Lao màng não và lao cột sống (hay còn gọi là lao hệ thống thần kinh trung ương) là những bệnh lao nặng, rất khó phát hiện, vì người bệnh thường nghĩ đến căn bệnh khác chứ không nghĩ đến bệnh lao.
Lao màng não và lao cột sống (hay còn gọi là lao hệ thống thần kinh trung ương) là những bệnh lao nặng, rất khó phát hiện, vì người bệnh thường nghĩ đến căn bệnh khác chứ không nghĩ đến bệnh lao. Cả 2 bệnh lao này nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ, bệnh nhân có khả năng phục hồi tốt, còn phát hiện muộn không chỉ gây khó khăn trong quá trình điều trị mà còn để lại những di chứng nặng nề.
BS Huỳnh Phú Quốc, Khoa Bệnh phổi Bệnh viện Phổi Đồng Nai đang tư vấn cho bệnh nhân cách nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh lao màng não và lao cột sống. Ảnh: S.Mai |
* Dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác
Đã hơn 1 tháng nay, anh L.N.N. (tạm trú ở TP.Biên Hòa) thường xuất hiện những cơn đau đầu, thi thoảng lơ mơ, người mệt mỏi, ăn uống kém và đi lại khó khăn. Anh N. đã đi khám nhiều nơi và uống thuốc nhưng không khỏi, đến khi các triệu chứng ngày càng tăng lên, người nhà mới đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám. Sau khi chụp X-quang và làm các xét nghiệm, chọc dịch não tủy, các bác sĩ nghi ngờ có dấu hiệu bệnh lao nên chuyển anh N. sang Bệnh viện Phổi Đồng Nai để chẩn đoán chính xác bệnh. Tại đây, anh N. được làm thêm các xét nghiệm về lao. Dựa trên kết quả của 2 bệnh viện, anh N. được chẩn đoán bị lao kê và lao màng não phải nhập viện điều trị.
BS HUỲNH PHÚ QUỐC khuyến cáo: “Để phòng ngừa 2 bệnh lao này, người dân nên hạn chế tiếp xúc với người có các bệnh lao. Cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất để tăng cường sức đề kháng, môi trường nhà ở và xung quanh sạch sẽ, thông thoáng, không làm việc quá sức. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu của lao màng não hay lao cột sống, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán đúng bệnh, điều trị kịp thời, tránh để lại các di chứng nặng nề về sau”. |
Còn trường hợp của bệnh nhân H.T.L. (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cũng được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đến Bệnh viện Phổi Đồng Nai sau khi có nghi ngờ bệnh lao. Ông L. có dấu hiệu đau ở lưng, đi lại khó khăn. Tại đây, bệnh nhân được làm thêm các xét nghiệm khác và chẩn đoán bị lao cột sống phải nhập viện điều trị.
BS Huỳnh Phú Quốc, Khoa Bệnh phổi Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết, biểu hiện của lao màng não ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống thần kinh trung ương, ăn uống khó khăn, cổ cứng, chân đau không đi lại được, lơ mơ. Còn lao cột sống, người bệnh có dấu hiệu như đau thoái hóa cột sống, đi lại khó khăn, nếu nặng dẫn đến áp xe cột sống…
Kể từ tháng 11-2021, Bệnh viện Phổi Đồng Nai phục hồi việc khám, điều trị bệnh lao, từ đó đến nay đã tiếp nhận gần 2 ngàn bệnh nhân đến khám. Theo BS Quốc, do dịch bệnh Covid-19 nên người bệnh ngại đi khám, đến khi bệnh trở nặng mới đến các cơ sở y tế khám. Riêng trường hợp bệnh nhân N. và L. rất may mắn vì phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh chưa có dấu hiệu nặng nên quá trình phục hồi tốt.
* Để lại nhiều di chứng nặng nề
BS Quốc cho hay, để chẩn đoán đúng bệnh lao cột sống hay lao màng não phải dựa trên kết quả chụp phim, xét nghiệm, lấy dịch não tủy và làm các xét nghiệm sinh hóa, PCR lao hoặc xét nghiệm Xpert. Khi mắc 2 bệnh lao này, bắt buộc người bệnh phải nhập viện điều trị và sử dụng thuốc nhiều hơn các bệnh lao thông thường khác. Ngoài ra, cần phải có người chăm sóc kỹ trong vấn đề sinh hoạt, ăn uống và uống thuốc đúng phác đồ, đặc biệt là lao màng não (vì người bệnh trong trạng thái lơ mơ, không ý thức được).
2 bệnh lao này nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ tiên lượng bệnh rất tốt, không để lại di chứng. Sau khi điều trị ở bệnh viện, nếu bệnh nhân có tiến triển và phục hồi tốt sẽ được chuyển về địa phương theo dõi quản lý tiếp. Riêng bệnh lao cột sống, sau khi trở về nhà, người bệnh cần đến các bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để điều trị về cột sống. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, không những khó khăn trong quá trình điều trị mà còn dẫn tới những hậu quả hết sức nặng nề về sau.
Sao Mai (ghi)