Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức họp mặt đón Tết cổ truyền Bunpimay (Lào) và Chol Chnam Thmay (Campuchia) dành cho sinh viên, học viên Lào, Campuchia đang học tập tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.
Nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) và Chol Chnam Thmay (Vương quốc Campuchia) diễn ra vào giữa tháng 4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức họp mặt đón Tết cổ truyền dành cho sinh viên, học viên Lào, Campuchia đang học tập tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.
Sinh viên Lào, Campuchia thực hiện nghi thức buộc chỉ cổ tay chúc bình an, may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Ảnh: Nga Sơn |
Chương trình họp mặt diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần giữ gìn và phát huy mối quan hệ hữu nghị đặc biệt mà các thế hệ lãnh đạo và nhân dân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã dầy công vun đắp.
* Tết cổ truyền ấm áp và ý nghĩa
Ấn tượng nhất trong chương trình là nghi thức buộc chỉ cổ tay. Đây là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền với ý nghĩa cầu may mắn cho bản thân, gia đình. Để chuẩn bị cho phần nghi thức buộc chỉ cổ tay, các sinh viên Lào và Campuchia đã chuẩn bị mâm lễ cúng với hoa, trái cây, tháp chỉ gồm có các sợi chỉ kết thêm hoa sứ màu trắng buộc vào mâm cúng và vô số các sợi chỉ đủ màu sắc.
Sau khi mâm lễ cúng được bố trí giữa sân khấu, tất cả sinh viên, học viên Lào, Campuchia đang học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh và các đại biểu tham dự chương trình cùng đứng xung quanh mâm cúng, hai tay chắp trước ngực dõi theo đại diện sinh viên Lào bắt đầu bài khấn. Nghi thức cúng hoàn tất cũng là lúc mọi người chuyền tay nhau những sợi chỉ đủ màu sắc trên tháp chỉ buộc vào cổ tay để cùng cầu phúc cho nhau.
Chia sẻ về Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của dân tộc Campuchia, Le Vann Ngaing, sinh viên năm 4, ngành Công nghệ thông tin Trường đại học Công nghệ Đồng Nai cho biết, ngày đầu năm mới, người dân Campuchia sẽ mặc đồ đẹp, lên chùa lễ Phật và làm lễ dâng cơm cho các nhà sư trong chùa để thể hiện sự tôn kính và cầu bình an cho cả gia đình. Mọi người đến chùa sẽ làm lễ té nước lên tượng phật và các vị sư sãi cao niên trong chùa bằng nước thơm để tỏ lòng tôn kính. Sau đó, từ người lớn đến trẻ nhỏ sẽ té nước vào nhau thay cho lời chúc tốt lành dịp năm mới. Vì vậy, Ban tổ chức chương trình họp mặt cũng đã rất tinh tế dành hẳn một khu vực để sinh viên, học sinh Lào, Campuchia được tham gia nghi lễ té nước trong dịp đầu năm mới.
Nguyễn Quỳnh Trang, sinh viên năm 2 Khoa Tiểu học - mầm non Trường đại học Đồng Nai chia sẻ: “Chương trình là dịp để em hiểu hơn về văn hóa của dân tộc Lào, Campuchia. Em thấy thú vị nhất là nghi thức buộc chỉ cổ tay và cách mà các bạn sinh viên Lào, Campuchia dành những lời chúc bình an, may mắn trong dịp Tết cổ truyền”.
* Nhiều hoạt động thắm tình đoàn kết, hữu nghị
Trong bài phát biểu họp mặt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia đã được ông cha ta xây đắp, là tài sản vô giá của 3 dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia. Góp phần giữ vững và phát huy mối quan hệ hữu nghị đặc biệt đó, thời gian qua, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng tiếp tục có những hoạt động thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia ngày càng sâu rộng. Tỉnh Đồng Nai đã quan tâm hỗ trợ cấp học bổng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các địa phương tại 4 trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối với các địa phương của Lào, tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ đào tạo 185 học bổng cho sinh viên, trong đó có 20 học bổng dành cho 20 sinh viên đang học tập tại tỉnh. Đối với Vương quốc Campuchia, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo 36 suất học bổng đại học, cao đẳng toàn phần cho Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam tại Campuchia.
Theo chia sẻ của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, trong thời gian các sinh viên của Lào, Campuchia học tập tại Việt Nam, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, chăm lo cả về vật chất và tinh thần, giúp các em có môi trường học tập và rèn luyện tốt nhất. Nhất là trong 2 năm (2020, 2021) dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã quan tâm tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tất cả sinh viên Lào và Campuchia đang học tập tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh; quan tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách xã hội…
Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Võ Văn Trung cho biết, ngoài tham gia tổ chức các chương trình nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay và Chol Chnam Thmay, hằng năm, Hội Sinh viên tỉnh luôn quan tâm thăm hỏi, tặng quà cho sinh viên Lào, Campuchia. Bên cạnh việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách xã hội, Hội Sinh viên tỉnh cũng đã tư vấn, hỗ trợ để sinh viên Lào, Campuchia thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh.
Tại buổi họp mặt, bà Phimpha Keomixay, Tổng lãnh sự nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại TP.HCM và ông Sok Dareth, Tổng lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TP.HCM bày tỏ tin tưởng rằng sự quan tâm, chia sẻ này sẽ là hành trang, là động lực để sinh viên Lào, Campuchia tiếp tục phấn đấu trong học tập, rèn luyện, gặt hái được nhiều kết quả và trở về góp sức cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Tổng lãnh sự quán 2 nước cũng mong muốn, các sinh viên Việt Nam - Lào - Campuchia hiểu được giá trị cốt lõi của tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện của 3 quốc gia, sẵn sàng bảo vệ thành quả mà lãnh đạo và nhân dân 3 nước đã cùng nhau xây dựng, vun đắp nhiều năm qua, đồng thời tiếp tục vun đắp để đưa mối quan hệ của 3 nước lên một tầm cao mới.
Ông NGUYỄN VIẾT THẮNG, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, vừa qua Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND của UBND tỉnh triển khai Quyết định số 2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Nai và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, giao lưu ẩm thực nhằm đẩy mạnh ngoại giao văn hóa với các quốc gia, trong đó có Lào và Campuchia. |
Nga Sơn