Những ngày mới về Trường Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh (xã Lũng Chinh, H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) công tác, các giáo viên trẻ: Nguyễn Thị Huế (quê tỉnh Tuyên Quang), Lục Thị Xuyến (quê tỉnh Bắc Kạn), Đinh Văn Hùng (quê tỉnh Phú Thọ)… sợ nhất là chạy xe máy men theo những triền vực cheo leo về các điểm lẻ: Sủng Tà, Sèo Sùng Sán, Sủng Mùng, Mèo Vống… dạy học.
Những ngày mới về Trường Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh (xã Lũng Chinh, H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) công tác, các giáo viên trẻ: Nguyễn Thị Huế (quê tỉnh Tuyên Quang), Lục Thị Xuyến (quê tỉnh Bắc Kạn), Đinh Văn Hùng (quê tỉnh Phú Thọ)… sợ nhất là chạy xe máy men theo những triền vực cheo leo về các điểm lẻ: Sủng Tà, Sèo Sùng Sán, Sủng Mùng, Mèo Vống… dạy học.
Điểm chính Trường Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh (thuộc thôn Lùng Phủa, xã Lũng Chinh, H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) có gần 400 con em đồng bào các dân tộc thiểu số theo học. Ảnh: Đoàn Phú |
Mong muốn của các thầy cô, công việc bám bản gieo chữ cho con em đồng bào các dân tộc bản địa tại các điểm lẻ này cũng chẳng khác gì người Mông, Cờ Lao, Hoa, Dao, Tày khát khao hạt bắp trên núi đá sớm ra hoa, kết hạt.
* Thầy không được vắng lớp
Xã Lũng Chinh là xã miền núi đặc biệt khó khăn, có 7 thành phần dân tộc với 829 hộ dân sinh sống tập trung theo từng nhóm cộng đồng như: Mông, Dao, Cờ Lao, Tày… tại các thung lũng thuộc 7 thôn: Lùng Phủa, Sủng Tà, Sèo Lùng Sán, Sủng Mùng, Mèo Vống, Sủng Khể, Tìa Sính. Trong 7 thành phần dân tộc anh em sinh sống tại địa phương thì đồng bào Mông chiếm 88% dân số. Cho nên, cái nghèo về vật chất, con chữ của đồng bào dân tộc Mông cũng chiếm đa số.
Nắng tháng 4 hạt bắp gieo xuống vách đá thiếu mưa nên chậm vươn lên thành cây để che đi cái hiên ngang của đá ngổn ngang trên nương rẫy. Bóng các trò nhỏ dân tộc Mông (điểm lẻ Mèo Vóng): Sùng A Tú, Chá Mí Cờ, Sùng Mí Tủa, Sùng Mí Kia… thật nhỏ bé so với những tảng đá, ngọn đồi. Dù biết nói tiếng Kinh, viết được Tiếng Việt nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện các em nhỏ vẫn tròn xoe đôi mắt nhìn, lắc, gật đầu, gặng hỏi mãi cũng chỉ biết được tên và điểm trường các em đang theo học, ngoài ra chẳng biết được gì thêm trước những đôi mắt tròn xoe nhìn người lạ đầy cảnh giác.
May sao có một người Mông trên đường đi chợ về dừng lại và sau vài câu chào hỏi, ông hỏi tên, điểm trường nơi các em theo học giùm chúng tôi. Người đàn ông này còn vui vẻ nói: “Con em đồng bào Mông và các dân tộc thiểu số (DTTS) khác đi học để biết thật nhiều chữ. Dùng cái chữ để biến đất, đá thành vườn rẫy tốt, bản làng giàu có hoặc chí ít lớn lên ra phố thị làm công nhân để có tiền gửi về cho cha mẹ nuôi các em. Nhất là không để cái bụng còn thèm cơm thịt cá vì phải ăn mèn mén với cải mọc hoang ngoài nương”.
Nhóm thiện nguyện Vạn Sự Tùy Duyên (H.Long Thành) tới thăm, tặng quà các giáo viên điểm chính Trường Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh. Ảnh: Đoàn Phú |
Điểm chính Trường Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh nằm hiên ngang nơi con dốc vào UBND xã Lũng Chinh (thuộc thôn Lùng Phủa). Điểm trường có trên 400 con em đồng bào các DTTS và đồng bào Kinh học bán trú, nội trú. Với 12 năm bám bản dạy học, thầy Đinh Văn Hùng (chủ nhiệm lớp 3B tại điểm chính) giờ chẳng sợ những lối mòn (do dân mở, chỉ rộng từ 0,5m-1m), phóng nhanh xe máy từ 4 giờ sáng vượt hết núi đá cao này tới núi đá cao dựng đứng khác để kịp có mặt tại điểm lẻ Sủng Tà, Sủng Mùng, Sèo Lùng Sán dạy học. Mặc dù sáng đi, trưa về nhưng thầy Hùng vẫn thấy vui khi sĩ số lớp nơi thầy và đồng nghiệp bám bản vẫn không bị “rơi rụng” nhiều sau mỗi mùa dọn đất tỉa hạt hay thu hoạch, lễ hội.
Thầy Hùng bộc bạch, học trò vùng cao Lũng Chinh quen với đôi chân và đầu trần vượt đèo, leo dốc tìm con chữ. Còn giáo viên Trường Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh thì quen với những cơn gió lạnh buốt của vùng núi cao buổi sớm hay mưa phùn mùa Đông. Chính vì vậy, từ khi đặt chân lên vùng núi đá Lũng Chinh dạy học, các giáo viên trong trường luôn làm đúng với những gì Ban giám hiệu nhà trường, chính quyền, phụ huynh nhắn gửi: “Lớp học dù có vắng vài trò, chứ không được vắng thầy”.
* Sau giờ lên lớp…
Trường Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh có trên 700 học sinh (từ lớp 1-5). Mỗi khi tiếng trống trường vang vọng khắp các vách đá vào ban trưa thì chiều về các thầy cô giáo nội trú tại trường lại bận bịu soạn giáo án cho ngày hôm sau. Những hôm cúp điện, các thầy cô phải chong đèn cơm nước, soạn và chấm bài hoặc ra mái hiên ngồi nhìn đá nhớ gia đình, con thơ.
Về cắm bản Sủng Khể vào năm 2010, chừng ấy năm cô Nguyễn Minh Huế (dạy lớp 4 ở điểm lẻ Mèo Vống) bám điểm lẻ gieo chữ. Do các điểm lẻ không có nơi ở nên cô và các giáo viên chưa có nhà riêng, phải thuê trọ nhà dân tại điểm trường chính là thôn Lùng Phủa để ở. Ngoài việc sáng đi dạy điểm lẻ, trưa về điểm chính, cứ 2 hoặc 3 tháng cô Huế mới chạy xe máy về quê ở H.Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) thăm con, thăm chồng một lần. Đoạn đường trên 300km từ Hàm Yên đến Lũng Chinh nhiều đèo cao, vực sâu nhưng không làm cô Huế nản lòng khi quay trở lại trường, gắn bó với các trò nhỏ ở Lũng Chinh.
Các trò nhỏ Trường Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh giờ tan học. Ảnh: Đoàn Phú |
Cô Huế tâm sự, tại các thôn có nhiều bản làng đồng bào các DTTS như: Mông, Dao, Cờ Lao… sinh sống, mỗi bản thường cư trú một nhóm đồng bào DTTS, hiếm khi dân tộc Mông ở cùng bản với dân tộc khác và ngược lại. Mỗi bản thường có từ 20-40 nóc nhà, đồng bào các DTTS lập bản tại những vùng đất tương đối bằng phẳng hay thung lũng rộng. Riêng những khu vực hẻo lánh có bản chỉ có trên dưới 10 nóc nhà. Dù bản hẻo lánh, các trò nhỏ vẫn kiên trì vượt núi, đèo dốc tới trường.
Trao đổi với chúng tôi, cô Phạm Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Dân tộc bán trú tiểu học xã Lũng Chinh cho biết, đặc điểm của các xã, huyện vùng núi đá tỉnh Hà Giang là trường có nhiều điểm lẻ. Đó cũng là chính sách của ngành Giáo dục, tỉnh, huyện, xã với quyết tâm mang được lớp học đến gần các bản làng, giúp bước chân con em đồng bào các DTTS trên địa bàn xã Lũng Chinh đỡ mỏi, nhất là tránh tình trạng bỏ học, chán học vì đường tới lớp quá xa.
Chiều cuối tuần đầu tháng 4-2022, khi các trò ở điểm chính Trường Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh lần lượt được phụ huynh đón về bản hoặc tự cuốc bộ về nhà thì khu tập thể nơi các thầy cô giáo nội trú chỉ còn thấy bóng dáng thầy cô ngồi trước hiên khu tập thể ngoài khuôn viên trường nhặt rau, đun nước. Các thầy cô có vẻ vui hơn vì có khách lạ phương xa là chúng tôi tới thăm, hỏi chuyện bám bản gieo chữ của bao thế hệ thầy cô của Trường Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh.
Thầy NÔNG QUỐC CHẤN, chủ nhiệm lớp 3A, điểm chính Trường Dân tộc bán trú tiểu học Lũng Chinh với 27 năm bám các bản làng ở xã Lũng Chinh gieo chữ bộc bạch, cái khó của giáo viên bám bản, cũng như học sinh, đồng bào các DTTS ở vùng núi đá vôi là nguồn nước sinh hoạt được tích trữ từ mùa mưa dùng dè xẻn. Khi nguồn nước này kiệt thì phải đi hứng nước rỉ từ vách đá để sử dụng. |
Đoàn Phú