Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển kỹ thuật cao phục vụ bệnh nhân

08:03, 10/03/2022

Thời gian qua, các bệnh viện trong tỉnh đã chú trọng phát triển nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại đơn vị. Đây là việc làm không chỉ giúp ích cho bệnh nhân mà còn giúp các bác sĩ nâng cao trình độ, tay nghề.

Thời gian qua, các bệnh viện trong tỉnh đã chú trọng phát triển nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại đơn vị. Việc triển khai được các kỹ thuật cao không chỉ giúp ích cho bệnh nhân mà còn giúp các bác sĩ nâng cao trình độ, tay nghề.

Các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thực hiện ca can thiệp cho bệnh nhân
Các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thực hiện ca can thiệp cho bệnh nhân. Ảnh: H.DUNG

Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, các bệnh viện đã lên kế hoạch chuẩn bị triển khai thêm nhiều kỹ thuật cao khác mà trước đây chỉ những bệnh viện lớn mới có thể làm được.

* Điều trị hiệu quả bệnh lý mạch máu nguy hiểm

ThS-BS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, vừa qua khoa đã triển khai thành công kỹ thuật điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu bằng thuốc tiêu sợi huyết trực tiếp và can thiệp tĩnh mạch vùng chậu để điều trị cho nhiều bệnh nhân. Kỹ thuật này rất khó thực hiện, trước kia chưa từng được triển khai tại Đồng Nai.

Trong thời gian tới, một số bệnh viện trong tỉnh đang hướng tới thực hiện kỹ thuật cao là ghép tạng cho người bệnh, trước hết là ghép thận. Hiện các đơn vị đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, máy móc, đặc biệt là nhân lực để có thể triển khai được kỹ thuật này.

Cụ thể, bệnh nhân nữ M.T.T.N. (31 tuổi, ngụ H.Vĩnh Cửu) bị sưng đau chân trái khiến bệnh nhân rất khó chịu, căng tức ở chân. Bệnh nhân đã đi khám ở một số nơi nhưng không cải thiện nên đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 cách đây hơn 1 tháng với triệu chứng nhẹ. Bệnh nhân đã 2 lần sinh đẻ, hiện tại đang tự ngừa thai bằng thuốc tránh thai đường uống. Vài năm trở lại đây, bệnh nhân có triệu chứng tê chân trái hơn bên phải nhưng chưa từng đi khám. Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị sưng nóng từ đùi đến cẳng bàn chân, mạch ở mu bàn chân vẫn đập tốt, vận động thụ động căng tức nhẹ, bắp chân trái to hơn chân phải 3cm. Nghi ngờ bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu nên các bác sĩ đã cho bệnh nhân làm xét nghiệm máu và siêu âm mạch máu 2 chân. Kết quả tĩnh mạch sâu chân bên trái của bệnh nhân bị tắc hoàn toàn từ vùng khoeo lên đến tầng chậu.

Bệnh nhân sau đó tiếp tục được chụp MSCT mạch máu, kết quả ghi nhận tình trạng huyết khối lấp đầy hệ tĩnh mạch sâu. Ngoài ra, hình ảnh CT Scan còn chỉ ra bệnh nhân có tĩnh mạch vùng chậu trái bị chèn ép bởi động mạch đùi phải.

Nhận thấy tình trạng bệnh cấp tính, các bác sĩ đã lên phương án can thiệp cho bệnh nhân bằng 2 kỹ thuật mới nhằm làm tiêu cục máu đông ở chân và can thiệp làm mở rộng thông thoáng vị trí tĩnh mạch bị chèn ép. Sau khi hoàn thành can thiệp, chân trái của bệnh nhân giảm sưng đau rõ và bệnh nhân đã đi lại gần như bình thường.

Theo ThS-BS Đỗ Trung Dũng, với trường hợp này, các bác sĩ đặt 1 kim dài có nhiều lỗ chuyên dụng từ vùng khoeo vào tĩnh mạch chủ chậu của bệnh nhân (khoảng 70cm). Sau đó, bơm thuốc tiêu sợi huyết liên tục trong 24 tiếng để làm cho cục máu đông tan hết, rồi tiếp tục can thiệp nong rộng tĩnh mạch chậu bị hẹp để không bị chèn ép nữa. Chỉ 3 ngày sau can thiệp, bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực, được xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Được biết, trước đây khi chưa có kỹ thuật điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu bằng thuốc tiêu sợi huyết trực tiếp và can thiệp tĩnh mạch vùng chậu, các bác sĩ thường sử dụng thuốc chống đông hoặc đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ để phòng ngừa thuyên tắc phổi lớn cho bệnh nhân. Cả 2 phương pháp này không mang lại hiệu quả tuyệt đối. Đặt lưới lọc để phòng thuyên tắc phổi nhưng không phòng được hội chứng hậu huyết khối; còn dùng thuốc cũng có những chống chỉ định của thuốc, nhưng nguyên nhân chèn ép tĩnh mạch vùng chậu vẫn còn nên bệnh nhân có nguy cơ tái lại rất cao.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị huyết khối tĩnh mạch sâu cũng có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị. Có những nhóm chống chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết như: bệnh nhân bị huyết áp cao; có chấn thương vùng đầu; có tổn thương mạch máu não gần nhất 3 tháng; có tiền sử xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa, dạ dày; chống chỉ định với thuốc chống đông; mẫn cảm với thành phần của thuốc tiêu sợi huyết; có điều trị xuất huyết trong vòng 6 tháng. Trường hợp chống chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết thì các bác sĩ dùng kỹ thuật đặt lưới lọc hoặc dùng thuốc.

Nhóm kỹ thuật khác mà các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã thực hiện được là phẫu thuật kết hợp với can thiệp. Tức là bác sĩ ngoại khoa hiện nay không chỉ biết mổ mà còn có thể thực hiện can thiệp để giải quyết các bệnh lý về mạch máu.

* Nâng tầm bệnh viện hạng 2, hạng 3

Đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 3 bệnh viện đang triển khai trung tâm/đơn vị tim mạch can thiệp. Đó là 2 bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) và 1 bệnh viện tư nhân (Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark).

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ tặng giấy khen cho các cá nhân, tập thể Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ tặng giấy khen cho các cá nhân, tập thể Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai

Theo PGS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (đơn vị hỗ trợ Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark), tại Việt Nam, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200 ngàn người mỗi năm. Đặc biệt, những trường hợp mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… có nguy cơ xảy ra các biến cố về tim mạch hay bệnh lý tim mạch chuyển hóa càng cao. Do đó, việc triển khai được trung tâm tim mạch can thiệp tại địa phương sẽ giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội sống cao hơn.

Từ tháng 12-2020 đến nay, Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật, can thiệp, cứu sống nhiều bệnh nhân.

Đến thời điểm này, một số cơ sở y tế trong tỉnh đang tiếp tục thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh như thực hiện gói đào tạo và chuyển giao kỹ thuật mới với các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến trên như: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ…

Cũng với mong muốn triển khai được đơn vị tim mạch can thiệp, suốt 3 năm qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chất lượng cao để giữa tháng 3-2022 có thể đưa vào hoạt động đơn vị tim mạch can thiệp trong khuôn viên bệnh viện.

BS CKII Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, các bệnh lý về tim mạch là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu hiện nay, nhất là bệnh mạch vành. Đặc điểm của bệnh lý tim mạch là nếu được can thiệp càng sớm thì cơ hội sống của bệnh nhân càng cao và ngược lại. Thời gian qua, do chưa có đơn vị tim mạch can thiệp, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh phải chuyển từ 4-5 ca bệnh bị nhồi máu cơ tim lên các bệnh viện tuyến trên. Việc khu vực TP.Long Khánh và những địa phương lân cận chưa có đơn vị tim mạch can thiệp nào là thiệt thòi lớn đối với người dân địa phương.

Xuất phát từ mô hình bệnh tật tại địa phương, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đặt ra mục tiêu sớm thành lập đơn vị tim mạch can thiệp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện, giúp người dân có cơ hội được điều trị sớm, mở ra cơ hội sống cao.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết thêm, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của bệnh viện, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để bệnh viện có thể phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao mà trước đây chưa có cơ hội để thực hiện.

Cụ thể, bệnh viện triển khai được nhiều kỹ thuật cao thuộc lĩnh vực chấn thương chỉnh hình. Phải kể đến như kỹ thuật mổ thay khớp toàn phần trên bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền. Với những trường hợp này, trước đây bệnh viện phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên do chưa thực hiện được. Hay các kỹ thuật về vi phẫu, phẫu thuật cột sống, mổ điều trị gãy đốt sống cổ… với sự hỗ trợ của các chuyên gia ở TP.HCM. Bên cạnh đó, những kỹ thuật cao thuộc lĩnh vực ngoại tổng quát, ngoại thần kinh cũng được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh triển khai thuần thục, hiệu quả.

Mới đây, Sở Y tế đã khen thưởng đột xuất đối với ThS-BS Quản Minh Trị, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai và tập thể Khoa Ngoại tổng quát của bệnh viện vì có thành tích kịp thời phẫu thuật cứu sống thành công bệnh nhân bị vết thương thấu ngực trái thủng phổi.

Theo ThS-BS Quản Minh Trị, ngày 8-2, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nam 40 tuổi bị vết thương thấu ngực, máu từ vết thương phun ra rất nhiều. Bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc, vật vã, da niêm mạc nhợt, huyết áp tụt, nguy cơ tử vong cao.

Lúc này, các bác sĩ nghĩ ngay đến việc bệnh nhân có vết thương thấu ngực gây thủng phổi hoặc thủng các mạch máu lớn nên đã khẩn trương tiến hành hồi sức cho bệnh nhân và thực hiện các xét nghiệm, siêu âm. Kết quả siêu âm cho thấy trong ngực bệnh nhân có rất nhiều dịch, cần can thiệp gấp.

Trong khoảng 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành mở rộng vết thương, vô khoang ngực bệnh nhân và phát hiện ở thùy trên phổi trái của bệnh nhân có vết thương dài khoảng 3cm, máu phun ra rất nhiều. Trong ngực bệnh nhân có gần 4 lít máu (tương đương 80-90% máu của toàn cơ thể). Ê-kíp đã tiến hành hút sạch máu trong lồng ngực, truyền 12 đơn vị máu và các chất cần thiết cho quá trình đông máu của bệnh nhân. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật kết thúc. Khoảng 5 giờ sau mổ, sinh hiệu của bệnh nhân ổn định, qua cơn nguy kịch. 5 ngày sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục tốt và được xuất viện.

Hạnh Dung


TS-BS PHAN HUY ANH VŨ, Giám đốc Sở Y tế:

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài

Thời gian qua, bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, các bệnh viện rất quan tâm đến việc phối hợp với các bệnh viện tuyến trên triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao. Phải kể đến như: mổ tim nội soi, can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý động mạch chủ và bệnh lý mạch máu ngoại biên; ứng dụng hệ thống kính vi phẫu hiện đại để phẫu thuật bệnh lý thần kinh cột sống phức tạp, hiếm gặp; triển khai nhiều kỹ thuật ngoại khoa nhi… Trong thời gian tới, các bệnh viện, cơ sở y tế cần tích cực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại đơn vị. Lãnh đạo các bệnh viện cần quan tâm phát hiện, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho những bác sĩ giỏi để phát huy sở trường của các bác sĩ. Qua đó, hướng tới xây dựng đội ngũ chuyên gia ngành Y tế Đồng Nai.

BS CKII Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh:

Hợp tác toàn diện với Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM

Để triển khai thành công đơn vị tim mạch can thiệp, chúng tôi hợp tác toàn diện với các chuyên gia, bác sĩ của Khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM trong vòng 2 năm.

Các chuyên gia ở TP.HCM sẽ xuống tận bệnh viện để triển khai và chuyển giao các kỹ thuật liên quan đến tim mạch can thiệp. Qua đó, đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Đơn vị tim mạch can thiệp này có diện tích 420m2, có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, hệ thống máy DSA hiện đại bậc nhất hiện nay tại Đồng Nai. Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, chúng tôi hy vọng sẽ giúp ích được nhiều bệnh nhân trong lúc nguy cấp.

ThS-BS CKII NGUYỄN LÊ ĐA HÀ, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai:

Đẩy mạnh kết nối khám, chữa bệnh từ xa

Thực tế thời gian qua cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc kết nối khám, chữa bệnh từ xa giữa bệnh viện với các bệnh viện tuyến trên đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để triển khai phương pháp này hiệu quả hơn, chúng tôi mơ ước có một cơ sở làm việc khang trang, hiện đại hơn. Bởi tổng quan Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vẫn là khuôn viên cũ, các khối nhà kết nối chưa hoàn hảo, nhiều phương tiện máy móc chưa đồng bộ nên việc kết nối công nghệ thông tin để truyền tải dữ liệu với các tuyến trên phải thông qua những cầu nối chứ không thể kết nối trực tiếp được.

Việc có được cơ sở khang trang sẽ giúp môi trường làm việc được cải thiện, các bác sĩ, nhân viên y tế cũng tự tin hơn, bệnh nhân cũng thoải mái, dễ chịu hơn. Hiện tại, để nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ nguồn nhân lực của bệnh viện, bệnh viện đang cử nhiều bác sĩ, điều dưỡng đi học các chuyên ngành gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức tích cực chống độc, phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật sơ sinh tại các bệnh viện chuyên khoa nhi ở TP.HCM.

ThS-BS ĐỖ TRUNG DŨNG, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất:

Nâng cao tay nghề cho bác sĩ trẻ

Các bác sĩ trong khoa đa phần có tuổi đời còn rất trẻ, song rất chịu khó học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Đến nay, nhiều bác sĩ không chỉ biết mổ hở mà còn có thể triển khai được hầu hết các kỹ thuật về mạch máu như vừa phẫu thuật vừa can thiệp động mạch (từ động mạch chủ đến động mạch chân, tay, não), can thiệp tĩnh mạch (tĩnh mạch nông, sâu), can thiệp trên bệnh nhân suy thận mạn, nội soi phổi, trung thất… Cả 2 kỹ thuật mới mà chúng tôi vừa triển khai đều dưới sự hướng dẫn trực tiếp của TS Phạm Minh Ánh, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy.

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu ở chân mà còn có khả năng gây thuyên tắc động mạch phổi - một nguyên nhân gây đột tử quan trọng cả trong và ngoài bệnh viện. Những bệnh nhân nghi ngờ bị huyết khối tĩnh mạch sâu và hội chứng chèn ép tĩnh mạch cần được thăm khám tại những nơi có thể siêu âm mạch máu để chẩn đoán, chụp MSCT scan để xác định nguyên nhân chèn ép tĩnh mạch và được đơn vị mạch máu can thiệp để điều trị bằng tái tạo tĩnh mạch qua da hoặc phẫu thuật.

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều