Nhiều người khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đã vô cùng lo lắng. Có những trường hợp thông báo cho trạm y tế (TYT) phường, nhưng bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên quá tải nên chưa hướng dẫn kịp thời hoặc không có thời gian trả lời các thắc mắc của F0, khiến bệnh nhân càng hoang mang bởi không biết điều trị thế nào khi tự cách ly tại nhà...
Nhiều người khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đã vô cùng lo lắng. Có những trường hợp thông báo cho trạm y tế (TYT) phường, nhưng bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên quá tải nên chưa hướng dẫn kịp thời hoặc không có thời gian trả lời các thắc mắc của F0, khiến bệnh nhân càng hoang mang bởi không biết điều trị thế nào khi tự cách ly tại nhà...
BS Nguyễn Tất Trung, Phụ trách Phòng Kế hoạch - tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tư vấn trực tuyến cho một F0 về hướng điều trị Covid-19 tại nhà |
Thế nhưng, các F0 đã không cô đơn trong hành trình tự điều trị. Đã có không ít thầy thuốc trên địa bàn tỉnh tình nguyện hướng dẫn, điều trị F0 hoàn toàn miễn phí qua mạng xã hội (Zalo, Facebook) trong suốt thời gian bệnh nhân tự cách ly tại nhà.
* Yên tâm hơn với bác sĩ online
Bà Nguyễn Thị Bích (62 tuổi, ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) kể lại, dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, nhưng do vợ chồng bà bị bệnh nền khá nặng là suy thận và đái tháo đường nên khi nhiễm Covid-19, cả hai ông bà rất lo lắng, hoang mang. Ngày đầu tiên trở thành F0, cả hai ông bà sống trong sợ hãi. Con của bà gọi điện cho TYT phường nhiều lần nhưng không được, đành phải ra tận nơi khai báo. 3 hôm sau, TYT mới gọi lại và cho bà số điện thoại của BS Thanh Xuân - một bác sĩ tình nguyện làm công tác tư vấn cho F0, F1 tại TYT P.Bình Đa.
Được BS Xuân tận tình hướng dẫn chi tiết cách điều trị Covid-19 tại nhà, bà yên tâm, bình tĩnh làm theo. Sau 7 ngày, tình hình sức khỏe của vợ chồng bà khá dần lên. Trong suốt 14 ngày cách ly điều trị, gia đình bà và BS Xuân đều trao đổi qua lại về diễn tiến sức khỏe của ông bà. BS Xuân cũng kịp thời điều chỉnh thuốc, hướng dẫn việc ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là giúp ông bà nhận biết những triệu chứng chuyển nặng của bệnh. “Sau 20 ngày tự cách ly điều trị với sự hỗ trợ của BS Xuân, chúng tôi đã khỏi bệnh hoàn toàn” - bà Bích bộc bạch.
Chưa kịp mừng vì được trở lại công ty làm việc sau nhiều tháng nghỉ việc do giãn cách xã hội, chị Nguyễn Thị Thùy (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) lại lo lắng khi bị nhiễm Covid-19 trong công ty. “Suy nghĩ, âu lo khiến tôi sút đi trông thấy. Từ triệu chứng nhẹ, tôi bắt đầu ho, sốt, mệt mỏi, tức ngực, mất vị giác và khứu giác...”.
Chị Thùy cho biết, những ngày tự điều trị ở nhà, chị đã lên mạng xã hội xem các clip BS Trương Hữu Khanh, một chuyên gia bệnh nhiễm ở TP.HCM hướng dẫn cách điều trị F0 tại nhà và làm theo. Có gì thắc mắc, chị nhắn tin và đều nhận được câu trả lời của BS Khanh. Sau gần 2 tuần điều trị, được bác sĩ tư vấn, được người thân, bạn bè động viên, chị Thùy đã chiến thắng Covid-19.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các bác sĩ, không ít ca F0 phát hiện dấu hiệu chuyển nặng để nhập viện cấp cứu, điều trị kịp thời. Ông Phạm Đăng (ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) là một trong những bệnh nhân may mắn đó. Ông Đăng cho biết, đầu tháng 12-2021, ông bị nhiễm Covid-19 và cách ly điều trị tại nhà. Đến ngày thứ 5, ông trở mệt, khó thở. Con ông gọi cho BS Nguyễn Tất Trung, Phụ trách Phòng Kế hoạch - tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai qua tài khoản Happy Doctor trên Zalo. Sau khi gia đình trao đổi với BS Trung, ông Đăng đã được gấp rút đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai điều trị do bệnh tình có dấu hiệu chuyển biến nhanh, nguy hiểm tính mạng khi chỉ số oxy trong máu giảm khá thấp.
Người dân có thể quét mã QR để liên hệ BS Nguyễn Tất Trung để được tư vấn điều trị bệnh Covid-19 tại nhà |
Đến bệnh viện, ông Đăng đã được thở máy kịp thời. Sau 3 tuần điều trị, ông Đăng được xuất viện. “Tôi rất biết ơn BS Trung vì đã kịp thời hướng dẫn tôi vào bệnh viện. Nếu tôi ở nhà thêm nửa ngày nữa, tôi khó có thể qua khỏi” - ông Đăng chia sẻ.
* “F0 đừng hoảng sợ, bác sĩ đang ở bên bạn”
Đó là dòng nhắn tin đầu tiên BS Nguyễn Tất Trung gửi cho F0 và người nhà của F0 khi họ liên hệ với anh. Công việc của một bác sĩ trong thời dịch bệnh rất bận rộn vì BS Trung vừa theo học chương trình đào tạo sau đại học (CKI), làm công tác quản lý ở Phòng Kế hoạch - tổng hợp, vừa trực chuyên môn ở Khoa Tim mạch, chưa kể việc tham gia công tác xã hội, Đoàn thanh niên ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai... Tuy vậy, anh vẫn nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ miễn phí cho F0 qua Zalo, Facebook với tài khoản Facebook Nguyễn Tất Trung (Happy Doctor).
Từ đầu tháng 11-2021 đến nay, khi Đồng Nai cho phép F0 cách ly, điều trị tại nhà, 2 điện thoại của BS Trung lúc nào cũng bận rộn cả ngày lẫn đêm. Có khi anh hướng dẫn trực tuyến cho người nhà của F0 đến tận 2-3 giờ sáng. Anh đặc biệt chú ý đến những bệnh nhân có bệnh lý nền, nếu trong ngày bệnh nhân không gọi thì mỗi ngày 2 lần anh đều chủ động gọi điện, nhắn tin thăm hỏi tình hình bệnh nhân để có hướng tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Cao điểm nhất có ngày anh gọi đến hơn 50 cuộc cho các F0 điều trị tại nhà.
BS Trung tâm sự, làm công tác quản lý tại Phòng Kế hoạch - tổng hợp, mỗi ngày thấy số bệnh nhân Covid-19 nặng, số ca tử vong gia tăng ở nhóm người mắc bệnh nền hoặc do người nhà không biết những dấu hiệu bệnh tăng nặng mà đưa đi cấp cứu khiến anh thấy mình cần phải làm gì đó để góp phần hạn chế tình trạng này. Do đó, anh đã quyết định tư vấn, hỗ trợ miễn phí cho F0 qua mạng xã hội, giúp họ điều trị đúng, nhận ra dấu hiệu sớm của tình trạng chuyển nặng để đến bệnh viện kịp thời, nhằm hạn chế tử vong, đồng thời giúp giảm tải cho bệnh viện.
Cùng chung suy nghĩ “làm được điều gì cho người bệnh thì làm” như BS Trung, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Chúc, một bác sĩ về hưu (từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa cũ, nay là Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa) vẫn tiếp tục hỗ trợ công tác phòng, chống dịch khi tham gia tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm và tư vấn, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.
BS Chúc chia sẻ, gần 2 tháng nay, điện thoại của bà gần như hoạt động hết công suất khi có quá nhiều F0 gọi đến. Phần lớn F0 gọi đến đều rất hoang mang, lo mình chuyển nặng, lo lây nhiễm cho người thân. “Khi nghe F0 thông báo tình trạng của mình, trước hết tôi trấn an họ, sau đó hướng dẫn, tư vấn để họ có thể yên tâm điều trị. Nhiều trường hợp không cần dùng thuốc. Sau khi nghe tư vấn thì họ an tâm hơn, vài ngày sau gọi lại báo mình đã khỏi bệnh. Hầu như tôi không bỏ sót cuộc gọi, tin nhắn nào của bệnh nhân, dù đó là ngày hay đêm. Nếu lúc đó mình không nghe máy, chắc chắn bệnh nhân sẽ rất lo lắng, cô độc” - BS Chúc nói.
Gương mặt khả ái, nụ cười thân thiện và đặc biệt là chất giọng ấm áp là những ấn tượng đầu tiên mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được khi gặp BS Chúc. Không chỉ tư vấn cho F0, F1, mà ai cần thuốc điều trị nhưng không thể ra ngoài mua được, BS Chúc còn đi mua rồi nhờ shipper chuyển đến bệnh nhân.
“Không thể đong đếm được những đau thương từ đại dịch Covid-19 vì nó quá khốc liệt. Khoác trên mình áo blouse trắng, nếu không thể có mặt trực tiếp tại nơi tâm dịch thì cũng không thể ngồi yên ngoài “cuộc chiến” này. Làm được gì cho bệnh nhân thì làm” - BS Chúc tâm sự.
Theo thống kê của Sở Y tế, trong ngày 5-1, toàn tỉnh ghi nhận gần 1,4 ngàn ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 132 ca nhiễm phát hiện qua xét nghiệm khẳng định RT-PCR, hơn 1,2 ngàn ca phát hiện qua test nhanh. Riêng số F0 cách ly, điều trị tại nhà trong ngày 5-1 là 805 ca, nâng tổng số ca F0 đang cách ly, điều trị tại nhà lên 44,4 ngàn ca. |
Phương Liễu