Thật khó diễn tả được khó khăn mà những học trò nhỏ đã và sẽ trải qua khi mất mẹ trong cơn đại dịch Covid-19. Sự yêu thương, sẻ chia của cộng đồng có thể san sẻ bớt phần nào khó khăn cho các em, nhưng nỗi đau tinh thần thì rất khó để chữa lành...
[links()]Thật khó có thể diễn tả được khó khăn, tổn thương mà những học trò nhỏ đã và sẽ phải trải qua khi mất mẹ trong cơn đại dịch Covid-19. Sự yêu thương, sẻ chia của cộng đồng có thể san sẻ bớt phần khó khăn cho các em, nhưng nỗi đau tinh thần thì rất khó để chữa lành…
Em Nguyễn Hoàng Quân (lớp 9/5 Trường THCS Lê Quý Đôn) trong giờ tự học. Quân vốn đã ít nói, từ ngày mẹ mất, em càng trở nên lặng lẽ hơn. Ảnh: Hải Yến |
Những học trò nhỏ này rất cần sự quan tâm, động viên từ thầy cô, bạn bè; cần có nơi để chia sẻ tâm sự. Nhưng việc học online khiến cho điều đơn giản này lại trở nên vô cùng khó khăn.
* Vết thương khó chữa lành
Căn nhà nằm sâu trong con hẻm thuộc KP.8, TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) vốn là tổ ấm nhỏ của gia đình em Nguyễn Hoàng Quân, lớp 9/5 Trường THCS Lê Quý Đôn. Hằng ngày, cha đi làm thợ hồ, mẹ đi làm công nhân, Quân đi học. Buổi tối, cả gia đình cùng quây quần bên nhau. Quân là con trai út trong gia đình. Chị gái của em đã lập gia đình và ra ở riêng. Điều kiện kinh tế tuy không khá giả nhưng gia đình bình yên, hạnh phúc.
Nhưng dịch bệnh Covid-19 đã cướp đi niềm hạnh phúc đơn sơ đó của gia đình Quân. Tháng 7 vừa qua, mẹ của em bị nhiễm virus SARS-CoV-2 phải đi bệnh viện điều trị rồi không bao giờ quay trở về được nữa.
Ông Nguyễn Hóa, cha của Quân kể lại: “Những ngày mới đi điều trị, vợ tôi thường xuyên gọi điện về nhà, bảo với con là hết tuần này mẹ sẽ về. Sau đó thì ít gọi dần. Những ngày cuối, tôi không còn gọi được cho vợ tôi nữa. Đến ngày 5-9, vợ tôi mất. Quân nó khóc nhiều lắm”.
Cậu bé còn khá non nớt để nghĩ về tương lai. Em còn chưa có mơ ước về nghề nghiệp, chưa định hướng sẽ học tiếp THPT hay học nghề. Ông Hóa nói rằng, bây giờ ông chỉ biết động viên con cố gắng học, tới đâu hay tới đó chứ chưa thể nghĩ xa hơn.
Giờ đây, tổ ấm nhỏ của gia đình Quân chỉ còn hai cha con. Ban ngày, cha đi làm thợ hồ, Quân ở nhà học online. Ngoài giờ học, Quân chỉ biết chơi một mình, làm bạn cùng chiếc điện thoại. Trước đây, công việc nội trợ có bàn tay của mẹ chăm chút, Quân hầu như không phải làm việc gì nên em cần có thời gian để quen việc. Vì thế, hằng ngày, ông Hóa đều tranh thủ giờ nghỉ trưa ở công trình để chạy về nhà lo cơm nước cho con, cũng để con không phải lẻ loi. Trong cuộc gặp gỡ với phóng viên, Quân hầu như không nói gì. Ông Hóa cho biết, ngày thường Quân vốn đã ít nói, bây giờ càng lặng lẽ hơn…
* Cuộc sống thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ
Vợ chồng ông Ngô Văn Bằng - bà Trần Thị Mến (ngụ tổ 26, KP.4B, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) có với nhau 4 người con. Con gái đầu 17 tuổi đã nghỉ học, con gái thứ 2 là Ngô Thị Ánh Nguyệt học lớp 6, con gái thứ 3 là Ngô Bảo Khánh học lớp 5, con trai nhỏ tuổi nhất là Ngô Cao Nguyên năm nay học lớp 1 (Trường tiểu học Trảng Dài).
Em Ngô Cao Nguyên (học sinh lớp 1/11 Trường tiểu học Trảng Dài) trong giờ học online vào buổi tối. Ảnh: Hải Yến |
Bà Mến làm công nhân ở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu). Cuối tháng 7, bà Mến bị bệnh, ban đầu là sốt, đau nhức người, sau đó thì bị sưng phù. Tuy vậy, bà không nghĩ rằng mình bị nhiễm virus SARS-CoV-2, chỉ đến khi bệnh nặng phải đi bệnh viện mới phát hiện ra. Lúc này, cả 4 cha con ông Bằng (trừ con gái lớn) đều bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và phải đi cách ly tập trung tại Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai.
Bà Mến nằm viện được 11 ngày thì mất (ngày 3-8).
Dù rất đau xót nhưng vì đang phải cách ly tập trung nên ông Bằng và các con không có cách nào để nhận được mẹ, dù mẹ chỉ còn là… tro cốt. Đến ngày 28-8, 4 cha con hoàn thành cách ly tập trung và tự cách ly tại nhà đến ngày 14-9. Lúc này, ông Bằng mới có thể đi “nhận mẹ” về cho các con. Kinh tế gia đình vốn đã eo hẹp, nay vợ mất, cuộc sống gia đình ông Bằng càng trở nên khó khăn. Công việc phụ hồ của ông khá bấp bênh nên khó có thể lo lắng đầy đủ cho các con.
Thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ, 4 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn trở nên nheo nhóc. Các chị em phải tự bảo ban, chăm lo cho nhau những khi cha vắng nhà. Tuy vậy, chị cả mới 17 tuổi nên chưa thể chăm sóc chu toàn cho các em được. Ánh Nguyệt và Bảo Khánh vốn đã học yếu nên việc học online thực sự là thử thách lớn đối với các em. May mắn là nhờ sự quan tâm của nhà trường nên các em đều đã được hỗ trợ thiết bị học tập.
Năm nay, Cao Nguyên học lớp 1 nhưng các chị không thể dạy kèm cho em. Ông Bằng cũng chỉ tranh thủ kèm dạy con được phần nào. Cậu bé khá hiếu động, thiếu tập trung, chú ý trong giờ học, Vì thế, em không thể theo kịp các bạn được.
“Nếu đi học ở trường thì cô giáo còn quan tâm, chỉ dạy thêm, nhưng học ở nhà thì đành chịu thôi. Tôi chỉ kèm được phần nào cho cháu Cao Nguyên thôi, nhưng cháu đọc kém lắm. Có lẽ phải ở lại lớp 1 năm thì mới đọc được. Tôi chỉ biết động viên các con học, cố gắng được đến đâu thì hay đến đó. Cũng may là còn có sự quan tâm của xã hội…” - ông Bằng chia sẻ.
Cần quan tâm, hỗ trợ thêm về tinh thần Không chỉ cần hỗ trợ về vật chất, các học sinh bị mồ côi cha, mẹ do đại dịch Covid-19 rất cần được quan tâm, hỗ trợ về tinh thần. Đặc biệt, trong bối cảnh học online, việc giao tiếp, chia sẻ với bạn bè, thầy cô bị hạn chế nên trẻ không có người để tâm sự, chia sẻ. |
Hải Yến