Lo ngại con bị 'hổng' kiến thức sau học kỳ 1 phải học trực tuyến vì dịch bệnh Covid-19, bước sang học kỳ 2, nhiều phụ huynh đã tìm giải pháp cho con học thêm bằng nhiều hình thức, với mong muốn con có thể 'gia cố' lại kiến thức chắc chắn hơn.
Lo ngại con bị 'hổng' kiến thức sau học kỳ 1 phải học trực tuyến vì dịch bệnh Covid-19, bước sang học kỳ 2, nhiều phụ huynh đã tìm giải pháp cho con học thêm bằng nhiều hình thức, với mong muốn con có thể 'gia cố' lại kiến thức chắc chắn hơn.
Học sinh Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh) làm bài kiển tra kiến thức đã học. Ảnh: C.Nghĩa |
Việc phải dành nhiều thời gian học thêm sau khi trở lại trường từ đầu học kỳ 2 đã ít nhiều gây áp lực cho học sinh, nhất là những em đầu cấp tiểu học, học sinh chuẩn bị thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học.
* Gia tăng áp lực học tập
Trước khi con vào lớp 1, chị Võ Thị Thanh Hoa (ở P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) không có điều kiện cho con luyện chữ ở những lớp dự thính vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Cả học kỳ 1, học kỳ đầu tiên của lớp 1, con chị phải học làm quen với các chữ cái và con số bằng hình thức học trực tuyến. Đây thực sự là thử thách quá lớn với trẻ chưa từng biết đọc, biết viết.
Hoàn thành học kỳ 1, bước sang học kỳ 2, khả năng đọc, viết của con chị Hoa đã tương đối, nhưng nét chữ còn khá xấu nên chị không khỏi lo lắng cho con. Vì vậy, ngoài các buổi học trực tiếp ở trường, con chị còn có 3 buổi tối trong tuần để luyện chữ ở nhà giáo viên, dù dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH: Giúp học sinh có được kiến thức căn bản Dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến chất lượng dạy và học, do đó ưu tiên cao nhất vẫn là tạo được kiến thức căn bản cho học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học, học sinh thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT. Dù áp lực đến đâu, nhà trường cũng phải tạo được kiến thức căn bản cho học sinh, không chạy theo chương trình năm học. Đối với học sinh khối 12, dạy đến đâu ôn tập sâu đến đó, để củng cố vững chắc kiến thức cho học sinh thi tốt nghiệp. Đặc biệt, lưu ý tránh tình trạng lạm dụng dạy thêm, học thêm sai quy định của ngành. |
Áp lực về điểm số để xét tuyển vào lớp 6 đang khiến nhiều học sinh cuối bậc tiểu học phải gia tăng học thêm bằng nhiều hình thức khác nhau ngoài các buổi học chính khóa trên lớp. Anh Lê Thành Hiệp (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi dự định đăng ký cho con xét tuyển vào lớp 6 của Trường THCS Trần Hưng Đạo, nhưng cả học kỳ 1 vừa qua, con tôi phải học trực tuyến nên kết quả học tập có vẻ đi xuống khá nhiều. Học kỳ 2 này mới đi học được nửa tháng, con tôi lại mắc Covid-19, phải cách ly ở nhà 1 tuần. Vì thế, để con đạt được mục tiêu trúng tuyển vào lớp 6 như dự kiến, tôi phải tăng cường thêm một số buổi học thêm ở nhà giáo viên cho con để con có kết quả thi tốt hơn ở cuối học kỳ 2 này”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng Trang (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, đã nhiều ngày qua chị liên tục nhờ người quen tìm cho con gia sư dạy kèm môn Toán lớp 9 nhưng vẫn chưa tìm được ai. Chị cho biết, hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn còn khá căng thẳng nên giáo viên không phải ai cũng dám nhận học sinh đến nhà dạy thêm, nên lựa chọn tạm thời là đăng ký cho con học thêm trực tuyến với giáo viên Toán ở trường vào buổi tối thứ hai và sáu trong tuần. Ngoài môn Toán, chị Trang còn cho con học thêm môn Tiếng Anh tăng cường ở một trung tâm ngoại ngữ trên đường Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất) vào tối thứ ba và thứ năm. “Hy vọng là con sẽ lấy lại được kiến thức đầy đủ cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới” - chị Trang bộc bạch.
* Bước ngoặt với học sinh khối 12
Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức vào đầu tháng 7 sắp tới như dự kiến của Bộ GD-ĐT thì học sinh khối 12 chỉ còn khoảng 3 tháng nữa để hoàn thành toàn bộ chương trình lớp 12, tập trung ôn tập và sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp quan trọng này. Thời điểm hiện tại với nhiều học sinh, áp lực học tập đang thực sự tăng lên. Ngoài ra, các em còn phải tập trung nghiên cứu chuẩn bị cho việc đăng ký xét tuyển vào đại học trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều em còn tranh thủ gia tăng cơ hội xét tuyển vào đại học bằng việc đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 3 này.
Theo hiệu trưởng nhiều trường THPT, hiện các trường đang tập trung cho học sinh khối 12 hoàn thành toàn bộ chương trình theo đúng khung thời gian năm học 2021-2022. Sau khi hoàn thành chương trình năm học, các trường sẽ tiến hành cho học sinh lớp 12 thi kiểm tra cuối năm, đồng thời tổng kết làm cơ sở phục vụ xét tốt nghiệp THPT.
Học sinh lớp 3 một trường ở H.Trảng Bom học thêm tiếng Anh trực tuyến vào buổi tối |
Thầy Nguyễn Văn Duyên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) cho biết: “Sau 1 học kỳ học trực tuyến, khi trở lại học trực tiếp, các em đều nỗ lực rất lớn, tận dụng từng ngày đến trường để hoàn thành chương trình năm học. Nhiều em còn tập trung ôn tập nâng cao kiến thức để có nhiều hơn cơ hội vào đại học”.
Em Vũ Quang Thắng, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Sĩ Liên (H.Trảng Bom) cho biết, vào cuối tháng 3 này em sẽ tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức để lấy kết quả xét đại học. Chính vì vậy, ngay khi trở lại trường học trực tiếp từ đầu học kỳ 2, em đã tăng thời gian học tập và ôn tập lên hơn 30% so với trước để đạt được các mục tiêu đề ra cho bản thân. Ngoài học trên lớp, em còn tham gia học phụ đạo theo hình thức trực tuyến với thầy cô giáo một số bộ môn để củng cố kiến thức cơ bản và tăng cường kiến thức nâng cao ở những dạng câu hỏi khó, có tính phân loại cao.
Năm học 2021-2022 tiếp tục là năm chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, áp lực học tập với học sinh là rất lớn. Điều đáng mừng là đến nay các trường đã nhanh chóng ổn định việc dạy và học sau khi tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp trở lại từ ngày 14-2, dù rằng số ca nhiễm Covid-19 trong trường học tăng cao liên tục. Đối với học sinh các bậc học, dù áp lực học tập lớn nhưng Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường phải chú trọng chất lượng dạy và học để duy trì quyền lợi cho học sinh, đồng thời đảm bảo chất lượng dạy và học lâu dài cho những năm kế tiếp.
Công Nghĩa