Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Trường tiểu học Bình Đa (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) đã cùng các cộng sự xây dựng website hỗ trợ dạy học môn Lịch sử - Địa lý địa phương. Website ra đời sẽ hỗ trợ giáo viên thuận lợi hơn trong việc dạy môn Lịch sử - Địa lý địa phương, đồng thời tạo sức hấp dẫn để lôi cuốn học sinh đến với môn học này.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Trường tiểu học Bình Đa (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) đã cùng các cộng sự xây dựng website hỗ trợ dạy học môn Lịch sử - Địa lý địa phương. Website ra đời sẽ hỗ trợ giáo viên thuận lợi hơn trong việc dạy môn Lịch sử - Địa lý địa phương, đồng thời tạo sức hấp dẫn để lôi cuốn học sinh đến với môn học này.
Đại diện nhóm tác giả nhận giải nhất Chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập năm 2021. Ảnh: Hải Yến |
Website www.khamphadongnai.com được thực hiện gấp rút trong thời gian nghỉ hè để kịp ứng dụng trong năm học mới, lại đúng vào thời điểm Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội nên nhóm đã gặp không ít khó khăn.
* Gian nan hành trình sáng tạo
Chia sẻ về ý tưởng thiết kế website khamphadongnai.com, cô Trang cho biết, học sinh hiện nay rất ngại học môn Lịch sử. Nếu không thay đổi cách dạy, cách truyền đạt, các em sẽ thấy môn học khô khan và càng không muốn học. Từ thực tế này, cô Trang quyết tâm xây dựng website cung cấp học liệu và tài nguyên dạy học, giúp giáo viên thuận tiện trong dạy học. Với website này, giáo viên sẽ được hỗ trợ tối đa để xây dựng bài giảng điện tử, sử dụng ngân hàng câu hỏi trực tuyến, tư liệu online, sách điện tử… trong quá trình dạy học.
Website www.khamphadongnai.com không chỉ áp dụng được trong các trường tiểu học mà còn có khả năng áp dụng trong toàn ngành Giáo dục, hữu ích với những ai có nhu cầu tìm hiểu về mảnh đất Đồng Nai. |
Đối với học sinh, các video clip, hình ảnh trực quan sinh động, bộ truyện tranh về các nhân vật lịch sử sẽ giúp các em thấy gần gũi, dễ tiếp thu hơn. Từ đó, tăng tính hứng thú cho môn Lịch sử - Địa lý địa phương, nâng cao hiệu quả dạy học.
Cô Trang đã trao đổi ý tưởng này với một số đồng nghiệp, 2 học trò cũ (đang là sinh viên đại học) và con gái (học lớp 5, Trường tiểu học An Hảo) và cả nhóm cùng bắt tay vào thực hiện.
Nhóm mong muốn thực hiện xong trước khi bước vào năm học mới. Do đó, mỗi người được phân công phụ trách một công việc, tìm kiếm tài liệu, xây dựng tình huống truyện, sử dụng ứng dụng Canva để thiết kế truyện tranh, chuẩn bị tư liệu và chỉnh sửa video clip…
“Mới bắt tay vào làm việc không lâu thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh, một số thành viên trong nhóm xung phong vào tuyến đầu phòng chống dịch; địa phương lại thực hiện giãn cách xã hội nên chúng tôi bị thiếu nhân lực trầm trọng. Giai đoạn đó, các thành viên của nhóm phải choàng gánh để làm việc cho nhau. Chúng tôi phải thường xuyên thức khuya để làm việc” - cô Trang kể.
Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục cải tiến, chỉnh sửa trang web, thêm tính năng chơi gameshow tìm hiểu kiến thức lịch sử, địa lý để học sinh vừa chơi vừa học. Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ chụp hình, quay lại một số video để thay thế những hình ảnh kém chất lượng đã sử dụng trước đây.
* Hỗ trợ giáo viên dạy Lịch sử - Địa lý địa phương
Website của nhóm tác giả là tập hợp trang thông tin có chứa các dạng hình ảnh, văn bản, video, audio… về tài liệu dạy và học chương trình Lịch sử - Địa lý địa phương tỉnh Đồng Nai. Trong đó, ngoài các tài liệu, hình ảnh có sẵn trong chương trình dạy học, nhóm đã thiết kế thêm 5 quyển truyện tranh, 8 video clip. Bộ truyện xây dựng ngắn gọn, không đưa ra các chi tiết rườm rà, mỗi câu chuyện đều có sự kết nối giữa nhân vật lịch sử với di tích lịch sử. Điều này giúp học sinh nắm bắt được mục đích, mục tiêu cụ thể của bài học, dễ nhớ.
Giao diện trang web www.khamphadongnai.com (mục Lịch sử) |
Trang web được chia làm 5 mục chính, gồm: vị trí, nội dung, lịch sử, địa lý, tài nguyên. Mỗi mục chính gồm các nội dung nhỏ hơn. Trang web này thể hiện toàn bộ các bài giảng trong chương trình dạy học Lịch sử - Địa lý địa phương tỉnh Đồng Nai lớp 4, 5. Hệ thống bài giảng đầy đủ gồm: (phần 1) Tìm hiểu về lịch sử tỉnh Đồng Nai; (phần 2) Đồng Nai mảnh đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa; Phần địa lý địa phương.
Nhóm tác giả đã dự thi Chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2021 và được đánh giá cao, được trao giải nhất của chương trình. Đến thời điểm hiện tại, website www.khamphadongnai.com là trang web đầu tiên và duy nhất xây dựng để hỗ trợ giáo viên và học sinh cấp tiểu học trong dạy học và học chương trình Lịch sử - Địa lý địa phương tỉnh Đồng Nai.
Website do chính giáo viên tiểu học đang trực tiếp giảng dạy, có tham khảo ý kiến học sinh nên sử dụng ngữ liệu dễ hiểu, gần gũi, hình thức thiết kế phong phú, đa dạng, sáng tạo, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của học sinh. Nội dung bài học được khai thác theo hướng chú trọng hoạt động trải nghiệm, không nặng về lý thuyết. Nhân vật lịch sử tiêu biểu gắn liền với mảnh đất Đồng Nai được thiết kế dưới hình thức chuyện tranh, nội dung dễ hiểu, ngôn từ thân thuộc, hình ảnh, màu sắc hài hòa bắt mắt, tạo sức hấp dẫn, thu hút học sinh tiểu học tìm hiểu về lịch sử - địa lý địa phương.
Tất cả nội dung bài học, hình ảnh, video liên quan đến bài học đều có trên trang web www.khamphadongnai.com. Học sinh không mất nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin liên quan đến bài học trên các trang web khác. Giáo viên có thể khai thác trang web để giảng dạy trực tiếp trên lớp học. Phụ huynh học sinh có thể tiếp cận được tài liệu giáo dục lịch sử địa phương, từ đó dễ dàng hỗ trợ con học môn lịch sử địa lý địa phương ở nhà.
Để các bài học lịch sử trở nên gần gũi, nhóm đã xây dựng thành các cuốn truyện tranh với nhiều tuyến nhân vật gần gũi với học sinh: ông bà, cha mẹ, anh em trong gia đình, thầy cô, bạn bè ở trường. Trong mỗi câu chuyện, nhóm học sinh lại được khám phá một địa điểm di tích, tìm hiểu về một nhân vật lịch sử khác nhau. Nhóm dùng ứng dụng Canva để thiết kế truyện tranh. Trong đó, em Trương Phụng Nhi, lớp 5/6 Trường tiểu học An Hảo là người thiết kế nhân vật Trịnh Hoài Đức; tham gia xây dựng tình huống về 2 nhân vật Đoàn Văn Cự và Trần Thượng Xuyên. |
Hải Yến