Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH, trong năm 2021 đã xảy ra 1.340 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 28 người chết và 146 người bị thương nặng. Những vụ TNLĐ xảy ra nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí và xây dựng.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH, trong năm 2021 đã xảy ra 1.340 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 28 người chết và 146 người bị thương nặng. Những vụ TNLĐ xảy ra nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí và xây dựng.
Người lao động tập thể dục giữa giờ ở Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) |
* Ghi nhận nhiều ca nặng
Theo ghi nhận tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận nhiều ca cấp cứu các trường hợp bị TNLĐ với mức độ nặng, nhẹ khác nhau, có những ca nặng dẫn đến tử vong. Chỉ trong tháng 1 vừa qua, khoa đã tiếp nhận 95 ca cấp cứu do TNLĐ, đa số những ca cấp cứu xảy ra ở các ngành sản xuất như: gỗ, cơ khí, giày da…
Điển hình như anh N.Đ.T. (35 tuổi, ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện vào chiều ngày 24-1, do khi đang làm việc bị cây gỗ đập vào ngực dẫn đến hôn mê. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mạch và huyết áp không đo được, ngực phải có vết thương sâu khoảng 2cm, lồng ngực phải biến dạng. Mặc dù anh T. đã được cấp cứu hồi sức tim phổi nhưng đã tử vong. Nguyên nhân được chẩn đoán tử vong ngoại viện vì chấn thương ngực quá nặng do tai nạn trong lúc làm việc.
“TNLĐ khiến nhiều người lao động mất ngón chân, ngón tay, giập bàn tay, nặng hơn là mất chân, tay, vỡ tim, chấn thương sọ não. Có những trường hợp đã tử vong; có trường hợp sau điều trị bệnh nhân vẫn còn thương tổn nặng nề, bị tàn tật, liệt, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống” - BS Dương Hoài Vũ, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết.
* Cần tích cực phòng ngừa TNLĐ
BS Dương Hoài Vũ cho hay, qua những trường hợp cấp cứu tại bệnh viện, nguyên nhân xảy ra TNLĐ chủ yếu là do hầu hết người lao động không tuân thủ quy định của công ty, xí nghiệp. Người lao động chủ quan không sử dụng hoặc sử dụng không đúng bảo hộ lao động như: không dùng kính an toàn để bảo vệ mắt; chấp hành kỷ luật lao động kém; chưa được huấn luyện an toàn lao động trước khi sản xuất; công ty không thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị; nơi làm việc không có hoặc ít có các bảng cảnh báo nguy hiểm; nơi làm việc thiếu ánh sáng hoặc nhiều bụi…
Để phòng ngừa TNLĐ, BS Vũ khuyến cáo cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến về công tác an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức nhiều cuộc giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ mất an toàn lao động. Để hạn chế hậu quả do TNLĐ gây ra cần sự quan tâm từ cả hai phía, trong đó người sử dụng lao động cần chú ý đến việc trang bị bảo hộ an toàn lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn. Còn người lao động trực tiếp cần tuân thủ quy định làm việc, sử dụng phương tiện bảo hộ lao động khi vào làm việc. Giữa những giờ làm việc, dành 2-4 phút tập thể dục để người lao động quên đi cơn buồn ngủ cũng là cách giảm TNLĐ.
Mai Liên