Theo Trung tâm Truyền máu huyết học Việt Nam, hệ máu Rh- ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số. Do đó, những người mang dòng máu này là rất quý hiếm trong cộng đồng.
Theo Trung tâm Truyền máu huyết học Việt Nam, hệ máu Rh- ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số. Do đó, những người mang dòng máu này là rất quý hiếm trong cộng đồng.
Các bạn trẻ TP.Long Khánh trong một hoạt động hiến máu tình nguyện. Ảnh: Sông Thao |
Nhiều người trong số này đã sẵn sàng hiến dòng máu hiếm của mình để cứu người.
* Chia sẻ dòng máu hiếm
Anh Trần Thiên Long, quê tỉnh Đắk Lắk, đang làm việc tại TP.Biên Hòa từ nhiều năm nay, cho hay bản thân anh thuộc nhóm máu O Rh-. Tính đến nay, anh đã có 7 lần hiến máu cứu người. Mỗi khi nhận tin từ bệnh viện hay quản lý CLB Máu hiếm báo có người cần nhóm máu của mình để cấp cứu, anh lại chủ động tìm đến.
Anh Long kể: “Dù đang ở trọ tại khu vực P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) nhưng việc di chuyển đến TP.HCM để truyền máu không làm tôi ái ngại. Có lần, giữa đêm đang ngủ, nhận được tin báo có người bị tai nạn giao thông cần máu của mình để cấp cứu, tôi lập tức lái xe đến bệnh viện tại TP.HCM để cho máu. Khi người bệnh nhận máu của mình để có thêm cơ hội sống, tôi lại có thêm một niềm vui”.
Tại Đồng Nai, CLB Máu hiếm do Hội Chữ thập đỏ tỉnh quản lý có 115 người tham gia. Họ gồm các nhóm máu: O Rh-, A Rh-, B Rh-, AB Rh-. |
Còn với bà Nguyễn Thị Lơ (45 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa), khi biết mình mang dòng máu hiếm, ban đầu bà có chút lo lắng. Nhưng rồi được tiếp cận các kiến thức cần thiết, được Hội Chữ thập đỏ tỉnh kết nối cùng những người máu hiếm khác giúp bà yên tâm hơn vì vẫn có những trường hợp tương tự như bà. Vì hiểu số lượng người mang dòng máu như mình chiếm số ít nên bà Lơ luôn tích cực sẻ chia giọt máu nghĩa tình để cứu người. Dù mới phát hiện việc mang trong mình dòng máu hiếm A Rh- thời gian gần đây nhưng bà đã có đến 4 lần hiến máu cứu người cấp cứu ở bệnh viện và 1 lần hiến máu tình nguyện lưu động.
Có hành động tương tự là bà Phạm Thị Duyên (40 tuổi, đang làm việc tại TP.HCM) đã có gần 10 lần hiến máu cứu người bị nạn từ dòng máu O Rh- của mình. Bà Duyên cho hay, trong quá trình mang thai cách đây gần 8 năm, bà biết mình có dòng máu hiếm. Lúc đó, bà rất lo lắng cho con mình, cũng như quá trình sinh nở. Nhưng được sự kết nối của những người mang dòng máu hiếm khác để khi cần thiết gia đình có thể liên hệ để tiếp nhận máu, bà yên tâm hơn. Khi sức khỏe đảm bảo, bà đăng ký hiến máu để khi cần có thể giúp đỡ những người có dòng máu hiếm tương tự.
* Bảo vệ mình và kết nối người máu hiếm
Cùng với việc chủ động, sẵn sàng sẻ chia dòng máu hiếm để cứu người, từng cá nhân mang dòng máu hiếm luôn tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân để hạn chế đến mức thấp nhất thương tích xảy ra đối với bản thân.
Anh Trần Thiên Long chia sẻ, do từng tham gia hiến máu cấp cứu nên anh hiểu người mang dòng máu hiếm sẽ gặp nhiều rủi ro hơn nếu không may bị tai nạn thương tích. Vậy nên, trong quá trình lao động, di chuyển, sinh hoạt hằng ngày, bản thân anh luôn có sự cân nhắc trước khi thực hiện một hành động nào đó. Bởi nếu không may bị tai nạn cần đến tiếp máu thì không chỉ gây lo lắng, khó khăn cho bản thân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến những người mang dòng máu hiếm khác khi cho máu mình. Cùng với đó, nếu để cơ thể xảy ra tình trạng suy nhược hay thiếu máu cũng không thể sẵn sàng cho máu khi cần nên những người có dòng máu hiếm như anh Long luôn ý thức tự nâng cao sức khỏe bản thân.
Song song với việc cẩn trọng giữ gìn sức khỏe của bản thân, việc những người mang dòng máu hiếm kết nối, sinh hoạt và giữ liên lạc với nhau là điều vô cùng cần thiết nhằm chia sẻ và tự bảo vệ mình.
Bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt (kinh doanh tự do, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, bản thân bà mang dòng máu hiếm 0 Rh-. Đến nay, bà đã có gần 20 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Một nửa trong số này được bà thực hiện hiến ở các điểm tiếp nhận hiến máu lưu động, số còn lại là hiến máu cấp cứu tại bệnh viện khi có người cần truyền máu ngay để cấp cứu giành lấy sự sống.
Bà Nguyệt chia sẻ, việc mang dòng máu hiếm không phải là trở ngại, mà bản thân mình thấy có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Vậy nên, dù đang ở hoàn cảnh nào, khi nghe tin bệnh viện cần máu của mình để cứu người là bà tìm đến. Như có lần đang giao hàng từ TP.Biên Hòa đến H.Long Thành, bà Nguyệt nhận được cuộc gọi báo tin có ca mổ tim ở Bệnh viện Nhân dân 115 hay một lần khác nhận được cuộc gọi báo một sản phụ đang cấp cứu ở Bệnh viện Từ Dũ cần máu hiếm…, bà đã bỏ lại công việc để đi tiếp máu. “Mạng sống con người là quan trọng hơn hết. Ý nghĩ này là động lực để tôi sẻ chia dòng máu của mình để cùng y, bác sĩ cứu người” - bà Nguyệt nói.
Với ý nghĩa này, CLB Máu hiếm do Hội Chữ thập đỏ tỉnh quản lý có 115 người hay CLB Máu hiếm miền Nam với 120 thành viên đã ra đời, duy trì sinh hoạt trong thời gian qua.
Bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt, Chủ nhiệm CLB Máu hiếm miền Nam cho biết, việc kết nối, giữ liên lạc thường xuyên giữa những người có nhóm máu hiếm với nhau là điều vô cùng quan trọng. Khi một trong các thành viên không may bị tai nạn, hay một người nào đó cần nguồn máu hiếm để cấp cứu, thành viên nào ở gần bệnh viện nhất và đảm bảo sức khỏe sẽ chủ động đến nơi trước. “Điều này giúp những người máu hiếm an tâm hơn trong cuộc sống. Bởi, nếu không may gặp phải tai nạn cần đến máu trong quá trình cứu chữa hay thực hiện phẫu thuật thì nguồn máu cần thiết sẽ được đảm bảo” - bà Nguyệt cho hay.
Năm 2022, Đồng Nai được Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phân bổ chỉ tiêu vận động, tiếp nhận máu với số lượng 37,2 ngàn đơn vị máu loại 350ml/đơn vị máu, tương ứng với 1,2% dân số tham gia hiến máu tình nguyện. |
Sông Thao