Sau khi học sinh lớp 1 được trở lại trường học trực tiếp, nhiều trường đã tập trung hỗ trợ cho các em làm quen với môi trường học tập mới. Những em thời gian trước đó học trực tuyến nhưng kiến thức và kỹ năng không đạt yêu cầu được giáo viên quan tâm nhiều hơn, đảm bảo được mặt bằng chất lượng tương đối đồng đều trong lớp.
Sau khi học sinh lớp 1 được trở lại trường học trực tiếp, nhiều trường đã tập trung hỗ trợ cho các em làm quen với môi trường học tập mới. Những em thời gian trước đó học trực tuyến nhưng kiến thức và kỹ năng không đạt yêu cầu được giáo viên quan tâm nhiều hơn, đảm bảo được mặt bằng chất lượng tương đối đồng đều trong lớp.
Cô Lê Thị Hiển, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Xuân Lộc) rèn chữ cho học sinh trên lớp. Ảnh: C.Nghĩa |
Cô Lê Thị Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) cho biết: “Sau 1 học kỳ học trực tuyến tại nhà, khi được đến trường học trực tiếp nhiều em vẫn chưa biết đọc, chưa biết viết. Ngay cả những kỹ năng cơ bản như ngồi học đúng tư thế, cầm viết đúng kiểu, viết chữ đúng nét… cũng phải luyện lại từ đầu”.
* Vất vả với lớp vỡ lòng
Để đảm bảo chất lượng một cách đồng đều giữa các học sinh trong một lớp, cô Hiền đã phải mất khá nhiều thời gian cho học sinh của mình. Cô chia sẻ: “Việc đầu tiên khi đón học sinh lớp 1 trở lại trường học trực tiếp đầu học kỳ 2 là rà soát lại khả năng học tập của từng em, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Chẳng hạn, có em cả học kỳ 1 học trực tuyến nhưng vẫn chưa biết đọc, chưa biết viết thì giáo viên phải hỗ trợ rèn luyện thêm trong giờ học chính khóa. Thậm chí, còn phải bố trí thêm thời gian phụ đạo miễn phí, đồng thời phối hợp với phụ huynh để rèn luyện cho các em ở nhà. Khi nào các em đạt được khả năng tương đương với mặt bằng của các bạn trong lớp thì khi đó giáo viên mới tạm yên tâm”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH: Bám sát chương trình, đảm bảo chất lượng Ban giám hiệu các trường phải có sự quan tâm đặc biệt với học sinh lớp 1 khi các em đến trường học trực tiếp. Ngoài bám sát chương trình, đảm bảo chất lượng thì phải luôn quan tâm đến những học sinh còn yếu về kiến thức, đảm bảo không để học sinh nào phải rơi vào tình trạng “học đuổi”, dần dần càng học lên càng “đuối”, dẫn tới hậu quả sẽ trở thành học sinh yếu kém. |
Trong khi đó, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) Mai Văn Sáu cho biết, năm học 2021-2022, trường có 105 học sinh lớp 1, trong đó có hơn 30 em là học sinh dân tộc thiểu số. Trong điều kiện dạy và học bình thường, giáo viên đã vất vả, còn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong thời gian vừa qua, khó khăn càng tăng lên gấp bội. Thầy Sáu cho biết: “Trong học kỳ 1 vừa qua, dù rất khó khăn nhưng nhà trường vẫn cố gắng duy trì việc dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 với phương châm được đến đâu hay đến đó. Khi đón học sinh trở lại trường học trực tiếp, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp 1 tổng rà soát lại khả năng học tập của từng em”.
Thầy Sáu cho biết, có những học sinh lớp 1 tuần đầu được trở lại trường học trực tiếp còn khóc đòi về như trẻ mẫu giáo. Có em trong thời gian học trực tuyến do không được cha mẹ quan tâm, phối hợp kèm cặp thêm nên đã hết học kỳ 1, sang học kỳ 2 vẫn chưa biết đọc, chưa biết viết. Nhằm từng bước khắc phục những điểm yếu nói trên, nhà trường đã phân loại học sinh lớp 1 thành từng nhóm để có kế hoạch bồi dưỡng thêm. Những em đọc yếu, viết yếu sẽ được rèn luyện lại từ đầu, còn em nào viết chậm, viết chữ nguệch ngoạc, giáo viên trực tiếp cầm tay học sinh uốn nắn cho đúng nét.
Cô Lê Thị Phương Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (P.Xuân An, TP.Long Khánh) chia sẻ, lớp 1 là năm học đầu đời của tuổi học sinh. Ở năm học quan trọng này, giáo viên cần giúp các em những kiến thức và kỹ năng quan trọng, trong đó có việc từng bước làm quen với môi trường học tập mới, xây dựng các mối quan hệ trong lớp, đặc biệt là hình thành khả năng đọc, viết tiếng Việt tốt. Do tầm quan trọng của những kiến thức và kỹ năng có tính nền tảng cơ bản nên khi đón học sinh trở lại, nhà trường phải tập trung quan tâm từng em, không để em nào hổng kiến thức và kỹ năng mà không được quan tâm.
Ưu tiên chất lượng
Năm học 2021-2022, Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) có tới gần 800 học sinh lớp 1 được chia làm 16 lớp. Với sĩ số trung bình 50 em/lớp, giáo viên chủ nhiệm phải nỗ lực hơn rất nhiều so với sĩ số của một lớp chuẩn chỉ là 35 em/lớp, đặc biệt là phải dạy học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp.
Cô Phạm Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3, Trường tiểu học Trảng Dài cho biết: “Từ cuối học kỳ 1, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bớt căng thẳng hơn, nhà trường đã chỉ đạo cho giáo viên chủ nhiệm phân loại học sinh, những em nào học yếu được đề nghị đến trường học theo các nhóm nhỏ để giáo viên có điều kiện kèm cặp. Chính vì vậy, vào học kỳ 2, khi học sinh đồng loạt quay trở lại trường học trực tiếp đã hạn chế được tình trạng chênh lệch quá lớn về khả năng học tập của mỗi em”.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài Ngô Thị Thủy cho hay, năm học này với học sinh lớp 1 rất quan trọng, có thể ảnh hưởng tới khả năng học tập của các em và chất lượng dạy và học của nhà trường ở những năm học tiếp theo. Do đó, nhà trường đã động viên tinh thần giáo viên chủ nhiệm các lớp vì học sinh để vượt qua khó khăn. Giáo viên không chỉ được quán triệt giao nhiệm vụ học tập cho từng học sinh mà còn phải giao nhiệm vụ cho cả phụ huynh thông qua các nhóm Zalo để khi các em về nhà, phụ huynh phải có trách nhiệm kèm cặp thêm. Với những nỗ lực mang tính tổng thể của nhà trường, đến nay đa số học sinh lớp 1 của trường đã có khả năng đọc và viết tốt ở môn Tiếng Việt, đảm bảo cho các em có nền tảng kiến thức tiếp thu ở giai đoạn học tập kế tiếp”.
Cô Nguyễn Thị Kim Cúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/5, Trường tiểu học Nguyễn Huệ (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho hay, trong gần 3 tuần đầu tiên của học kỳ 2, học sinh lớp 1 được trở lại trường học trực tiếp, khả năng tiếp thu của các em được cải thiện rõ ràng. Trong mỗi buổi học, các em đều chăm chú theo dõi cô giảng bài. Nhiều em chỉ sau thời gian ngắn học trực tiếp đã thể hiện sự tiến bộ trông thấy, đồng thời hăng say đến lớp hơn so với thời gian đầu.
Anh Lê Kim Phúc, phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Phan Bội Châu (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết: “Dù dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng điều tôi thấy rõ nhất là khi đi học trực tiếp, tinh thần của con được cải thiện rõ rệt, con hào hứng hơn trong chuyện học, đặc biệt là môn Tiếng Việt cải thiện rất tốt khả năng đọc và viết”.
Công Nghĩa