ thể có thể giúp người khác kéo dài sự sống để viết tiếp cuộc đời thông qua ghép thận, tim… là việc làm ý nghĩa. Nghĩ vậy nên tôi mạnh dạn “cho đi” thông qua đăng ký và được cấp thẻ dành cho người tham gia hiến mô, tạng sau khi chết não để phục vụ công tác cứu người, nghiên cứu khoa học”.
Còn với nữ bác sĩ về hưu Bùi Thị Đào (ngụ xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ), việc đăng ký và được cấp thẻ dành cho người tham gia hiến mô, tạng sau khi chết não để phục vụ công tác cứu người, nghiên cứu khoa học cũng khiến bà đấu tranh tư tưởng rất nhiều với chính mình, với người thân để có thể ghi tên làm điều ý nghĩa.
Bà Đào cho hay, bà cũng như nhiều người cao tuổi sinh sống ở các vùng quê còn e ngại khi nghe nhắc đến việc hiến mô, tạng sau khi chết não. Nhưng càng lớn tuổi, tiếp xúc với càng nhiều trường hợp cần mô, tạng hiến tặng sau khi chết não để cấy ghép nhằm duy trì cuộc sống khiến bà chạnh lòng. Bởi không phải cứ có người hiến mô, tạng sau khi chết não là người cần có thể được cấy ghép mà phụ thuộc vào việc mô, tạng sau khi chết não có tương thích với người nhận và nhiều yếu tố khác. Trong khi người hiến mô, tạng sau khi chết não ít hơn so với nhu cầu thực tế. “Tôi tham gia chương trình hiến mô, tạng sau khi chết não với mong muốn thêm một người hiến thì thêm cơ hội cho người cần ghép mô, tạng, cơ thể người” - bà Đào nói.
Chị Sa, bà Đào cùng nhiều người Đồng Nai khác khi đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não đã được ghi nhận bằng sự tuyên dương, tri ân của các đơn vị liên quan. Mới đây, 92 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não trong 2 năm 2020 và 2021 đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tuyên dương việc làm ý nghĩa và trao bảng tri ân trước sự chứng kiến của gần 1 ngàn người dân có mặt tại lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2022.
* Tiếp sức người dân làm việc ý nghĩa
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện, năm 2020, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đứng ra làm đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận người dân thực hiện đăng ký hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não. Thông qua hệ thống Hội, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia chương trình nhân đạo ý nghĩa này đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Trước tiên, đó là người dân nắm, hiểu rõ hơn về chương trình hiến mô, tạng sau khi chết não để cứu người, phục vụ cho y học thay vì mù mờ vì tự mò mẫm tìm kiếm thông tin. Tiếp đó, là người có ý định sẽ được cán bộ Hội trực tiếp tư vấn rồi sau đó hỗ trợ thực hiện các thủ tục liên quan. Điều này làm cho người muốn hiến mô, tạng cảm thấy an tâm, có chỗ dựa về mặt tâm lý khi quyết tâm làm việc có ý nghĩa. Bên cạnh đó, những trường hợp sau khi hoàn thành thủ tục hiến mô, tạng sau khi chết não phục vụ cho y học được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức tuyên dương, tri ân trước sự chứng kiến của cộng đồng. Qua đó, vừa tiếp thêm động lực cho người hiến mô, tạng sau khi chết não cũng như gia đình, vừa giúp cho những người có ý định tham gia hiến mô, tạng sau khi chết não mạnh dạn thực hiện việc làm nhân đạo này.
Ông Trương Quốc Anh (ngụ xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) cho biết, trước đây ở xã có vài người tham gia hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não nhưng chỉ người thân, bạn bè gần gũi mới biết. Nay thì việc ông tham gia hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não không chỉ mình gia đình ông biết mà còn lan tỏa đến mọi người. Thông qua việc Hội Chữ thập đỏ tỉnh tuyên dương, tri ân ngay trong cộng đồng đã giúp mọi người có cái nhìn tích cực về việc làm của mình.
Cùng với đó, để người trực tiếp tham gia hiến mô, tạng, hiến xác cho y học cũng như người thân trong gia đình không phải lo lắng khi thực hiện các thủ tục tiếp nhận mô, tạng, bộ phận cơ thể người sau khi người hiến qua đời, theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã có những buổi làm việc với các bệnh viện trực tiếp được giao nhiệm vụ tiếp nhận mô, tạng, xác hiến tặng nhằm đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ không xảy ra xung đột, mâu thuẫn với thân nhân người hiến. Đồng thời, trong quá trình thực hiện tiếp nhận mô, tạng, xác hiến tặng, Hội Chữ thập đỏ cũng sẽ tham gia giám sát nhằm góp phần tiếp thêm động lực, niềm tin cho người tham gia, người thân của họ cũng như những người đang có ý định làm việc ý nghĩa này.
Ông Nguyễn Hữu Trí (ngụ xã Xuân Bảo, H.Cẩm Mỹ) cho hay: “Thông qua sự kết nối của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, 2 vợ chồng tôi đều an tâm và đồng thuận hiến xác cho y học sau khi chết não. Mong rằng sẽ có nhiều người tham gia với chúng tôi để nhiều cơ hội sống được trao cho người đang chờ đợi”.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh ĐỖ THỊ PHƯỚC THIỆN cho biết, qua 2 năm Hội Chữ thập đỏ tỉnh đứng ra làm đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận người dân thực hiện đăng ký hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não, số người đăng ký tham gia ngày càng tăng. Trong đó, nếu năm 2020 có 36 người thì năm 2021 có đến 56 người tham gia và được cấp thẻ đối với hoạt động nhân đạo này. |
Sông Thao