Báo Đồng Nai điện tử
En

Thích ứng với già hóa dân số

01:12, 25/12/2021

Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số thuộc diện nhanh nhất thế giới. Số người cao tuổi tăng nhanh đồng nghĩa với nguy cơ thiếu hụt lao động và nhu cầu chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần rất lớn cho người cao tuổi.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số thuộc diện nhanh nhất thế giới. Số người cao tuổi tăng nhanh đồng nghĩa với nguy cơ thiếu hụt lao động và nhu cầu chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần rất lớn cho người cao tuổi.

Người cao tuổi mắc bệnh lý tim mạch khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG
Người cao tuổi mắc bệnh lý tim mạch khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Đồng Nai hiện nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành trong cả nước có mức sinh thay thế thấp (dưới 2,1 con/phụ nữ).

* Đa dạng các giải pháp

Dân số già là khi số người từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 7% tổng dân số, hoặc khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 10% tổng dân số. Các chuyên gia dự báo, thời kỳ dân số già của Việt Nam sẽ bắt đầu vào năm 2036 khi tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2% (tức là khoảng 14,3 triệu người) và tăng lên mức 21,1% (tức 24,5 triệu người) vào năm 2056.

BS CKII Lê Phương Lan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Đồng Nai cho rằng, một trong những giải pháp để hạn chế tốc độ già hóa dân số là duy trì mức sinh thay thế. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế, giữ được tổng tỷ suất sinh ở mức 2,1 con/mẹ. Tuy nhiên, một số năm trở lại đây, mức sinh thấp đang là xu hướng tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai. Nhiều gia đình không dám sinh 2 con, đặc biệt ở khu vực thành thị vì họ gặp phải quá nhiều áp lực trong cuộc sống, mà nguyên nhân chính là chi phí sinh hoạt, chi phí học hành, chăm sóc sức khỏe… đắt đỏ.

Để khích lệ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, Bộ Y tế đang lấy ý kiến để trình Chính phủ đề xuất hỗ trợ 1 lần bằng tiền ít nhất tương đương 1 lần mức lương tối thiểu vùng khi sinh con thứ nhất và 2 lần lương tối thiểu vùng khi sinh con thứ 2. Tuy nhiên, theo BS CKII Lê Phương Lan, giải pháp này khó khả thi khi Đồng Nai đang ở giai đoạn dân số trẻ (trên 60% dân số trong độ tuổi sinh đẻ), nếu hỗ trợ như trên thì kinh phí hỗ trợ hằng năm sẽ rất lớn. Mặt khác, mức hỗ trợ trên khá khiêm tốn so với những chi phí phải bỏ ra để chăm sóc, nuôi dạy… một đứa trẻ nên không đủ để khích lệ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Do vậy, Nhà nước cần đa dạng các giải pháp chứ không chỉ là hỗ trợ tiền. Đó là các giải pháp chăm sóc trước, trong và sau sinh; hỗ trợ về y tế, giáo dục, ưu tiên mua hoặc thuê nhà ở xã hội, các chính sách hỗ trợ để nuôi dạy trẻ đến năm 18 tuổi…

* Xây dựng chính sách chăm sóc người cao tuổi

Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hằng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của người cao tuổi. Đa số người cao tuổi chưa có thói quen khám bệnh định kỳ nên khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn, khiến việc chữa trị rất khó khăn. Hệ thống y tế, lão khoa chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của người cao tuổi.

BS CKII Lê Phương Lan cho hay, từ nhiều năm nay, tại Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung triển khai chính sách trợ cấp tiền mặt hằng tháng cho những người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, người cao tuổi cô đơn, người nghèo, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, còn có chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, ưu tiên người cao tuổi trong nhiều dịch vụ xã hội. Nhiều chương trình, hoạt động thiết thực chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và phát huy vai trò của người cao tuổi đã giúp cải thiện sức khỏe về thể chất, tâm lý cho người cao tuổi. Trong đại dịch Covid-19, người cao tuổi là một trong những nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19.

Được biết, Việt Nam cũng đã xây dựng hệ thống chăm sóc người cao tuổi với một số nhà dưỡng lão của Nhà nước và khuyến khích tư nhân tham gia. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban quốc gia Người cao tuổi, các nhà dưỡng lão này còn nhiều hạn chế về kinh phí nên cơ sở vật chất cho những người tham gia chăm sóc người cao tuổi còn thấp. Ở khu vực tư nhân cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Hệ thống nhà dưỡng lão tư nhân hiện nay vẫn mang tính tự phát, chưa đẩy mạnh được tính xã hội hóa. Do đó, Nhà nước cần có nhiều chính sách cần thiết hơn nữa để hỗ trợ người cao tuổi thích ứng, sống vui, sống khỏe, sống có ích trong điều kiện hiện nay.

Kết quả một số chỉ tiêu cơ bản liên quan đến lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 như sau: tỷ lệ giới tính khi sinh đạt 107 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên đạt 0,92%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao là 22%, suy dinh dưỡng cân nặng là 7,9%... Các kết quả này đều đạt chỉ tiêu đề ra.

Hạnh Dung

 

 

Tin xem nhiều