Báo Đồng Nai điện tử
En

Kéo giảm nợ quá hạn vay tín dụng chính sách

10:03, 09/03/2022

Thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) là: Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh và Tỉnh đoàn, hiện có trên 108 ngàn khách hàng đang vay vốn tín dụng chính sách.

Thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) là: Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh và Tỉnh đoàn, hiện có trên 108 ngàn khách hàng đang vay vốn tín dụng chính sách.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai cùng 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận vốn ủy thác ký kết chương trình phối hợp về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2022. Ảnh: S.Thao
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai cùng 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận vốn ủy thác ký kết chương trình phối hợp về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2022. Ảnh: S.Thao

Do nhiều nguyên nhân mà nợ quá hạn trong năm 2021 tiếp tục tăng và số tổ tiết kiệm, vay vốn thuộc các tổ chức CT-XH xếp loại trung bình, yếu vẫn ở mức cao. Các tổ chức CT-XH nhận ủy thác vốn chính sách, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm kéo giảm nợ quá hạn, tăng chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn.

* Vốn vay và tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng cao

Năm 2021, tổng dư nợ ủy thác thông qua 4 tổ chức CT-XH là trên 3,2 ngàn tỷ đồng, tăng 374 tỷ đồng so với năm 2020. Phó tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam kiêm Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai Nguyễn Đức Hải cho biết, hiện nguồn vốn tín dụng chính sách mà 4 tổ chức CT-XH nhận ủy thác cho vay chiếm 90% tổng số tiền cho vay của toàn hệ thống ngân hàng CSXH trong tỉnh.

Theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam kiêm Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai NGUYỄN ĐỨC HẢI, 2022 là năm đầu tiên Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai triển khai cho vay hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn mới. Qua thống kê, năm nay có khoảng 10 ngàn hộ nằm trong diện được vay vốn. Để đáp ứng nhu cầu này, Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai cùng các địa phương, ban, ngành tập trung rà soát để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo nào đã vay vốn từ trước và hộ nào đang có nhu cầu vay mới. Từ đó, đơn vị sẽ chủ động bố trí nguồn vốn phù hợp.

Theo Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bùi Thị Hạnh, Hội LHPN tỉnh hiện là đơn vị đang cho vay với số lượng khách hàng, tổng số tiền vay chiếm tỷ lệ cao nhất trong 4 tổ chức
CT-XH nhận ủy thác của ngân hàng CSXH. Cụ thể, tổ chức Hội LHPN tỉnh đang quản lý trên 43,5 ngàn hộ vay với số tiền 1,29 ngàn tỷ đồng.

Có số người vay và số vốn vay cao thứ 2 là Hội Nông dân tỉnh. Hiện đơn vị này đang quản lý 37,4 ngàn hộ vay với số tiền trên 1,1 ngàn tỷ đồng. Riêng Hội CCB tỉnh đang quản lý 17,5 ngàn hộ vay với số tiền 529 tỷ đồng, còn Tỉnh đoàn đang quản lý 9,5 ngàn hộ vay với số tiền 293 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai và các phòng giao dịch cấp huyện đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cấp xã, các tổ chức CT-XH, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện gần 1,7 ngàn phiên giao dịch tại 162 điểm giao dịch xã.

Cùng với tăng số vốn tín dụng chính sách được giải ngân, tất cả 2.382 tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức CT-XH quản lý đều có số dư tiền gửi tiết kiệm với số tiền bình quân 3,2 triệu đồng/người. Tỷ lệ tổ viên gửi thường xuyên, định kỳ hằng tháng đạt 70% tổng số người vay tín dụng chính sách. Điều này góp phần đưa vốn huy động tiền gửi năm qua của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 73,5 tỷ đồng, nâng tổng số tiền gửi tiết kiệm của người vay lên trên 354,7 tỷ đồng.

* Kéo giảm nợ quá hạn

Năm 2021, nợ quá hạn từ tín dụng chính sách tăng gần 700 triệu đồng, nâng tổng số nợ quá hạn đến nay của tỉnh lên hơn 7,3 tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn tại một số tổ chức CT-XH nhận ủy thác cấp huyện tăng như: Hội Nông dân H.Cẩm Mỹ tăng 101 triệu đồng, Hội LHPN H.Tân Phú tăng 86 triệu đồng, Hội CCB H.Tân Phú tăng 172 triệu đồng, Hội CCB H.Long Thành tăng 130 triệu đồng…

Theo Chủ tịch Hội CCB tỉnh Dương Hòa Hiệp, trong năm qua, nhiều hội viên CCB có vay vốn chính sách đã không may qua đời do mắc bệnh, trong đó có nhiễm bệnh Covid-19 và đã không qua khỏi, vì vậy đã làm tăng nợ quá hạn do Hội quản lý trong năm 2021. Tuy nhiên, với trách nhiệm và tinh thần tự giác, gia đình các CCB đang tiếp tục hoàn trả nguồn vốn vay này. Ngoài ra, Hội CCB các cấp sẽ tiếp tục có sự động viên để sớm hoàn trả số tiền vay.

Toàn tỉnh hiện còn 3 xã, 112 tổ tiết kiệm và vay vốn có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%. Ngoài ra, có 3 xã, 42 tổ tiết kiệm và vay vốn tỷ lệ nợ quá hạn trên 1,5% đến dưới 2%. Bên cạnh đó, có đến 4 xã, 49 tổ tiết kiệm và vay vốn tỷ lệ nợ quá hạn trên 1% đến dưới 1,5%.

Ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, tuy nợ quá hạn tín dụng chính sách do Hội Nông dân các cấp quản lý thấp nhưng Hội có đến 32 tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình, 4 tổ yếu. Riêng 2 huyện Cẩm Mỹ và Nhơn Trạch có nợ quá hạn tăng so với năm 2020.

Đánh giá về tình trạng nợ quá hạn trong tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh hiện nay, ông Nguyễn Đức Hải cho hay, chất lượng tín dụng trên địa vàn tỉnh hiện duy trì ở mức kiểm soát được. Tình trạng nợ quá hạn đáng lo nhất là người vay không muốn trả nợ. Qua kiểm tra thực tế, có không ít trường hợp có biểu hiện này. Đây là “cục máu đông” khó tan trong thời gian qua và làm tỷ lệ nợ quá hạn của tỉnh luôn ở mức cao.

Ông Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, đối với những trường hợp do yếu tố khách quan như: người vay qua đời, ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai mà mất vốn… đều đã có phương án xử lý theo quy định. Như trong năm 2021, nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan được xóa với số tiền gốc là 108,5 triệu đồng. Hiện còn 92 món vay bị rủi ro đã được Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử lý với số tiền gần 2,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, năm 2022, các tổ chức CT-XH nhận vốn ủy thác các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai, phòng giao dịch cấp huyện thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng CSXH đến người nghèo và các đối tượng chính sách. Để từ đó người dân và các đối tượng thụ hưởng hiểu rõ chính sách tín dụng ưu đãi, nâng cao ý thức trong sử dụng vốn và thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, tích cực thực hành tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn trả nợ, trả lãi, góp phần giảm thiểu tình trạng nợ xấu phát sinh.

Ngoài ra, các tổ chức CT-XH cấp xã hướng dẫn các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tốt công tác bình xét công khai, dân chủ, có sự giám sát của trưởng ấp, khu phố, giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn và sử dụng vốn của khách hàng vay vốn. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên công tác kiểm tra, giám sát quá trình này được tổ chức CT-XH cấp tỉnh thực hiện ở 100% tổ chức
CT-XH cấp dưới trực thuộc.

Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Hữu Thiện cho hay, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra chuyên đề về tín dụng CSXH ở 5 huyện và kết hợp kiểm tra tại 6 đơn vị còn lại. Đồng thời, chú trọng kiểm tra tại các đơn vị có tổ trung bình và yếu nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc để nhanh chóng xử lý, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trong tổ chức Hội; đảm bảo bình xét đúng đối tượng. Ngoài ra, Hội sẽ kết hợp thêm các chương trình khuyến nông với người vay vốn như: đào tạo nghề, lồng ghép chương trình hỗ trợ vốn, kết nối đầu ra cho nông dân… nhằm tạo điều kiện cho người vay phát huy tốt nguồn vốn.

Văn Truyên

Tin xem nhiều
Website https://creditcard.com.vn Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụng