Đồng Nai hiện có khoảng 32 ngàn người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tỉnh luôn quan tâm, dõi theo "bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam" này, đồng thời cũng xem đây là nguồn lực quý để đóng góp cho sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Đồng Nai hiện có khoảng 32 ngàn người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tỉnh luôn quan tâm, dõi theo “bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” này, đồng thời cũng xem đây là nguồn lực quý để đóng góp cho sự phát triển toàn diện của tỉnh.
Đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến tại chương trình Xuân hữu nghị tỉnh Đồng Nai năm 2021. Ảnh: K.Lộc |
Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…, Đồng Nai hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN) trở về đầu tư, kinh doanh tại quê hương.
* Huy động nguồn lực lớn cho phát triển địa phương
Không chỉ mang theo tiếng nói, bản sắc văn hóa Việt Nam đi khắp năm châu, cộng đồng NVNƠNN cũng ngày càng có đóng góp quan trọng cho sự phát triển toàn diện của nước nhà. Đặc biệt, cộng động NVNƠNN là doanh nhân, doanh nghiệp chính là sợi dây kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, thắt chặt các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch… tạo nguồn kiều hối phong phú cho Tổ quốc, góp thêm nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhận rõ nguồn lực này, Đảng và Nhà nước ngày càng khuyến khích NVNƠNN tham gia tích cực, sâu rộng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
160 đại biểu NVNƠNN tham dự họp mặt Xuân hữu nghị Ngày 22-4, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh tổ chức chương trình Xuân Hữu nghị tỉnh Đồng Nai năm 2022. Chương trình có sự tham gia của khoảng 160 đại biểu là NVNƠNN của Đồng Nai và TP.HCM. Dự kiến trong chương trình, các đại biểu dâng hương tại Văn Miếu Trấn Biên, đi tham quan một số khu công nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp, điểm du lịch và dự họp mặt với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành… |
Đồng Nai hiện có khoảng 32 ngàn bà con đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, gần 18 ngàn hộ thân nhân NVNƠNN đang sinh sống tại địa phương. Tỉnh cũng có 20 doanh nghiệp có NVNƠNN tham gia thành viên góp vốn trị giá hàng ngàn tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: dịch vụ, giáo dục, kinh doanh bất động sản…
Hằng năm, tỉnh đều tổ chức họp mặt NVNƠNN vào những ngày giáp Tết. Năm 2021 và 2022, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bà con trở về nước gặp khó khăn do công tác phòng, chống dịch tại các quốc gia và Việt Nam nên chương trình gặp gỡ vào dịp Tết cổ truyền không thể thực hiện. Thay vào đó, tỉnh tổ chức chương trình Xuân hữu nghị tỉnh Đồng Nai nhằm tạo điều kiện cho NVNƠNN và thân nhân nắm bắt tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; nâng cao ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước, tăng cường và thắt chặt khối đoàn kết toàn dân tộc giữa NVNƠNN với nhân dân trong tỉnh.
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, các nhà đầu tư là NVNƠNN tìm hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tìm kiếm cơ hội trở về nước tham gia đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng có dịp lắng nghe các đại biểu NVNƠNN trao đổi, hiến kế, nêu kiến nghị về chủ trương, giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh mong muốn các doanh nhân, nhà đầu tư là NVNƠNN sẽ kết nối, xúc tiến thương mại đưa hàng hóa của Đồng Nai ra nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Theo đó, tỉnh ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn các huyện: Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh. Riêng dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, nhà đầu tư phải vào khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt.
Về thu hút đầu tư, tỉnh tiếp tục định hướng về ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện tại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tỉnh cũng chú trọng thu hút các dự án lớn, các dự án của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các cơ quan, trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh Đồng Nai gắn với việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành cảng hàng không quốc tế Long Thành.
* Mong muốn lan tỏa văn hóa, tinh thần Việt Nam
Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, tôn giáo, NVNƠNN đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy, lan tỏa và giành được sự yêu mến của bạn bè các nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chị Phan Minh Hằng tham gia quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế trong một sự kiện giao lưu văn hóa ở Canada. Ảnh: NVCC |
Chị Phan Minh Hằng (đang làm việc trong lĩnh vực y tế tại Canada) bày tỏ niềm vui, sự vinh dự khi lần đầu tiên được tham gia họp mặt Xuân hữu nghị. Chị coi đây là cơ hội hiểu thêm về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; đồng thời, gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các đại biểu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới. “Là công dân Việt Nam thì ai cũng muốn đóng góp ít nhiều cho quê hương, đất nước của mình. Cho dù đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, không có cơ hội đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của tỉnh nhà nhưng bản thân tôi vẫn luôn nỗ lực học tập và phấn đấu, tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa. Thông qua các hoạt động này, chúng tôi góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tinh thần và những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam với bạn bè quốc tế” - chị Hằng chia sẻ.
Chị Hằng cũng cho rằng, tỉnh nên tổ chức thêm nhiều hoạt động nhằm xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa địa phương với sinh viên, trí thức trẻ ở nước ngoài. Đó có thể là những hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật tình hình phát triển của địa phương...
Theo chị Hằng, trí thức trẻ có vai trò rất quan trọng trong việc định hình, quảng bá hình ảnh của người Việt hiện đại trong mắt bạn bè quốc tế. Đây cũng là lực lượng có đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước yên bình, đang phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn giữ gìn được những truyền thống quý báu đến bạn bè năm châu. Điều này sẽ giúp thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong nước.
Cơ sở sản xuất gốm Phong Sơn (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) là điểm đến trong hành trình tham quan của đoàn đại biểu NVNƠNN trong khuôn khổ chương trình Xuân hữu nghị. Chị Mai Ngọc Nhi, nhà sáng lập thương hiệu Gốm Studio, thuộc Cơ sở sản xuất gốm Phong Sơn cho biết, bản thân chị rất vui mừng và hoan nghênh đoàn đến thăm làng gốm.
“Hiện nay, đơn hàng gốm xuất khẩu của cơ sở Phong Sơn đã khá ổn định. Chúng tôi đang phát triển thêm dòng gốm Biên Hòa xưa (gốm giả cổ). Tôi mong rằng, từ chuyến tham quan này, bà con NVNƠNN sẽ hiểu thêm về gốm Biên Hòa và lan tỏa nét văn hóa này đến với những người trẻ đang sinh sống ở nước ngoài, rồi từ những người trẻ này có thể lan xa hơn đến cộng đồng quốc tế” - chị Nhi chia sẻ.
Ông NGUYỄN THÀNH TRÍ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh: NVNƠNN là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Chương trình Xuân hữu nghị tỉnh Đồng Nai được tổ chức trong những năm qua đã cung cấp thông tin cho bà con về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Qua đó, bà con hiểu về Đồng Nai và thêm yêu quê hương hơn. Chúng ta cũng thông qua đó để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, những quan điểm sai trái, thù địch. Năm nay, chương trình Xuân hữu nghị tổ chức thêm hoạt động tham quan thực tế tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch. Hoạt động tham quan này sẽ giúp các đại biểu là NVNƠNN hiểu rõ hơn tiềm năng của Đồng Nai nhằm tạo sức hút đầu tư cho tỉnh nhà. |
Hải Yến