Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát hiện và điều trị sớm bệnh suy giãn tĩnh mạch

10:02, 28/02/2022

Suy tĩnh mạch là căn bệnh phổ biến đối với đôi chân. Bệnh chủ yếu tập trung ở những người trong độ tuổi lao động thường ngồi liên tục trong thời gian dài, đứng nhiều, phụ nữ mang thai, béo phì…

Suy tĩnh mạch là căn bệnh phổ biến đối với đôi chân. Bệnh chủ yếu tập trung ở những người trong độ tuổi lao động thường ngồi liên tục trong thời gian dài, đứng nhiều, phụ nữ mang thai, béo phì…

Bệnh nhân N.V.C. đang được bác sĩ kiểm tra để chuẩn bị phẫu thuật điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch. Ảnh: S.Mai
Bệnh nhân N.V.C. đang được bác sĩ kiểm tra để chuẩn bị phẫu thuật điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch. Ảnh: S.Mai

Mặc dù bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống.

* Bệnh chủ yếu do yếu tố nghề nghiệp

Do tính chất công việc văn phòng phải ngồi nhiều. Thời gian gần đây, chị P.T.T. (36 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP. Biên Hòa) thường xuất hiện những cơn đau mỏi, nhức chân và đi lại hay bước lên cầu thang rất khó khăn. Lo lắng, chị T. đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám và được bác sĩ chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch giai đoạn 2. Do bệnh của chị T. ở giai đoạn 2 nên bác sĩ cho thuốc uống điều trị và mang vớ y khoa (vớ áp lực) về nhà theo dõi và hẹn ngày tái khám.

Không được may mắn như chị T., anh N.V.C. (32 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) phải nhập viện phẫu thuật điều trị, bởi bệnh suy giãn tĩnh mạch của anh ở giai đoạn 4 (thay đổi màu da, các búi tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo trên da).

Anh C. cho hay, do tính chất công việc phải đứng nhiều nên 3 năm trở lại đây anh thường xuất hiện những cơn căng tức, tê ở chân, có cảm giác như kiến bò, tối ngủ thi thoảng bị chuột rút. Anh đã đi khám nhiều nơi, uống thuốc và mang vớ áp lực nhưng bệnh vẫn không cải thiện. Ngày 15-2, anh đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám, tại đây các bác sĩ chẩn đoán anh bị suy giãn tĩnh mạch giai đoạn 4, cần nhập viện phẫu thuật điều trị.

BS Nguyễn Ngọc Hoa Quỳnh, Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh suy giãn tĩnh mạch có 6 giai đoạn, tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Nếu ở các giai đoạn nhẹ chỉ cần uống thuốc, mang vớ áp lực và thay đổi lối sống bệnh có thể cải thiện. Còn từ giai đoạn 3 trở đi, khi bệnh nhân có dấu hiệu phù chân, chuyển đổi màu da, loét… phải can thiệp phẫu thuật để điều trị.

Đối với trường hợp của bệnh nhân C., do bị ở giai đoạn 4, màu sắc da đã thay đổi và sắp có hiện tượng loét nên bệnh nhân cần phải phẫu thuật để điều trị. Để điều trị, các bác sĩ sẽ tiến hành đốt laser tĩnh mạch hiển, đồng thời rạch da và bóc các búi tĩnh mạch nông bị giãn cho bệnh nhân. 

“Phần lớn bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chủ yếu do nghề nghiệp công việc đang làm. Không riêng gì bệnh nhân C. mà tất cả những bệnh nhân khác, sau khi phẫu thuật điều trị thành công nếu vẫn duy trì chế độ làm việc cũ mà không tập luyện đôi chân bệnh vẫn có thể tái lại. Do đó, sau khi phẫu thuật xong, ngoài việc duy trì uống thuốc và đeo vớ áp lực trong vòng vài tuần đến 1 tháng, bệnh nhân cần cải thiện môi trường làm việc, tập luyện thể dục hợp lý” - BS Quỳnh lưu ý.

* Luyện tập thể dục phòng tránh bệnh suy giãn tĩnh mạch

BS Quỳnh cho hay, suy giãn tĩnh mạch là tình trạng suy giảm chức năng dẫn đến ứ trệ máu của hệ thống tĩnh mạch chi dưới. Bệnh không có nguyên nhân rõ ràng, nhưng có yếu tố nguy cơ như: di truyền trong gia đình; do yếu tố nghề nghiệp (công nhân thợ may, nhân viên văn phòng phải ngồi nhiều trong thời gian dài, đứng nhiều, làm những công việc quá nặng dồn trọng lượng xuống chân, phụ nữ mang thai, béo phì…).

Biểu hiện thường thấy nhất đó là chân có cảm giác nặng hơn khi đi lại, chân phù hơn vào buổi chiều, căng tức, khó chịu, tê như kiến bò, chuột rút về đêm. Còn nặng hơn khi các tĩnh mạch nổi lên trên da, thay đổi màu sắc da và loét. Bệnh tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm, đúng sẽ ảnh hưởng đến công việc như: mất tập trung khi làm việc, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, nhiễm trùng nếu loét da và mất thẩm mỹ.

Theo BS Quỳnh, trung bình một tuần có khoảng 100 bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch đến khám, trong đó có đến 2 bệnh nhân bị bệnh ở giai đoạn 3 trở lên phải nhập viện điều trị. Ngoài ra, thi thoảng Khoa tiếp nhận những bệnh nhân đến trong tình trạng loét chân đã chảy nước, điều trị khó hơn. “Bệnh càng để lâu thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, khi có những dấu hiệu trên, bệnh nhân không chủ quan mà nên đến bệnh viện kiểm tra, khám để được chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp” - BS Quỳnh khuyến cáo.

Để phòng tránh bệnh suy giãn tĩnh mạch, BS Quỳnh khuyến cáo nên tránh đứng lâu, đứng nhiều một chỗ, tranh thủ tập vận động chân lúc rảnh rỗi, nhằm giúp kích hoạt cơ chân để mạch máu đỡ bị ứ trệ. Khi ngủ kê 2 chân cao bằng 1 chiếc gối có độ dày vừa phải để máu lưu thông được dễ dàng. Với những người có cân nặng hay béo phì nên giảm cân và tập thể dục để phòng tránh bệnh. Ngoài ra, nên ăn những thức ăn nhiều vitamin (rau, củ, trái cây) để làm cho thành mạch máu được bền, dẻo và dai, ăn các chất xơ…

Sao Mai

Tin xem nhiều