3 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai đã thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, tuy nhiên qua đánh giá của các cơ quan chức năng, vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp khi số người chết tăng so với cùng kỳ. Vì vậy, cần các giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo trật tự ATGT trong thời gian tới.
3 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai đã thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, tuy nhiên qua đánh giá của các cơ quan chức năng, vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp khi số người chết tăng so với cùng kỳ. Vì vậy, cần các giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo trật tự ATGT trong thời gian tới.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người tử vong trên quốc lộ 51 đoạn qua H.Long Thành vào ngày 11-1. Ảnh: Thanh Hải |
* Nhiều biện pháp thực hiện
Theo Ban ATGT tỉnh, mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch chỉ đạo của tỉnh và phương án bảo đảm trật tự ATGT trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các ngành, thành viên Ban ATGT tỉnh và các địa phương đã giúp tình hình trật tự ATGT được tương đối ổn định.
Các lực lượng chức năng đã tổ chức lực lượng duy trì các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT theo nội dung kế hoạch đề ra, bố trí lực lượng kịp thời để điều tiết giao thông khi có tình trạng ùn tắc xảy ra, giữ gìn trật tự ATGT, trật tự công cộng tại các điểm tổ chức lễ hội.
Bên cạnh đó, ngay khi các em học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, các cơ quan, lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ, hiệu quả các phương tiện đưa đón học sinh, góp phần bảo đảm an toàn cho các em học sinh trong quá trình tham gia giao thông.
Ông Não Thiên Anh Minh, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh cho hay, công tác phối hợp, tập trung triển khai các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), đặc biệt là tiếp tục và tăng cường triển khai kế hoạch kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã hạn chế các vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia.
Hệ thống giám sát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, theo dõi cũng như xử lý vi phạm đối với hoạt động vận tải của mỏ đá, đồng thời có tác động lớn đến ý thức của các chủ mỏ đá và tài xế trong quá trình vận chuyển vật liệu. Qua công tác theo dõi, đánh giá, tình trạng phương tiện vận chuyển vật liệu quá tải trọng được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn so với thời gian trước đây, kể cả vấn đề cơi nới kích thước thành thùng cũng giảm đáng kể.
Theo ông Não Thiên Anh Minh, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Cục Quản lý đường bộ IV, Công an tỉnh, Sở GT-VT và các đơn vị liên quan kiểm tra công tác bảo đảm trật tự ATGT, phương án phân luồng, tổ chức giao thông tại các dự án BOT, công trình đang thi công, các nút giao có tình hình giao thông phức tạp như: dự án Cầu vượt ngã tư Dầu Giây, ngã tư Vũng Tàu (cả hầm chui), ngã ba Nhà máy Nước Thiện Tân, đường chuyên dùng và đường Nam Cao với quốc lộ 51, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quốc lộ 51…
Ngoài ra, Ban ATGT còn tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, đề xuất các giải pháp khắc phục, xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT và những tồn tại bất cập về hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ 1, 20.
* Cần nhiều biện pháp quyết liệt và kịp thời
Các cơ quan chức năng đánh giá, dù tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp khi số người chết tăng so với cùng kỳ. Các địa bàn, tuyến giảm số người chết là các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, quốc lộ 20, quốc lộ 51. Còn các địa bàn, tuyến có số người chết tăng như: quốc lộ 1, TP.Biên Hòa, TP. Long Khánh, các huyện Xuân Lộc, Định Quán, Thống Nhất và Cẩm Mỹ.
Thời gian xảy ra tai nạn chủ yếu từ 18-24 giờ, chiếm phần lớn là nam giới với các nguyên nhân có tỷ lệ cao nhất là: lỗi thiếu chú ý quan sát, lấn trái đường, chuyển hướng sai quy định. Qua đó, cho thấy việc dẫn đến TNGT có thể nói là phần lớn lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, chưa chấp hành nghiêm các quy định về ATGT.
Giám đốc Sở GT-VT, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh Lê Quang Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần phân tích rõ nguyên nhân và kiến nghị giải pháp để quyết liệt kéo giảm TNGT trong thời gian tới; khắc phục, xử lý các vị trí gây TNGT, các bất cập về hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh.
Trong đó, các lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông tiếp tục chương trình, kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, tăng cường kiểm soát tải trọng xe nhằm đảm bảo an toàn, tuổi thọ công trình giao thông. Việc thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm mục tiêu giảm các vụ tai nạn, số người chết và bị thương trong thời gian tới.
Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Công an tỉnh cho rằng, Công an tỉnh sẽ chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông và công an các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm; đặc biệt là tập trung vào xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, ùn tắc giao thông dẫn đến TNGT như: vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải trọng, quá khổ, chạy quá tốc độ…
“Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức của pháp luật về ATGT sẽ được quan tâm. Mục đích là đúng đối tượng, có trọng tâm trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả phòng ngừa tai nạn, chấp hành tốt ý thức khi tham gia giao thông” - đại tá Nhân nói.
Trong 3 tháng của năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 60 vụ tai nạn làm chết 55 người và bị thương 21 người. So với cùng kỳ năm 2021, giảm 5 vụ, giảm 10 người bị thương nhưng lại tăng 4 người chết. TNGT đường bộ vẫn chiếm chủ yếu và xảy ra trên quốc lộ chiếm đến hơn 50% số người chết. |
Thanh Hải